Đà Nẵng cuối tuần

Kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2021): Thông điệp hòa bình

14:15, 18/12/2021 (GMT+7)

Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam chớp thời cơ “ngàn năm có một”, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước, xóa bỏ ách cai trị của đế quốc phát xít, đồng thời lật đổ chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Pháo đài Láng là nơi bắn những loạt đạn pháo đầu tiên, phát hiệu lệnh cho Hà Nội mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh tư liệu)
Pháo đài Láng là nơi bắn những loạt đạn pháo đầu tiên, phát hiệu lệnh cho Hà Nội mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh tư liệu)

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, tuyên bố với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1).

Những sách lược mẫu mực

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta bị bao vây tứ phía, thù trong giặc ngoài đe dọa, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, với khát vọng tự do, độc lập và thống nhất đất nước, cũng là khát vọng hòa bình để xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản và Nhà nước cộng hòa non trẻ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nhạy bén và sáng suốt đã lựa chọn những chủ trương, đối sách đúng đắn, mềm dẻo, phù hợp, giải quyết kịp thời và hiệu quả những nhiệm vụ vô cùng phức tạp, khó khăn, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác gềnh, nguy hiểm, tạo môi trường hòa bình để củng cố lực lượng cách mạng và xây dựng đất nước.

Thể hiện thiện chí hòa bình, tháng 11-1945, Việt Nam chủ trương hòa hoãn với quân Tưởng ở phía Bắc để tổ chức lại lực lượng kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Tiếp đó, trước bối cảnh lịch sử mới, từ tháng 3-1946 đến tháng 11-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946 nhượng bộ cho quân Pháp một số quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa nhằm nhanh chóng đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước, kéo dài thêm thời gian hòa hoãn, tránh cho cuộc chiến tranh xảy ra sớm nhằm củng cố và xây dựng lực lượng. Các chủ trương đó là những mẫu mực tuyệt vời của sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Tranh thủ thời gian hòa bình, nhân dân Việt Nam ra sức củng cố tiềm lực mọi mặt, chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến với Pháp. Chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở củng cố và hợp thức hóa; khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng và tăng cường; công tác xây dựng quân đội cách mạng làm nòng cốt cho kháng chiến được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, nhờ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh trong những chặng đường về sau.

“Chúng tôi tha thiết với nền độc lập”

Sau chuyến đi thăm Pháp năm 1946, trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nêu rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam. Thông qua “Thư gửi các nước Đồng Minh, dân chúng và tù binh Pháp”, “Trả lời các nhà báo trong nước và nước ngoài” ngày 16-11-1946; thư “Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp, và người thế giới” ngày 23-11-1946; “Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp ngày 7-12-1946; “Lời kêu gọi Liên Hợp Quốc”; “Trả lời đại biểu các báo Việt Nam về chính kiến của ông Lêông Blum” ngày 12-12-1946; thậm chí sau khi đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946, trong thư “Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước Đồng Minh” đề ngày 21-12-1946, Hồ Chí Minh bày tỏ thiện chí hòa bình của người Việt Nam, tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam với Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới.

Điều đó giúp nhân dân Pháp nói riêng và nhân dân thế giới nói chung hiểu lập trường chính nghĩa của Việt Nam và có hành động thiết thực trước âm mưu gây hấn, chuẩn bị chiến tranh, lên án và ngăn chặn cuộc chiến tranh do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương.

Trong thông điệp gửi nhà báo Bernard Dranber - phóng viên báo Paris - Saigon ngày 7-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp”.

“Nước Việt Nam cần kiến thiết, nên nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi bao nhiêu sinh mạng”.

Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi phải làm” (2).

Đây là thông điệp hòa bình của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh thông qua phóng viên báo Paris - Saigon để gửi Chính phủ và nhân dân Pháp, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới. Nội dung thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình của một dân tộc đã chịu nhiều đau thương bởi các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực nước ngoài, đồng thời khẳng định thái độ và ý chí bảo vệ những giá trị của hòa bình và bản lĩnh của dân tộc trước thử thách của chiến tranh.

Vì một nền hòa bình bền vững

Từ cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, thực dân Pháp liên tiếp có những hành động khiêu khích, công khai mưu đồ xâm lược, thiết lập lại nền cai trị thuộc địa đối với nước ta, ngang nhiên đưa lực lượng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường, chiếm một số trụ sở của Chính phủ cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Khi những nỗ lực ngăn chặn nguy cơ chiến tranh không mang lại hiệu quả, trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”(3).

Với bản lĩnh, ý chí bảo vệ độc lập, tự do và hòa bình dân tộc, sau 9 năm kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Từ năm 1954-1975, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và vì một nền hòa bình bền vững.

75 năm đã qua, càng ngẫm càng thấy sâu sắc những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền hòa bình bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước đúng với mọi hoàn cảnh và thời gian.

Những tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng là thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình của một dân tộc trải qua nhiều thập niên đấu tranh vì tự do, độc lập của Tổ quốc. Lịch sử đã lùi xa 75 năm, nhưng thông điệp đó còn có ý nghĩa chỉ đạo trong việc giải quyết tranh chấp về lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay.

Phát huy tư tưởng hòa bình của Hồ Chí Minh về giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng; tăng cường tiềm lực mọi mặt cho đất nước bằng cách tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; không ngừng chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

PGS.TS TRƯƠNG MINH DỤC
Học viện Chính trị khu vực 3

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tâp, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 526.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr 534.

.