Người trẻ chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

.

Hạn chế sử dụng đồ nhựa, thay vào đó là sử dụng ống hút inox, muỗng gỗ, ly thủy tinh, hộp giấy mang đi, hay tự tay làm phân bón hữu cơ... là cách mà Nguyễn Thị Hà Phương (32 tuổi), chủ quán cà phê The Hideout và quán ăn Pokeman (72/24 Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà) và Đào Hải Yến (27 tuổi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đang thực hiện mỗi ngày nhằm chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Qua đó, góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa trong cộng đồng thông điệp “nói không với rác thải nhựa”.

Nguyễn Thị Hà Phương, chủ quán cà phê The Hideout, lan tỏa lối sống giảm rác thải nhựa đến cộng đồng. Ảnh: ĐAN TÂM
Nguyễn Thị Hà Phương, chủ quán cà phê The Hideout, lan tỏa lối sống giảm rác thải nhựa đến cộng đồng. Ảnh: ĐAN TÂM

Hướng đến kinh doanh “xanh”

Không gian quán cà phê The Hideout được bài trí ấm cúng, gần gũi, phù hợp với những người thích sự nhẹ nhàng, tối giản. Điểm đặc biệt, quán hầu như hiếm sử dụng đồ nhựa, thay vào đó là đồ dùng inox, gỗ, thủy tinh cho các loại ly, tách, ống hút, muỗng…

Nguyễn Thị Hà Phương cho hay: “Kinh doanh quán cà phê và cửa hàng ăn uống không thể không sử dụng đồ nhựa bởi tính tiện lợi của nó. Tuy vậy, tôi cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng đồ nhựa bằng cách thay thế đồ gỗ, inox, giấy…, sao cho đồ nhựa thải ra môi trường ít bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.

Năm 2018, Phương mở quán cà phê The Hideout và năm 2019 mở quán ăn Pokeman. Từ những ngày đầu kinh doanh, Phương kiên quyết chọn hướng kinh doanh “xanh”, giảm thiểu rác thải nhựa. Theo Phương, việc đầu tư đồ dùng bằng inox, thủy tinh, giấy… ban đầu tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí. Trong quá trình sử dụng các đồ dùng này gặp không ít khó khăn, chẳng hạn với những khách hàng không chấp nhận loại ống hút sử dụng nhiều lần như ống hút inox, quán phải thay thế bằng ống hút giấy.

“Tôi thích phong cách tối giản nên thiết kế quán cà phê đơn giản để mọi người đến học tập, làm việc hoặc chuyện trò. Còn về kinh doanh, tôi cố gắng tạo cho khách hàng thói quen sử dụng hộp giấy, chai thủy tinh thay vì dùng nhiều túi nilon và ống hút nhựa, qua đó nâng cao ý thức cũng như bảo vệ sức khỏe cho chính mình và khách hàng”, Phương bộc bạch.

Thể hiện bằng hành động mỗi ngày

Với Đào Hải Yến, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường là việc làm mỗi ngày, như dùng hộp đựng thức ăn thay vì dùng túi nilon, từ chối nhận hàng hóa được đựng trong túi nilon từ tiểu thương hay nhân viên cửa hàng; ủ phân hữu cơ từ rác thải hữu cơ...

Yến chia sẻ: “Mỗi hành động của mình, mỗi cọng rác mình thải ra ít nhiều tác động đến môi trường nên tôi nỗ lực hạn chế tối đa rác thải nhựa. Nhận thấy mỗi ngày gia đình thải ra lượng lớn rác thải hữu cơ nhưng lượng rác này phải bỏ đi rất phí và gây ô nhiễm nên tôi ủ phân. Ở nhà, tôi dành một khoảng sân nhỏ, dùng hai thùng xốp ủ phân bằng trùn quế. Chỉ cần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, việc nhỏ tôi cũng làm...”.

Yến từng học ngành quản trị khách sạn tại Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp, cô có một quãng thời gian làm việc tại cửa hàng Refillables Hội An (cửa hàng bán các sản phẩm thân thiện với con người, môi trường). Tại Refillables, người chủ cửa hàng đã biến những thứ tưởng chừng vô dụng trở thành hữu ích như xà phòng, nước lau nhà, nước rửa chén, túi xách, kể cả tinh chế tinh dầu từ các loại cây, hoa quả địa phương.

Đặc biệt, cửa hàng không sử dụng bao bì khi bán hàng mà khách hàng mang túi thân thiện môi trường đến khi mua hàng. Khi khách hàng không mang theo túi, cửa hàng sẽ cung cấp cho họ. Chính những việc làm của người chủ cửa hàng và những người bạn nước ngoài hay chính cộng đồng địa phương nơi Yến làm việc đã hướng cô đến các việc làm, hành động “sống xanh”.

Với Hà Phương và Hải Yến, những việc làm của các bạn tuy rất nhỏ, nhưng truyền đến cộng đồng thông điệp “Hãy nghĩ lại khi bạn sử dụng ống hút nhựa” và “Cùng nhau giảm thải, chúng ta sẽ giảm được nhiều hơn”.

ĐAN TÂM

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích