Nhật ký tự cách ly của những học sinh là F1

.

14 ngày tự cách ly của những học sinh là F1 của Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) thật đặc biệt khi các bạn chỉ vừa trở lại trường học trực tiếp được 3 ngày. Nhiều học sinh phải thực hiện cách ly tại phòng trọ. Giữa những lần lấy mẫu xét nghiệm vẫn là những buổi học, kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến. Có lo âu, căng thẳng nhưng đây thực sự là một trong những hành trình trải nghiệm - trưởng thành của các bạn.

Học sinh Trường THPT Trần Phú thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn khi đến trường học trực tiếp. Ảnh: H.T
Học sinh Trường THPT Trần Phú thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn khi đến trường học trực tiếp. Ảnh: H.T

Tiết học đặc biệt

Sau 3 ngày thực hiện cách ly tại nhà, các học sinh lớp 11/6, Trường THPT Trần Phú có tiết học Ngữ văn trực tuyến với thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Đình Hòa. Nguyễn Lâm (học sinh lớp 11/6) nhớ lại: “Hiện lên màn hình không phải là màn hình bài giảng mà là lớp học quen thuộc. Đứa nào đứa nấy cũng phì cười xen lẫn chút buồn vì chỉ có thầy ở lớp mà không có học sinh. Nhưng nỗi buồn ấy không kéo dài quá lâu, thầy lập tức hỏi thăm sức khỏe, động viên từng bạn, rồi nhắc nhở phải chú tâm vào việc học. Xen vào những hỏi thăm là đôi lời đùa vui của thầy với từng học sinh khiến không khí vui vẻ”.

Cuối tiết học đặc biệt ấy, thầy Nguyễn Đình Hòa ra bài tập về nhà cho cả lớp: Viết nhật ký cách ly. “Cứ 3 ngày chấm một cột điểm. Chấm nội dung nhật ký, cách sử dụng từ ngữ, suy nghĩ về trải nghiệm của bản thân. Những bài viết có cảm xúc, suy nghĩ tích cực sẽ có điểm cộng... Không hạn chế cách viết: trên giấy, trên facebook, trên file word, quay video...”, thầy Hòa cho biết.

Những ngày thực hiện cách ly đã gắn kết hơn giữa học sinh và phụ huynh của lớp 11/6. Theo thầy Hòa, phụ huynh có điều kiện nhận giúp đỡ các gia đình không có điều kiện nên 100% học sinh lớp được cách ly tại nhà mình hoặc nhà bạn.

Nhật ký cách ly của Nguyễn Lâm kể: “Tới tối ngày cách ly thứ hai, cả bọn rủ nhau call video (gọi trực tuyến qua video), trò chuyện rồi chia sẻ về tình hình sức khỏe và cách ly của từng đứa... Đứa thì kể chuyện mình cách ly ra sao, ăn uống thế nào”. Động viên online, vui đùa online…, nhờ vậy mà những ngày tự cách ly không quá gò bó và buồn tẻ, chỉ có học và học.

Những trải nghiệm đáng nhớ

Trần Thị Khánh Ngọc (lớp 11/6) chia sẻ trải nghiệm hành trình tự cách ly một cách lạc quan: “Đợt dịch trước, khi chúng mình đến trường thì tất cả mọi người phải thực hiện giãn cách. Nhưng bây giờ thì khác, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới phải cách ly. Nhìn mọi người vẫn bận rộn với công việc bên ngoài, đi chơi, cùng nhau đi uống nước sau giờ học, trong lòng mình có chút hối hả, như mình bị chậm nhịp so với các bạn. Nhưng đó chỉ là cảm giác, mọi việc vẫn đang diễn ra bình thường. Mình không cảm thấy chán nản hay buồn. Mình có thể chơi game, xem phim, nghe nhạc… Nếu nhớ bạn bè, hay muốn tâm sự với họ, mình có thể nhắn tin, hay gọi video, rất nhiều việc có thể làm mình cảm thấy tâm trạng khá hơn”.

Tự cách ly một mình tại phòng trọ của gia đình một bạn cùng lớp, Minh Quang ban đầu rất hào hứng vì nghĩ đến chuỗi ngày được trải nghiệm cuộc sống của một sinh viên. Thế rồi Quang tự tay dọn sạch phòng trọ để ở, tự rửa bát đũa…, những bữa ăn chỉ có một mình, tự nói chuyện rồi tự mình nghe chính mình.

“Tôi nhớ những bữa tối được ngồi ăn uống và nói chuyện với bố mẹ, giờ thì chỉ có một mình tôi với 4 bức tường. Tôi cứ thì thầm những chuyện trải qua ngày hôm nay như thể tôi đang ngồi với bố mẹ. Nhưng thứ tôi nhận được chỉ là âm thanh vang lại từ những câu nói của tôi. Không kiềm được cảm xúc, có khi nước mắt tôi bỗng rơi. Đó là lần đầu tiên tôi khóc vì thiếu vắng bố mẹ”, Quang kể.

Những bài “tường thuật” cách ly của học sinh lớp 11/6, như thầy Nguyễn Đình Hòa nhận xét, là trải nghiệm và đánh dấu sự trưởng thành của các em: biết tự dọn vệ sinh nơi cách ly, chăm sóc bản thân, tự làm đồ ăn, tự học, chia sẻ với bạn bè. Có bạn tranh thủ thời gian luyện đàn, luyện vẽ, tập nấu ăn hay suy nghĩ về người khác, cảm nhận về tình yêu thương của ba mẹ, người thân, bạn bè...

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.