Đà Nẵng cuối tuần

Cảm xúc từ sự giao thoa giữa thi ca và âm nhạc

08:44, 23/01/2022 (GMT+7)

Trong cuộc sống, đâu dễ tìm sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, sự giao thoa giữa thi ca và âm nhạc. Có ai ngờ tôi phổ cả ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đều đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi đã hát và bao nhiêu người đã khóc.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (trái) và nhạc sĩ Đình Thậm nhận giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 (không có giải nhất) với ca khúc Đêm xa làng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (trái) và nhạc sĩ Đình Thậm nhận giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 (không có giải nhất) với ca khúc Đêm xa làng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

1. Một đêm mùa đông năm 1995, tôi bất ngờ được nhạc sĩ Thái Nghĩa, lúc bấy giờ là Trưởng ban Văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, đưa Nguyễn Ngọc Hạnh đến nhà tôi chơi trên tầng 4 khu nhà tập thể Hóa chất Lê Đình Dương. Anh Hạnh tặng tôi tập thơ mới in, biết đâu hồn thơ dâng sóng nhạc, lại có ca khúc hay trình làng.

Khi mọi người ra về, tôi liền mở tập thơ thì bắt gặp ngay bài thơ Nhớ mùa hoa ven sông, những câu thơ chất chứa tình yêu quê nhà bên con sông Thu Bồn với bao ký ức chiến tranh: “Nhớ về một mùa xuân xưa/ Biết bao người đi không về/ Nằm lại ven bờ sông ấy/ Thành hoa nở đẹp làng quê”. Tôi đọc đi đọc bài thơ nhiều lần, có nhiều câu, nhiều ý hay quá, bài thơ gợi lên bao ký ức ngày xưa của mẹ tôi. Tôi ôm đàn và hát: “Nhớ về mùa hoa ven sông/ Lẫn trong màu chiều vời vợi/ Chơi vơi cánh cò chớp trắng/ Mênh mang mênh mang chiều ơi/ Nhớ về một mùa xuân xưa/ Biết bao người đi không về/ Nằm lại bên bờ sông ấy/ Thành hoa nở đẹp làng quê…”.

Ai ngờ những giai điệu đầu tiên với chất liệu âm nhạc Bài chòi khu 5 ấy đã khởi đầu có cái duyên thơ - nhạc của tình bạn chúng tôi sau này. Và may mắn là ca khúc Nhớ mùa hoa ven sông đã đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998. Giáo sư hàng đầu về lĩnh vực mỹ học của Việt Nam Dương Viết Á viết một bài 5 trang đăng trên tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2004 với tít đề rất ấn tượng: “Nguyễn Đình Thậm và những dòng âm thanh sâu nặng hồn quê”. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời sáng tác của tôi.

2. Nguyễn Ngọc Hạnh vừa xuất bản tuyển tập Khúc ru trầm, trong đó phần nhiều là những bài thơ anh viết về quê hương như: Làng, Nhớ mùa hoa ven sông, Qua đò nhớ mẹ, Đêm xa làng, Hôn mình trên sông, Gửi em chỗ ướt mẹ nằm, Cạn cháy cơn mơ… Chỉ mới nghe những tựa đề đã gợi cho chúng ta bao niềm thương nỗi nhớ về làng, về dòng sông thời thơ bé. Riêng bài thơ Làng của Nguyễn Ngọc Hạnh, với tôi là một kỷ niệm đáng nhớ. Bài thơ này được nhiều người thuộc và được 2 nhạc sĩ có tiếng phổ nhạc. Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, lúc bấy giờ là Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Đà Nẵng, đã phổ và giới thiệu ca khúc Ký ức làng quê trong chương trình Tác phẩm mới, phát nhiều lần trên VTV.

Đặc biệt, bài thơ này còn được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ và lấy tên bài hát cùng tên với bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Khi ấy, tôi làm Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, đang ngồi phân phối vé mời cho một chương trình biểu diễn hấp dẫn sắp trình diễn, thì Nguyễn Ngọc Hạnh gõ cửa. Chúng tôi đã chuyện trò về sáng tác mới. Anh khoe bài Làng được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ và vừa được ca sĩ Vân Khánh hát. Tôi nói, nếu phổ bài Làng thì tôi sẽ làm khác. Tôi ôm guitar hát ngay hai câu thơ cuối bài Làng: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”, tức là bắt đầu từ hai câu kết của bài thơ Làng vang lên cao vút…

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cũng vừa ra mắt Khúc ru trầm (NXB Hội Nhà văn) với 77 ca khúc phổ thơ của ông. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cũng vừa ra mắt Khúc ru trầm (NXB Hội Nhà văn) với 77 ca khúc phổ thơ của ông. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chỉ một thời gian không lâu sau đó, tôi đã mời Nguyễn Ngọc Hạnh đến Nhà hát Trưng Vương để nghe bài hát Làng trong tôi do tôi phổ từ bài thơ Làng.

Ca khúc này đã đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2003. Có thể nói, chính vì nỗi nhớ làng Quảng Ngãi của tôi day dứt bao lâu, cùng với làng bên con sông Vu Gia của Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạo nên những giai điệu vỡ òa: “Tôi vẫn là tôi/ tình mãi là quê/ Làng quê ấy cùng tôi/ Con sông bóng núi chập chờn/ Làng quê cùng tôi/ Đi qua năm tháng cuộc đời/ Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng trong lòng tôi”.

3. Thêm một ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cũng không thể nào quên được, đó là bài Đêm xa làng. Bài hát này tôi chọn một chương trong trường ca Chạm đáy sông đầy của anh in trên Báo Đà Nẵng cuối tuần. Khi đọc đến đoạn anh viết về mẹ trong Đêm xa làng, lòng tôi bỗng trào dâng bao cảm xúc: “Đêm xa làng đong đầy nước mắt/ Đêm xa làng lòng đau như cắt/ Nhớ mẹ tôi/ nhớ cha tôi khuya sớm trên đồng/ Thương con cò lặn lội bờ sông/ Thương cánh diều chiều về no gió/ Nhớ đàn trâu/ nhớ tiếng chim dồng dộc hót vang trời/ Tôi thương làng từ ngày xa ấy/ Luôn mong về lại bến sông quê/ Con đường làng đồng lúa bờ tre/ Mãi khắc sâu ký ức cuộc đời”. Vậy là hồn thơ dâng ý nhạc, chỉ trong một đêm thức trắng, ca khúc Đêm xa làng ra đời trong niềm vui khó tả. Bài hát này đã đoạt giải Nhì của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 (không có giải nhất).

Trong cuộc đời sáng tác, có ai ngờ tôi phổ cả ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đều đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi đã hát và bao nhiêu người đã khóc. Nhớ nhất là khi VTV1 truyền hình trực tiếp một lễ kỷ niệm bên dòng sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã ôm tôi khóc sau khi tôi vừa hát bài Nhớ mùa hoa ven sông. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chảy nước mắt nói với tôi, bài hát đã làm bà xúc động, nhớ về một thời chiến tranh khốc liệt, biết bao người đi không về… Đó là hạnh phúc quá to lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi.

Trong cuộc sống, đâu dễ tìm sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, sự giao thoa giữa thi ca và âm nhạc. Tôi biết ơn sự sắp bày của cuộc đời, đặc biệt trong mối lương duyên thơ - nhạc đầy ắp nghĩa tình này. Xin cảm ơn Nguyễn Ngọc Hạnh, chính hồn thơ tuyệt vời ấy của anh đã làm lai láng hồn tôi.

Nhạc sĩ NGUYỄN ĐÌNH THẬM

.