Đà Nẵng cuối tuần
Nắng mới nơi đầu nguồn Cu Đê
Năm 1998, một lần đi công tác lên Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), tôi tình cờ gặp 2 cô gái Cơ tu lội qua suối Cầu Sụp - người dân địa phương gọi thế, dựa theo hai trụ cầu trơ trọi còn sót lại giữa suối từ thời Pháp thuộc. Trong khoảnh khắc dòng nước trong veo giấu vào lòng những tia nắng chiều tím đỏ, tôi chụp được bức ảnh hai sơn nữ chân trần, vô tư nghịch nước. Chiếc gùi trên vai nghiêng cả hoàng hôn…
Ngày nay, phụ nữ ở Hòa Bắc không chỉ khôi phục nghề dệt truyền thống mà còn đưa thổ cẩm dân tộc mình thành thương phẩm độc đáo trên thị trường. Ảnh: N.H |
1. Hồi đó, tôi đã nhiều đêm ngủ nhờ nhà già làng Trương Thị Ríp, một trong những người Cơ tu ở Tà Lang nói tiếng Kinh rành rỏi, khúc chiết nhất. Buổi sáng sớm se lạnh, bà thức dậy nhen lửa nấu cơm cho thanh niên cơm đùm cơm nắm đi “giữ rừng”. Tiếng người già trầm trầm hòa lẫn vào tiếng nước chảy róc rách ngoài con suối Vũng Bọt - nơi hạnh ngộ của hai con sông Nam, sông Bắc, và là khởi nguồn cho một dòng sông có tên Cu Đê âm thầm cất giấu những hồi quang lịch sử xuôi về cửa biển Nam Ô.
Trước năm 1992, già Ríp kể, bà con Tà Lang và Giàn Bí còn ở làng cũ trên khu vực đèo Mũi Trâu sâu trong rừng, giáp với huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Sau năm đó mới dời làng về dọc hai bên suối Cầu Sụp, cách làng cũ tầm 10km. Ngồi bên bếp lửa nổ lách tách, tôi cố hình dung những căn nhà mới dựng, mái tôn sáng loáng phản chiếu ánh mặt trời gay gắt trên sườn đồi đỏ quạch đất núi mới đào.
Đồng bào Cơ tu ở Hòa Bắc lúc đó vẫn còn tập quán làm nương rẫy, săn bắt thú rừng, nên rất ngỡ ngàng với việc trồng lúa nước và hoa màu trong vườn nhà. Cán bộ Hội Nông dân chúng tôi phải “nằm vùng” cả tháng để hướng dẫn bà con làm quen với tập quán canh tác mới. Rồi những đám rau muống, rau dền, rau lang… dần lên xanh như mong đợi. Vài hộ trong thôn đào ao thả cá. Chuồng gà, chuồng heo lấp đầy những con vật nuôi. Những tháng ngày đói gạo ăn củ triền miên bắt đầu lùi xa như con đường về nương rẫy cũ...
2. Cao tốc La Sơn - Túy Loan qua địa phận xã Hòa Bắc, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình vùng với dòng Cu Đê lượn lờ phía đông. Trên mặt đường nhìn xuống, cảnh sắc vẽ ra như một bức họa đồng quê với những ruộng mía ngát xanh, nhưng thảm lúa nao nao chín vàng.
Tôi nhớ đến chênh chao cái cảm giác mạo hiểm pha lẫn thích thú khi ngồi trên chuyến đò máy lặc lè người và hàng từ bến Bà Tân - Nam Ô chạy lên; hoặc rong ruổi trên “chú ngựa sắt” Minsk do những tay xe thồ có hạng ở Hòa Bắc đưa lên Tà Lang, Giàn Bí; đường đi xóc tận óc bởi gập ghềnh ổ voi, ổ gà. Từ khi đường WB từ Nam Ô được xây dựng, đường lộ từ Hòa Liên đi Hòa Bắc được nâng cấp sửa chữa, hầu như không còn ai nhớ những chuyến đò sặc sụa mùi dầu máy và những “chú ngựa sắt” phì phò khói trắng cũng trở thành quá vãng sau một thời vang bóng.
“Đường sá, ngày trước khổ lắm” là tán thán của chị Phan Thị Thủy, một trong hai cô gái tôi gặp năm xưa, khi nói về thời mình đi học. Trường xa, đường khó, cả Tà Lang ngày đó không ai học được lên cao, chị ráng được tới lớp Năm rồi nghỉ, về giúp việc nhà.
Nói về con đường và cái học ở nơi heo hút này, chị Thủy rất ngưỡng mộ cô Trần Thị Bích Thu, giáo viên Trường Mầm non Tà Lang, được đánh giá rất xuất sắc trong Kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố năm học 2017-2018. Cô được chọn vào Đoàn đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, mang lại niềm tự hào cho bà con Cơ tu ở Đà Nẵng.
Đã có nhiều người tốt nghiệp THPT như Trưởng thôn Tà Lang Đinh Văn Hin (36 tuổi), em rể chị Thủy. Với Hin, cái thời lội suối, cả thôn không điện, không nơi sinh hoạt cộng đồng tưởng như mới hôm qua. Cả thôn 126 hộ thì nay đã có trên dưới 10 hộ lắp hệ thống wifi, vừa xem phim, vừa nắm bắt thông tin trên mạng, điều không ai ngờ tới. “Sau ngày Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997), Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, xây nhà vệ sinh, mở bán trú cho học sinh tiểu học, mầm non ở Tà Lang. Mỗi khi lãnh đạo các cấp về thăm hỏi, luôn động viên bà con chăm lo sức khỏe và phát triển kinh tế”, anh Hin chia sẻ.
3. Những ngày ăn dầm ở dề cùng đồng bào nơi này, tôi thấm thía được nỗi đau đáu giữ gìn hồn cốt Cơ tu của những già làng như bà Ríp. Lúc sinh thời, dù cuộc sống vô cùng khó khăn, bà đi gõ cửa từng nhà vận động: “Phải dạy cho bọn trẻ biết hát ru, biết múa Tung tung da dá, biết dệt thổ cẩm như ông bà mình…”.
Giấc mơ của người già giờ đã được hiện thực hóa bằng một dự án hẳn hoi. Phụ nữ làng không chỉ khôi phục nghề dệt truyền thống mà còn đưa thổ cẩm dân tộc mình thành thương phẩm độc đáo trên thị trường. 25 năm trôi qua, biết bao giấc mơ như thế đã đổi thay ở miền đất từng được cho là khó khăn nhất Đà Nẵng này.
Một ngày đông hửng nắng, tôi quay lại nơi này, vẫn con nước róc rách chảy dưới chân cầu trước khi xuôi theo dòng sông. Bến Vọng nơi đầu nguồn Cu Đê giờ trở thành khu du lịch sinh thái Tà Lang - Giàn Bí. Chiếc trụ xi-măng rêu phong cùng năm tháng đã được thay bằng nhịp cầu mới mang tên đất tên làng: “Tà Lang - Giàn Bí”. Bây giờ, đời sống người Cơ tu thay đổi đáng mừng. Người dân đã biết phương thức làm ăn kinh tế bền vững gắn với các phong trào do địa phương phát động. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được người dân Cơ tu hưởng ứng tích cực, nhất là chương trình nông thôn mới đã thay đổi đáng kể diện mạo và đời sống người dân miền núi xa nhất trung tâm thành phố.
NHƯ HẠNH