Đà Nẵng cuối tuần
Tết sẽ ấm cúng và ngọt ngào
Sáng nay, lúc mở máy tính tìm lại mấy tấm ảnh cũ đã đăng trên facebook, tôi nhận ra, những tấm ảnh trên tàu luôn kèm những dòng chia sẻ tâm trạng dài và sâu lắng nhất. Đó là tấm ảnh chụp gia đình nhỏ 4 người chúng tôi quây quần bên chiếc bàn con trong khoang giường nằm; ảnh chụp tấm lưng ngược sáng của cô con gái nhỏ đang hướng mặt ra đồng ruộng hay khoảnh khắc bàn tay tôi bám lên khung kính cửa sổ lúc cảnh vật bên ngoài đang dần nhòe đi… Những lúc ấy, chúng tôi đang về nhà.
Thành phố nơi tôi sống và quê ngoại cách nhau 80km nên nếu chậm lắm, chúng tôi cũng chỉ mất khoảng 2 tiếng đi tàu, xe. Những năm trước khi chưa có Covid-19, mỗi lần về nhà, tôi ra bến, tót lên xe, ngồi một lúc là đến nơi. Những dịp nào quan trọng hơn, sắp xếp được công việc, tôi lại mua vé tàu để cả nhà 4 người về thăm bố mẹ, đoàn viên cùng bà con thân thuộc. Chính sự khăng khít, năng lui tới này khiến tôi chưa bao giờ có cảm giác tủi thân của một cô gái lấy chồng xa quê.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Trước mép sân, phía cổng dẫn vào nhà tôi có một cụm bông trang đỏ, loại cây cao, rộ đóa to. Ba tôi dựng cột am ngay tại bụi bông khiến chỗ thờ cúng bớt đi vẻ u minh, tĩnh mịch. Phía dưới có một đám hoa thủy tiên được trồng thành hàng hình chữ nhật, bọc lấy chân am. Khóm hoa nở màu hồng tím rất đẹp. Mẹ tôi thường gọi chúng là hoa báo mưa, vì mỗi lần trời mưa càng to thì hoa càng bừng nở. Hồi nhỏ, khi chơi đồ hàng, tôi và em gái sử dụng tất cả những gì có thể thu lượm được trong vườn để làm đồ chơi. Em gái ngắt cánh hoa dán vào móng tay để trang điểm; tôi bứt lá, giả vờ đó là cây hành, cây nén, xắt thành khúc nhỏ rồi bỏ vào vỏ hộp sữa bò xào nấu. Tay đảo giả vờ thôi mà mũi hít hà cứ như thật rồi bảo thơm, thơm…
Ba tôi trồng cây quanh năm. Mùa hè nắng hạn, ba che rèm, giăng lưới chống nóng rồi chế tạo hệ thống tưới nước nhỏ giọt rất kỳ công. Sang tầm tháng 11 âm lịch, khi những trận gió bấc và mưa lớn đã chấm dứt hẳn, ba không trồng cây nữa, thay vào đó là trồng hoa. Vạt đất trống trước nhà chia thành những ô vuông vắn, được ba xới cỏ, bón phân. Mỗi ô ba trồng một loại, nào lay ơn, thược dược, vạn thọ, hoa mào gà… Ba chẻ tre, làm thành hàng rào có những hình con thoi nho nhỏ đan chéo vào nhau. Ba làm đất rất khéo, gieo hạt loại gì sẽ nhú ngay mầm hoa tương ứng. Ba bảo, trời ban mùa xuân để con người chơi hoa, thưởng lãm vẻ đẹp biết nhảy múa của những sắc màu, nếu ta bỏ bê vườn tược khác nào có lỗi với thiên nhiên.
Khi xuân đến, mọi ký ức lại càng được níu gần, hiện ra thật rõ rệt. Nếu ba chăm sóc vườn cây để chơi Tết thì mẹ tôi lại khác. Mẹ đắp đổi, gói ghém để cả gia đình được ăn những cái Tết thật no, thật ngon. Gian bếp là nơi mẹ có mặt nhiều nhất. Mẹ làm bánh, sên mứt, muối dưa… Mỗi thứ mẹ đều làm số lượng nhiều, phần để cúng kiếng, phần để dọn khách, một phần quan trọng nữa mẹ để dành cho con cháu ăn dần sau Tết. Cũng như hoa quả, có nhiều loại thực phẩm, bánh trái mà chỉ đúng mùa Tết mới có, ăn mới ngon và chuẩn vị.
Mỗi gia đình có một cách sắp đặt, tận hưởng và chào đón Tết khác nhau. Bạn bảo Tết năm nay phải chơi hoa này, dọn rượu kia, siêu thị đang bày bán loại mứt bánh mà trước đây chưa từng thấy… Riêng tôi, dù trải qua thêm bao nhiêu cái Tết đi nữa thì sẽ luôn giữ thói quen hoài niệm về những mùa Tết xưa. Ở đó, có ba tôi thong dong chuẩn bị cho khoảnh khắc lòng người được bâng khuâng, giao cảm trọn vẹn với đất trời; ở đó có những giọt mồ hôi vất vả của mẹ khi bà dồn sức tính liệu cho giây phút đoàn viên.
DIỆU THÔNG