Đà Nẵng cuối tuần

3 chữ "an" đầu năm

14:47, 12/02/2022 (GMT+7)

Trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Đào Ngọc Dung nói về 3 chữ “an”, đó là an toàn, an sinh và an dân. Suy cho cùng, bảo vệ sự an toàn cho dân, làm tốt chính sách an sinh cho dân, cũng chính là một cách “an dân”.

Năm Nhâm Dần đến mang theo kỳ vọng đất nước sẽ phục hồi, phát triển mạnh mẽ, bảo đảm an toàn, an sinh và an dân. Ảnh: PHÚC AN
Năm Nhâm Dần đến mang theo kỳ vọng đất nước sẽ phục hồi, phát triển mạnh mẽ, bảo đảm an toàn, an sinh và an dân. Ảnh: PHÚC AN

Đi qua những “mùa Covid” khủng khiếp, chắc hẳn dịp Tết Nhâm Dần vừa rồi, rất nhiều người đã chúc nhau “an lành” trước, rồi mới đến “an khang” và “thịnh vượng”.

Trong một chuyến du xuân, tôi cũng “xin chữ thầy đồ” ở quầy thư pháp. Chữ tôi chọn là “An” (tiếng Việt) với sở nguyện bình an cho mình, gia đình, người thân và quê hương, đất nước.

“An” trong tiếng Việt rất dễ hiểu nghĩa. Còn chữ Hán, “an : 安” là chữ hội ý, gồm 6 nét với kết cầu gồm bộ “miên : 宀” nghĩa là cái mái nhà nằm bên trên, bên dưới là bộ “nữ : 女” (đàn bà, con gái). Người Trung Hoa quan niệm rằng người phụ nữ ở trong nhà là an toàn nhất; hiểu rộng hơn, đối với từng con người, ai cũng cần một nơi ở, ở đó có bờ vai của mẹ làm chỗ nương tựa, ở đó có người vợ để chăm lo việc nhà; ấy đích thị là mái ấm, là chốn an yên.

AN TOÀN

Dẫn giải chữ nghĩa để hiểu rõ hơn vì sao chữ “an” rất cần thiết đối với đời sống xã hội chúng ta vào thời điểm này, khi dư chấn của đại dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ tư, nay vẫn chưa hết và hầu hết các tỉnh, thành phố còn đang căng mình phòng, chống dịch. Cho dù “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch” nhưng đâu phải là pháo đài bất khả xâm phạm. Kẻ thù vô hình có thể xuyên thủng bức tường phòng vệ ấy bất kỳ lúc nào, tức là sự an toàn luôn trong tình trạng bị đe dọa.

Không thể an toàn tuyệt đối trước các biến chủng của SARS-CoV-2, đó là điều tất nhiên, không chỉ Việt Nam mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia giàu có đã thừa nhận. Do vậy, phải sống chung an toàn và thích ứng linh hoạt với nó - tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ là như thế và toàn xã hội ta đã làm được.

Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Frank Herbert lạc quan bảo “kẻ thù khiến bạn mạnh mẽ hơn”; còn triết gia người Đan Mạch Soren Kierkegaard nói “người ta nghĩ rằng con người không thể yêu thương kẻ thù, bởi kẻ thù làm sao chịu được nhau. Thế thì hãy nhắm mắt lại đi, và khi đó kẻ thù của bạn sẽ trông giống như hàng xóm thân thiện”...  Sống chung với kẻ thù vốn không dễ, với kẻ thù tàng hình SARS-CoV-2 càng khó. Nhưng khó chứ chẳng phải là không thể. Bằng chứng là kể từ sau Nghị quyết 128 (ngày 11-10-2021), đại đa số hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, giải trí, thể thao… đã được mở cửa, đem lại sinh khí mới cho toàn xã hội. Người dân không chỉ ý thức rất cao về thực hiện 5K mà đã biết thêm nhiều cách phòng vệ. Nhờ vậy mà cả nước vừa đón chào một cái Tết cổ truyền ấm cúng, vui tươi. Nhờ vậy mà ít nhất 57/63 tỉnh, thành đã chủ trương cho học sinh THCS và THPT tới trường học trực tiếp. Hiện số ca dương tính mỗi ngày vẫn còn nhiều nhưng tỷ lệ tử vong giảm rất thấp. Đây cũng chính là chỉ dấu đánh giá mức độ an toàn.

AN SINH

Quốc gia nào cũng có hệ thống chính sách về an sinh xã hội. Đó là nhóm chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin. Trong điều kiện bình thường, Nhà nước nỗ lực không để người dân nào bị “lọt” lưới an sinh. Trong hoàn cảnh thiên tai, địch họa, dịch giã…, lưới an sinh phải được đan dày hơn và giăng mắc rộng hơn để phủ lên các nhóm đối tượng cần được hỗ trợ.

Trong hai năm 2020 và 2021, hàng triệu người lao động ở nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm, thu nhập, cuộc sống bị đe dọa do Covid-19. Bộ LĐ,TB&XH đã kịp thời tham mưu Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có gần 4 triệu người nhận bảo trợ xã hội, 9,8 triệu người có công với cách mạng được tăng mức hỗ trợ, hơn 44 triệu người lao động được thụ hưởng hơn 76.000 tỷ đồng (giải ngân theo các Nghị quyết 68 và 116). Mặt trận Tổ quốc từ cấp Trung ương đến địa phương, bằng nhiều cách, đã huy động được nguồn lực rất lớn trong xã hội để chăm lo cho người nghèo khó, bệnh tật, neo đơn, người cao tuổi, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật… Tất cả cho thấy bức tranh an sinh xã hội khá đầy đặn, giàu tính nhân văn.

Nhưng công bằng mà nói, lưới an sinh phủ rộng nhưng cần có sự bền vững. Làm sao để người lao động ít bị tổn thương khi gặp những tác động bất lợi, ví dụ như dịch bệnh, là câu hỏi cần tìm lời giải. Khi nào người lao động được ở các khu nhà trọ  khang trang, khi nào thu nhập của công nhân bảo đảm cho cuộc sống no đủ, khi nào con cái họ có điều kiện tốt để yên tâm học hành, thì các cơ quan chuyên trách về an sinh còn rất nhiều việc để làm.
Chúng ta không muốn thấy nữa những dòng người lao động vì bế tắc sinh kế ở các đô thị lớn phải lũ lượt về quê để nương náu như thời gian qua, do Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận bùng phát dữ dội. Nhưng không muốn thấy là một chuyện, thực tế thì có thể cũng khó tránh khỏi, khi mà đời sống công nhân ngoại tỉnh còn bấp bênh.

AN DÂN

An dân là chuyện lớn, thời đại nào và quốc gia nào cũng xem trọng chuyện này. Thời Trần hưng thịnh, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo trước giờ lâm chung đã tâu với vua Trần Anh Tông kế sách an dân để trị quốc, rằng: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Triều Lê, Hành khiển Ức Trai Nguyễn Trãi, Anh hùng dân tộc, cũng nhận định: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước. Trong thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.8, tr.276).

An dân rõ ràng là rất quan trọng, phải xem đây là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục, xuyên suốt và nhất quán. An dân giúp ổn định chính trị, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn để phát triển kinh tế. An dân giúp chính quyền vững mạnh, chế độ được đặt trọn niềm tin.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nói về 3 chữ “an” mà ngành LĐ,TB&XH trăn trở và quyết tâm thực hiện, đó là an toàn, an sinh và an dân. Suy cho cùng, bảo vệ sự an toàn cho dân, làm tốt chính sách an sinh cho dân, cũng chính là một cách “an dân”. Dân mà an thì tất cả đều yên. Do vậy, nhìn rộng ra, mọi chính sách tốt đẹp của Nhà nước cũng đều nhằm an dân, chăm lo tốt nhất cho dân, vì sự ấm no và hạnh phúc của nhân dân.

DƯƠNG QUANG

.