Nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức để có thêm cơ hội tham gia xét tuyển sinh đại học (ĐH). Sử dụng kết quả của kỳ thi này, với một số thí sinh, là "đường lùi" an toàn khi lựa chọn xét tuyển vào các trường ĐH top đầu.
Thí sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức vào tháng 3-2021. Ảnh: H.T |
Thêm cơ hội xét tuyển
Phạm Huỳnh Minh Danh, học sinh lớp 12/15, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) chia sẻ: “Ưu tiên số một của em là đăng ký xét tuyển vào khối ngành y dược; trong đó, em chọn nguyện vọng 1 là Trường ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh”.
Để có thêm “cơ hội 2”, Minh Danh chọn đăng ký tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 3 tới. “Em sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào khoa Y của ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong trường hợp điểm trúng tuyển vào ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quá cao”.
Hoàng Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 12/1, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) cho rằng, xu hướng tuyển sinh ĐH năm 2022, các trường sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu cho những phương thức xét tuyển riêng. Trong đó, nhiều trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. “Vì vậy, em và các bạn đăng ký tham dự kỳ thi này khá đông để có thêm cơ hội tham gia xét tuyển sinh ĐH”. “Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 sẽ có 2 đợt, đợt 1 dự kiến vào ngày 27-3 tại 17 địa phương, trong đó có Đà Nẵng.
“Nếu thí sinh không hài lòng với kết quả đợt 1 thì có thể đăng ký dự thi đợt 2, đồng thời vẫn có những lựa chọn khác khi tham gia đăng ký xét tuyển ĐH nên các em có nhiều phương án để lựa chọn”, PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết.
Đề cao khả năng tự học
Thế Vinh, lớp 12/1, Trường THPT Trần Phú so sánh: “Nếu sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh ĐH, thí sinh gần như chỉ tập trung ôn tập 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển. Thế nhưng, với kỳ thi đánh giá năng lực, để có kết quả tốt, phải ôn tập tất cả các môn học ở THPT, bởi từng mảng kiến thức đều hữu ích khi làm bài thi đánh giá năng lực”. Chẳng hạn, môn Địa lý sẽ giúp thí sinh có kỹ năng giải quyết được những câu hỏi ở phần thống kê.
Bắt đầu tìm kiếm các đề tham khảo của kỳ thi đánh giá năng lực để luyện từ khoảng 1 tháng nay, Thanh Tâm cho biết: “Qua làm một số đề thi thử, em thấy kỳ thi đánh giá năng lực không chú trọng khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kiến thức tổng hợp, mức độ hiểu biết của thí sinh về mọi mặt, hạn chế học tủ. Vì vậy, em nghĩ việc luyện thi là không cần thiết”. Đà Nẵng không có các lớp luyện thi cho riêng kỳ thi đánh giá năng lực nên Tâm và một nhóm bạn cùng tham gia kỳ thi này chủ yếu tìm kiếm thông tin từ internet và tham khảo các anh chị khóa trước.
Trong khi đó, Minh Danh nhận xét: “Em theo môn Vật lý nên các môn tự nhiên là thế mạnh của em. Em khá lúng túng với những câu hỏi của phần Tiếng Việt. Em nghĩ bạn nào cũng có thế mạnh riêng khi làm đề thi của kỳ thi đánh giá năng lực. Câu hỏi thuộc lĩnh nào mình học tốt, tự tin thì nên chọn để làm trước. Kỹ thuật phân bố thời gian làm bài cũng khá quan trọng”.
Ngoài ra, theo Danh, với một kỳ thi đòi hỏi thí sinh có kiến thức rộng và không kiểm tra mức độ học thuộc, thí sinh cần phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, luyện thêm bộ đề cũng như làm tốt các bài tập có tính chất vận dụng thì có thể tự tin làm bài thi.
HÀ TRẦN