Sứ mệnh cứu người

.

Khi bộ phim tài liệu Ranh giới phản ánh cuộc chiến khốc liệt của các y, bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) để giành lấy sự sống cho các thai phụ mắc Covid-19 được phát sóng trên kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) vào tháng 9-2021, nhiều giọt nước mắt của khán giả đã rơi. Không bàn đến những tranh cãi liên quan bộ phim này, chỉ nói về những nỗ lực vượt bật của đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu đầy khó khăn, vất vả, thì cũng đủ dành tất cả mọi lời tri ân để gửi tới “những thiên thần áo trắng”.

Những thước phim sống động và chân thực mang đến cái nhìn khá đầy đủ về cuộc chiến chống Covid-19. Thì ra ở tuyến đầu, trước ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân, mọi việc đều gấp gáp, khẩn trương và căng thẳng tột độ như thế. Các y, bác sĩ vừa phải mềm mỏng, vừa phải cứng rắn, vừa ra y lệnh/thực hiện y lệnh chính xác, vừa an ủi, dỗ dành, động viên bệnh nhân. Rồi có cả những lúc họ rơi nước mắt, bất lực vì những ca cấp cứu thất bại, những lúc tưởng như gục ngã vì kiệt sức…

Nhưng trên tất cả, tấm lòng yêu thương bệnh nhân đã giúp các y, bác sĩ ở tuyến đầu vượt qua ranh giới giữa nỗ lực và từ bỏ, giữa can trường và yếu đuối. Trong hai năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều gương sáng ngành Y đã xuất hiện, có sức lan tỏa mãnh liệt trong xã hội về sự tận tụy và hy sinh của lực lượng y tế.

Ngày 20-2, đám cưới tập thể của 20 cặp cô dâu - chú rể là y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) diễn ra trong không khí xúc động. Các chàng trai, cô gái này đã hoãn lễ cưới 2 năm qua để tình nguyện lên tuyến đầu, đối mặt với cuộc chiến sinh tử và chiến thắng trở về. Thiếu tướng, PGS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đã xúc động nói rằng “tất cả những gì chúng ta làm ngày hôm nay cho các bạn vẫn là chưa đủ”.

Quả thật, những vinh danh, tưởng thưởng, những lời lẽ ngợi ca dành cho những người thầy thuốc ở “tiền tuyến” chống Covid-19 cùng những người ở “hậu phương” thực hiện sứ mệnh cứu chữa bệnh nhân mắc những căn bệnh khác là không đủ, mặc dù xét cho cùng thì đó là công việc thường ngày của các y, bác sĩ. Lúc không có dịch bệnh, nghề y luôn là nghề đặc biệt cao quý. Lúc xảy ra dịch bệnh, nghề y càng gánh trọng trách nặng nề và y đức của những chiến sĩ áo trắng là những câu chuyện đẹp đến nao lòng.

Hiện nay, hầu hết các hoạt động đã mở cửa trở lại trong trạng thái “bình thường mới”, nhưng cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tiếp tục được thực hiện; các ca bệnh F0 nặng cần được cứu chữa tại bệnh viện; các F0 điều trị ở nhà cần sự quan tâm, theo dõi, hướng dẫn của lực lượng y tế cơ sở. Khi số ca nhiễm mới vẫn tăng cao mỗi ngày thì công tác chống dịch của các y, bác sĩ chưa thể dừng lại.

Một nữ bác sĩ công tác tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chia sẻ rằng, trong những ngày thành phố đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19, chị cùng các đồng nghiệp túc trực ở điểm tiêm chủng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, mỗi người mỗi việc để quy trình từ khai báo y tế, đến quét code, kiểm tra thông tin, đo mạch và huyết áp, khám sàng lọc, tiêm, giám sát sức khỏe sau tiêm, trả giấy chứng nhận tiêm chủng diễn ra thông suốt và nhanh nhất có thể.

Mỗi nhân viên trong đội của chị đã cố gắng hơn 100% sức lực, vì người dân đến đây đều mong được chỉ định tiêm và tiêm nhanh chóng, an toàn. Thời điểm đó, theo quy định của Bộ Y tế, có những trường hợp chống chỉ định tiêm vắc-xin, những trường hợp như vậy đều được nữ bác sĩ này giải thích cặn kẽ và an ủi chân thành. Câu chuyện tưởng như rất nhỏ, chỉ là nhiệm vụ mà chị và các cộng sự phải làm, nhưng chứa đựng tình thương và trách nhiệm lớn lao của các y, bác sĩ.

Nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy…”. Và đối với các nhân viên y tế, sức mạnh đó chính là tình yêu thương trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu người cùng lời thề Hippocrates- lời thề giữ y đức.

TÚ PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.