"Lương y như từ mẫu"

.

Trong cuộc gặp mặt biểu dương đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống Covid-19 diễn ra ở Hà Nội vào tháng 10-2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tất cả lực lượng y tế có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được.

Các chiến dịch tiêm vắc-xin, việc điều trị những ca mắc Covid-19 nặng, theo dõi và hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà…, rất nhiều công việc cần đến sự có mặt của các “chiến binh áo trắng”. (Ảnh chụp tại điểm tiêm chủng Cung Thể thao Tiên Sơn)  Ảnh: ĐỨC HOÀNG
Các chiến dịch tiêm vắc-xin, việc điều trị những ca mắc Covid-19 nặng, theo dõi và hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà…, rất nhiều công việc cần đến sự có mặt của các “chiến binh áo trắng”. (Ảnh chụp tại điểm tiêm chủng Cung Thể thao Tiên Sơn) Ảnh: ĐỨC HOÀNG

Nghề Y là nghề đặc biệt cao quý. Đất nước càng phát triển, cuộc sống càng được nâng cao về chất lượng thì càng quan tâm nhiều về việc chăm sóc sức khỏe và vấn đề y đức. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người thầy thuốc, biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tình phục vụ, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh như chăm lo người thân yêu trong gia đình mình bởi đây là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người.

Cứu chữa bệnh tật, nâng đỡ tinh thần

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo ngành Y, luôn đánh giá rất cao vai trò của những người thầy thuốc trong xã hội và nhiều lần đề cập “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Trong thư gửi hội nghị Quân y tháng 3-1948, Bác viết: “Người ta có câu: “Lương y như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền…

Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Đó chính là yếu tố cốt lõi của y đức, cũng như Đại danh y Hải Thượng  Lãn Ông Lê Hữu Trác đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân  đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Vì thế, sinh viên trường y khi tốt nghiệp đều tuyên thệ “Lời thề Hippocrates” - lời thề của đạo đức ngành Y.

Báo Nhân dân số 362 ngày 27-2-1955 đăng bài “Thư gửi hội nghị cán bộ y tế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Bác dành những câu từ mộc mạc nhưng đong đầy ý nghĩa, tình cảm gửi tới những cán bộ công tác trong ngành y tế. Bác dặn: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Bác quan tâm việc xây dựng một nền y học của ta: “Y học phải được dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”.

Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 6-2-1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27-2 hằng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Từ đó, ngày 27-2 trở thành ngày truyền thống của ngành Y.

Những nỗ lực phi thường

Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tạo nên thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong hai năm xảy ra đại dịch (2020-2021), cùng một lúc chúng ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca nhiễm, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả và an toàn để sớm bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch, duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã lên đường để hỗ trợ các địa phương chống dịch. Trong đợt Covid-19 lần thứ 4, hơn 20.000 cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên tình nguyện đã được Bộ Y tế điều động hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tại nhiều bệnh viện, các y, bác sĩ đăng ký lên đường vượt quá số lượng dự kiến ban đầu. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề nghiệp, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa-đồng-bào cao cả.

Những “chiến binh áo trắng” đã lao vào cuộc chiến chống kẻ thù vô hình. Họ gác lại niềm vui sum vầy bên gia đình, tạm gác hạnh phúc riêng tư để xông pha nơi tuyến đầu, bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế đã trở thành F0 ngay trên “tiền tuyến”.

Khi nhịp sống dần trở lại trong trạng thái “bình thường mới” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”, lực lượng y tế vẫn tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của mình: vừa khám chữa bệnh, vừa tham gia chống dịch. Các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, việc điều trị những ca mắc Covid-19 nặng, theo dõi và hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà…, rất nhiều công việc cần đến sự có mặt của các “chiến binh áo trắng” bởi cuộc chiến chống dịch vẫn chưa dừng lại.

Có thể nói, trong thời gian cam go nhất, lực lượng y tế không chỉ có bàn tay vàng, trái tim nhân hậu mà còn có tinh thần thép để cùng đất nước vượt qua đại dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh tại cuộc gặp mặt biểu dương đại diện lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch diễn ra ở Hà Nội vào tháng 10-2021: “Tất cả lực lượng y tế có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được”.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.