TỔ ẤM

Hiểu để thương

.

Nhiều người nói rằng, khi thật sự hiểu nhau, vợ hoặc chồng sẽ biết cách dung hòa đời sống hôn nhân, giúp người bạn đời được-là-chính-mình trong mọi hoàn cảnh.

Hiểu và thương người bạn đời, đồng thời cùng nhau chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái thì sẽ dễ dàng cảm thông, gìn giữ hạnh phúc. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Hiểu và thương người bạn đời, đồng thời cùng nhau chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái thì sẽ dễ dàng cảm thông, gìn giữ hạnh phúc. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

1. Khi hiểu nhau, vợ/chồng sẽ biết chính xác sở thích của người bạn đời. Chị Nguyễn Thị Hòa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) kể, sau gần 20 năm chung sống, chị biết rõ tính cách và khẩu vị của chồng. Anh Nguyễn Văn Quang (chồng chị Hòa - PV) lớn lên ở ngôi làng nhỏ ven sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, nên ký ức tuổi thơ là nồi cá bống kho lá nghệ, tôm sông rim giòn ngọt của má.

Khi mới yêu nhau, anh thường kể chị nghe về bữa cơm gia đình, nơi anh cảm nhận tình yêu, sự dịu dàng của má dành cho gia đình. Ngày về làm vợ anh, chị Hòa bắt đầu để tâm đến sở thích ăn uống của chồng. Anh thích thực phẩm sông, hồ nấu giản dị, chân phương xứ Quảng nên chị không ngại đi chợ sớm, lựa những con cá bống, cá diếc, tôm sông... Biết anh thích món mì Quảng, chị dành những ngày cuối tuần rủ anh đi chợ rồi cùng vào bếp.

Từ bao giờ, niềm vui của chị Hòa là đi chợ, lựa chọn thực phẩm và nấu bữa cơm ngon, hợp khẩu vị cho cả nhà. “Từ hồi yêu nhau, tôi thường nghe anh kể về má và những bữa cơm bà nấu với sự háo hức tươi trẻ. Tôi biết anh yêu gia đình và mong muốn ăn cơm vợ nấu nên không ngại vào bếp, đổi lại, anh cũng rất yêu chiều vợ con, sẵn sàng đi chợ nếu tôi bận”, chị Hòa chia sẻ.

Trong khi đó, anh Quang không ngần ngại nói rằng bữa cơm vợ nấu là lý do khiến anh chỉ muốn về nhà sau giờ tan tầm. “Cô ấy biết khẩu vị từng người trong gia đình, bữa cơm luôn có món người này, người kia thích. Ví như con trai tôi thích món sườn rim cháy cạnh, tôi thích món cá bống kho nghệ, canh ruốc thơm cà. Mì Quảng thì thể nào trong tuần, nhà tôi cũng sẽ có món đó để các thành viên cùng thưởng thức. Bữa cơm ngon miệng khiến mọi người dễ dàng chia sẻ điều muốn nói”, anh Quang nói.

Sau nhiều năm, chuyện chồng không ngại buông lời khen tặng khi thưởng thức món cá ngon, canh ngọt giúp chị Hòa thêm tự tin vào tay nghề đứng bếp của mình. “Lúc đứng nấu, cứ nghĩ đến khi ăn cơm, chồng xuýt xoa khen ngon, con nhanh nhảu ăn hết chén cơm là vui rồi. Những bữa cơm nước xong, tụi nhỏ đứa rót nước cho mẹ, đứa lấy tăm cho ba, phụ dọn dẹp chén dĩa. Mỗi ngày trôi qua, tôi thấy vui khi nhận tin nhắn của chồng: “Em ơi, hôm nay có món gì đó” hay “Thèm cá kho tiêu quá, anh ghé chợ mua cá về em nấu nghe”, chị Hòa chia sẻ.

2. Bà Tán Thị Kim Phượng (thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) kể về thú chơi đồ cũ của ông Chín (chồng bà), người dân thôn này đều biết. Nhiều người thấy ông Chín thường xuyên đi mua đồ cũ, đã đến nhà rỉ tai bà Phượng: “Tiền nớ, bà đi chợ mua miếng thịt bò, thịt heo về mấy mẹ con ăn tẩm bổ còn sướng hơn”. Những lúc nghe vậy, bà chỉ biết cười, vì hơn ai hết, bà Phượng hiểu niềm vui mà chồng có được mỗi khi mua được món đồ xưa ưng ý. Thỉnh thoảng, bà tự an ủi mình, cũng là cách trả lời hàng xóm: “Ông mê đồ cũ còn hơn mê bài bạc, hút chích, nhậu nhẹt làm khổ vợ con”.

Âm thầm đứng sau sở thích của chồng, bà Phượng trở thành người bạn đường, rong ruổi cùng ông Chín khắp vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, tìm mua cột gỗ mít, cối đá, chum, vại, rương gỗ cũ... Bà bảo, những khi mưa gió, để chồng chạy xe máy một mình, bà không yên tâm nên nhỏ nhẹ nói muốn theo cùng. Ông Chín thấy vợ muốn theo, không giấu nỗi sự mừng vui. Người không hiểu chuyện, tưởng vợ chồng ông đi buôn đồ cũ. Duy có bà Phượng, mới biết rõ chồng mình mua về làm gì, bởi không ít lần có người tới nhà trả giá cao hơn nhưng ông không bán.

Với phương châm sống tôn trọng sở thích của người bạn đời, vợ chồng bà Phượng luôn đối đãi với người đầu ấp tay gối bằng sự thấu hiểu, sẻ chia. Tiếp chúng tôi giữa ngôi nhà nằm trong mảnh vườn rộng 1.000m2 ở thôn Túy Loan Đông 1, ông Chín bảo, nếu không có người vợ đứng sau hậu thuẫn, ông khó lòng sống với đam mê. Ngồi cạnh chồng, bà Phượng cười tươi, nói rằng ông Chín chỉ có “cái tật” mê đồ cũ, còn lại rất yêu thương vợ con, mọi việc trong nhà đều chiều theo ý vợ. Giữa ngôi nhà vườn cây xanh tỏa bóng, đôi vợ chồng độ tuổi trung niên túc tắc kể chuyện nhà, thỉnh thoảng nở nụ cười viên mãn.

3. Trong đời sống vợ chồng, cãi vả, giận hờn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chỉ ai thật sự hiểu, thương người bạn đời thì mới dễ dàng cảm thông, chia sẻ để cùng vượt qua nỗi buồn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc L. (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) kể, cuốn sách gối đầu giường của vợ chồng chị là cuốn “Hạnh phúc cầm tay” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị bảo mình ấn tượng với những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về tình yêu, hạnh phúc gia đình, rằng trong cuộc tình nào, khởi đầu cũng bằng sự nồng nhiệt, tin yêu, tuy nhiên cảm giác ấy sẽ trôi qua rất nhanh. Do đó, nếu không có những kỹ năng cần thiết trong đời sống vợ chồng, không sáng suốt, tĩnh tâm, sẽ nảy sinh những phiền muộn cho chính mình và cho người đầu ấp tay gối.

Chị L. nói, mỗi khi gặp điều phiền muộn trong hôn nhân, chị nhớ những lời khuyên này: “Nếu bạn có một mối quan hệ khó khăn và muốn hóa giải nó, bạn phải quay lại khu vườn của chính mình, gieo xuống những hạt mầm của từ bi và thấu hiểu. Chỉ như vậy, bạn mới có thể đến bên người bạn đời của mình bằng sự kiên định và từ bi. Khi muốn gắn bó với một ai đó, hãy hứa sẽ cùng nhau thực hành điều này. Nhiệm vụ của chúng ta là chăm sóc lẫn nhau, hãy nhìn nhận nỗ lực của nhau dù là nhỏ nhất”.

Cũng theo chị Ngọc L., trong bất kỳ mối quan hệ nào, đều nên dùng tình người để từ ái, tử tế với nhau, đừng chấp nhặt chuyện nhỏ, đừng làm lớn chuyện không đáng, đừng so đo tính toán thiệt - hơn. Một khi đã cho đi thì đừng tiếc, đừng mong người hàm ơn mà trả nghĩa. Nên nhìn những khiếm khuyết trong đời sống hôn nhân như lẽ thường tình, đừng mãi đay nghiến, nhai đi nhai lại mỗi khi vợ chồng giận hờn, cãi vả.

“Càng lớn tuổi, tôi càng hiểu rằng mình không cần chứng tỏ hay khẳng định thêm điều gì với người bạn đời. Chúng tôi bỏ qua những vụn vặt, điều quan trọng nhất là được cùng người bạn đời hưởng những tháng ngày hạnh phúc còn lại”, chị Ngọc L. chia sẻ.

Chị Trần Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho rằng, trong mối quan hệ gia đình, khi gặp trục trặc, mỗi người cần nghiêm túc nhìn nhận sự việc, xem mình đang sai ở đâu, sửa sai như thế nào.

Theo chị Huyền, lớp học tiền hôn nhân rất quan trọng đối với các cặp đôi sắp bước vào đời sống vợ chồng, bởi nó giúp bạn hiểu ra mình cần làm gì để vun vén hạnh phúc. Và, điều quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân là những giây phút tự do mà mỗi người dành cho nhau. Chúng ta cần giúp người khác hạnh phúc như giúp chính mình hạnh phúc, có như vậy, cuộc sống hôn nhân mới bền chặt, giàu yêu thương.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.