Đà Nẵng cuối tuần
Trà Linh thay áo mới
Xã Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) tựa lưng vào núi non trùng điệp của dãy Trường Sơn Đông nay khoác trên mình tấm áo mới khá đẹp. Những chuyến đò tròng trành xưa cũ trên vùng sông nước Trà Linh giờ đây đã biến mất, nhường chỗ cho cây cầu hiện đại vắt ngang dòng Thu Bồn.
Hòn Kẽm Đá Dừng - bức họa từ thiên nhiên của miền sơn cước vùng tây xứ Quảng. Ảnh: THÁI MỸ |
Với dân số chưa tới 2.000 người nhưng bằng sự chung sức đồng lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xã Hiệp Hòa đã đưa vùng đất lô nhô đồi núi về đích chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2019. Bước đi lên của Hiệp Hòa bằng nhiều nguồn lực đầu tư suốt 8 năm với gần 60 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước cấp và nhân dân đóng góp 24 tỷ đồng, số còn lại là vốn vay tín dụng, đã làm thay đổi dáng vóc cằn cỗi của vùng đất miền trung du này.
Không thể kể hết việc xóa bỏ hình hài nông thôn cũ kỹ, chỉ cần biết sự ghi nhận của UBND tỉnh đối với Hiệp Hòa đã hoàn thành 19 tiêu chí như các địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội phát triển khác cũng đủ minh chứng sự quyết tâm của xã này. Nhiều hộ nông điền đã thật sự thoát nghèo, thậm chí biết vươn lên làm giàu, tiêu biểu là ông Phan Phước Nhường trong chuồng, trại luôn có hàng trăm con heo, con bò thịt, mỗi năm thu lời từ 500 - 750 triệu đồng…
“Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng”
Thiên nhiên ban tặng cho Hiệp Hòa một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của xứ Quảng, đó là Hòn Kẽm Đá Dừng, nơi gắn liền với câu ca: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Từ cầu Trà Linh phóng tầm mắt xuôi theo dòng nước lững lờ trôi là màu xanh bạt ngàn của Hòn Kẽm thuộc thôn Trà Linh Đông. Thôn này được hình thành vào cuối năm 2018 trên cơ sở sáp nhập thôn 1 và thôn 2; còn thôn 3 và thôn Linh Kiều sáp nhập thành thôn Trà Linh Tây ở phía tả ngạn sông Thu; các thôn 4 và 5 thành thôn Bình Kiều. Hòa Hiệp từ xã có 6 thôn nay chỉ còn 3 thôn.
Để chiêm ngưỡng Đá Dừng, khách thuê ghe máy neo sẵn ở bến sông, rẽ sóng chừng hơn chục phút thì lọt thỏm vào Hòn Kẽm. Hòn Kẽm Đá Dừng và làng mạc, xóm thôn nơi đây gắn với những truyền thuyết dân gian huyền hoặc của núi, của sông, của bao mảnh đời nghèo khó từ vùng hạ du sông Thu Bồn ngược dòng đi khai hoang, mở đất từ sớm.
Bác lái ghe cho biết, những ngày hè nóng nực, ít có mưa rừng, nước sông xanh, dòng cạn, đôi bờ gần nhau hơn, nước càng chảy xiết. Song, ở đoạn Hòn Kẽm Đá Dừng, đáy sông lại sâu nên con nước chầm chậm, êm đềm như rủ rê, níu kéo bước chân người đến nơi đây đừng vội vã quay về.
Những lúc nắng hè ràn rạt quét xuống da thịt rát bỏng nhưng khi thuyền lọt vào Hòn Kẽm Đá Dừng, cái oi nóng bỗng tiêu tan chóng vánh bởi hơi nước lờ mờ từ hai vách đá lảng bảng như sương sớm giăng giăng trên đầu, hơi lạnh của đá núi lau khô ngay những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán. Thỉnh thoảng những cơn gió nhè nhẹ luồn giữa hai bên vách đá, chà trên mặt sông làm gợn lên những con sóng lăn tăn ì ọp mạn thuyền đều đều như nhịp trống. Nước từ mạch ngầm của Hòn Kẽm cứ theo các kẽ đá nhô ra nhỏ tí tách quanh năm suốt tháng xuống mặt sông như những giọt nước mắt muôn thuở của trần gian ngậm ngùi, thương xót bao phận đời bất hạnh.
Nhìn mỏm đá mà người ta đặt tên là Nước Mắt này, tôi liên tưởng đó chính là những giọt nước mắt xé lòng của má Năm Nghê (Lê Thị Nghê) và bà con làng Trà Linh giữa đêm đông năm 1969. Hồi ấy, Mỹ-ngụy mở cuộc càn quét về Trà Linh. Khi chúng ập vào làng chỉ thấy toàn vườn không nhà trống bởi hơn 200 người ở đây, trong đó có hàng chục bộ đội, du kích đã trốn vào Ba Hang của Hòn Kẽm. Chúng lùng sục, tìm kiếm nhưng vẫn không phát hiện ra miệng hang.
Giữa lúc mọi người trong hang nơm nớp lo sợ thì đứa con trai 3 tháng tuổi của bà Năm Nghê khát sữa khóc thét. Bà đưa miệng con vào bầu vú nhưng nó vẫn không chịu nín bởi mấy ngày trôi qua bà đói lả trong hang tối, dòng sữa bị cạn kiệt. Tiếng khóc của con có nguy cơ làm lộ nơi ẩn nấp của nhiều người nên bà quyết định cứu dân làng, bộ đội bằng cách ép chặt miệng, mũi đứa con thơ vào ngực mình cho đến lúc đứa trẻ không bao giờ còn khóc được nữa.
Nhiều tiềm năng chưa được đánh thức
Đêm gió mùa ở Trà Linh rất lạnh. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên nóc nhà, gió núi xào xạc vườn cây làm tôi không sao chợp mắt được, chỉ trông trời mau sáng để được leo tiếp các triền dốc phía Trà Linh Tây. Hiệp Hòa giờ đây đã cởi bỏ tấm áo cũ kỹ, song nhiều tiềm năng vẫn chưa được đánh thức. Tôi mong con đường ĐH5 từ thị trấn Tân Bình về Trà Linh sớm được nâng cấp, bến sông quê dưới chân cầu Trà Linh luôn có hàng chục chiếc ghe máy được trang bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết và hoạt động chuyên nghiệp hơn trong việc chở du khách tham quan Hòn Kẽm Đá Dừng để thay cho việc khai thác manh mún, đơn lẻ như hiện nay bởi từ cầu Trà Linh đến Hòn Kẽm Đá Dừng chỉ ngót nghét 600 mét.
Khi đường sá dễ đi lại, ghe thuyền chở du khách đi vào làm ăn bài bản, được tổ chức chặt chẽ, homestay ra đời chắc chắn sẽ vẫy gọi nhiều người đến với Hòn Kẽm Đá Dừng hơn. Về đây, du khách không chỉ thưởng mục phong cảnh sơn thủy hữu tình mà còn để nghe những truyền thuyết đậm đà màu sắc nhân văn về tiền hiền Trần Bình tử chiến với hổ dữ để bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng, được dâng hương tại mộ của ông và ngắm nhìn mộ con cọp hung ác ngay bên bờ suối Mả Ngài róc rách đêm ngày; nghe câu chuyện dân gian về bà Trà Linh, người chị ruột của bà Thu Bồn lánh giặc lên đây lập ra làng Trà Linh từ thuở xa xưa.
Dinh thờ bà Trà Linh lặng lẽ trên quả đồi sát mé sông dưới chân Hòn Kẽm đêm ngày chìm trong không gian tĩnh mịch cùng màu xanh bạt ngàn của núi rừng nơi thượng nguồn sông Thu Bồn cũng là một địa chỉ hấp dẫn cho những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá…
THÁI MỸ