Mỗi quốc gia có cách chào đón năm mới theo các phong tục truyền thống riêng, dù bằng cách thức nào thì người dân cũng đều hy vọng sẽ gặp những điều tốt lành, may mắn.
Đan Mạch đón năm mới bằng việc ném những món đồ dễ vỡ vào cửa trước. |
Ecuador có truyền thống độc đáo là làm những hình nộm bằng rơm hoặc búp bê bằng giấy và đốt vào đêm giao thừa. Người ta cho rằng làm như vậy sẽ giúp xua đuổi vận rủi hoặc những điều tồi tệ đã xảy ra trong 12 tháng qua.
Nếu bạn tình cờ đến Brazil vào đêm giao thừa, đừng ngạc nhiên khi thấy các đại dương ngập tràn hoa trắng và nến. Người dân địa phương ở quốc gia Nam Mỹ này thắp nến và ném những bông hoa trắng xuống nước như lễ vật dành cho Nữ thần Đại dương, người được cho là cai quản vùng biển, để cầu xin bà phù hộ cho năm mới. Ở một số khu vực, nến được đặt trên cát trên bãi biển với mong muốn sẽ mang lại tiền bạc, bình an và tình yêu.
Trong thần thoại Brazil, Lemanja (hay Yemanja) là một nữ thần mẹ của đại dương. Vào đêm giao thừa, người dân địa phương mặc đồ trắng đến gần biển để xem pháo hoa và ném những bông hoa trắng cùng những món quà khác về phía biển cho nữ thần với hy vọng rằng sẽ được ban tài lộc và hạnh phúc. Một số đặt món quà của họ, thường là những bông hoa vào những chiếc thuyền nhỏ bằng gỗ nhỏ nhắn rồi thả xuống dòng nước biển...
Ở Chile, thánh lễ đêm giao thừa không được tổ chức ở nhà thờ mà ở nghĩa trang. Theo đó, mọi người ngồi với các thành viên gia đình đã khuất của họ và đưa họ vào các lễ hội đêm giao thừa.
Ở Tây Ban Nha, người dân địa phương ăn đúng 12 quả nho lúc nửa đêm để tôn vinh một truyền thống bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Những năm 1800, những người trồng nho ở khu vực Alicante nghĩ ra cách này để bán được nhiều nho hơn vào cuối năm. Ngày nay, người Tây Ban Nha ăn hết 12 quả nho trước khi chuỗi 12 tiếng chuông đại diện cho 12 tháng, mỗi tiếng cách nhau khoảng 2 giây, kết thúc.
Trong khi đó, Scotland đón năm mới bằng lễ hội Hogmanay. Lễ rước đuốc mở đầu cho chuỗi 3 ngày lễ Hogmanay nhằm tôn vinh sự hiện diện của lửa và xua tan những rủi ro năm cũ, mang lại ánh sáng và may mắn cho năm mới. Vào ngày này, những người đàn ông diễu hành qua các đường phố cầm theo những quả cầu lửa rực và đu người qua đầu. Người dân địa phương tin rằng ngọn lửa mang lại ánh nắng mặt trời và sự thanh lọc, và theo cách này, năm cũ sẽ được đốt cháy và năm mới bắt đầu.
Theo tín ngưỡng của người Scotland, sau giờ Giao thừa, người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa nhà bạn phải là nam giới tóc đen nếu bạn muốn gặp may mắn trong năm tới. Những người đàn ông đến mang theo những món quà gồm than đá, muối, bánh mì ngắn và rượu whisky, tất cả đều góp phần tạo nên ý tưởng may mắn. Nhưng tại sao lại là những người đàn ông tóc đen? Vào thời Scotland bị người Viking xâm chiếm, điều cuối cùng mọi người muốn nhìn thấy trước cửa nhà mình là một người đàn ông tóc sáng mang một chiếc rìu khổng lồ. Vì vậy, ngày nay, ngược lại - một người đàn ông tóc đen - tượng trưng cho sự sang trọng và thành công.
Người Đan Mạch đón năm mới bằng việc ném những món đồ dễ vỡ vào cửa trước. Vì vậy, đừng cảm thấy khó chịu nếu bạn thức dậy vào ngày đầu năm mới với một đống sành sứ bị đập vỡ trước cửa nhà, đó là điềm tốt và mọi người tự hào về số lượng bát đĩa bị hỏng ngoài cửa nhà của họ vào cuối đêm giao thừa. Tuy nhiên, phong tục này không còn phổ biến. Người dân Đan Mạch muốn thay đổi bằng cách tin rằng, họ đứng trên ghế rồi nhảy xuống khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm thì sẽ gặp nhiều may mắn.
Ở Philippines, những đồ vật hình tròn, tượng trưng cho tiền xu, được cho là sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Người dân Philippines trang trí bàn ăn với những trái cây hình tròn. Tốt nhất nên có 12 loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một tháng. Một số người cũng mặc đồ có hình chấm tròn như viên bi trong dịp này. Thêm nữa, theo truyền thống, năm mới nên được bắt đầu với một chiếc ví đầy tiền để cả năm được sung túc.
HOÀNG ĐẶNG