Bỗng một ngày, tôi nhớ mẹ

.

Mẹ gọi điện báo mẹ lấy lại khứu giác rồi, nhưng khoan hãy về nhà, cho chắc chắn. Chỉ như vậy thôi mà tôi như đã dỡ bỏ được hòn đá đè nặng trong tim hơn cả tuần qua.

Khi hay tin mẹ dương tính với SARS-CoV-2, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn lo sốt vó vì bà có bệnh cao huyết áp. Mẹ nói không sao đâu, bà đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin, lại chăm súc họng rửa mũi nên sẽ lướt qua được bệnh. Trong sự căng thẳng vì lo lắng, tôi cảm thấy hơi buồn cười khi đáng lẽ người cần được an ủi, xoa dịu là mẹ chứ không phải ngược lại như thế.

Tôi sống xa gia đình vì chuyện học chuyện làm đã nhiều năm. Mẹ con tôi lại hiếm khi tâm sự, cả tôi lẫn mẹ đều ngại bày tỏ cảm xúc. Dù khoảng cách không quá xa, nhưng bởi sự ham công tiếc việc và mê trải nghiệm, thường mấy tháng tôi mới về quê một lần. Lễ, Tết cũng chỉ ở nhà đôi ba ngày rồi nhanh nhanh chóng chóng rời đi để chạy theo những kế hoạch cá nhân.

Tôi luôn nghĩ tuổi trẻ không nên cuộn tròn trong vòng tay mẹ cha để mong chút chở che, cũng chưa cần chôn chân ở một góc nhà cầu nhàn nhã, tuổi trẻ cần dấn thân nhiều hơn, và dũng cảm xông xáo hơn. Tôi đã luôn tự tin rằng mình độc lập, và thực hiện được đúng những điều mình nghĩ.

Mẹ chưa bao giờ tỏ ra phiền lòng vì điều đó. Dù không nói ra nhưng tôi biết tình thương to lớn mẹ dành cho tôi khiến bà có niềm tự hào lạ kỳ về con gái, dù tôi chưa có thành tựu gì đáng kể. Đến giờ, mẹ vẫn nâng niu gìn giữ những tờ giấy khen học sinh giỏi của tôi như báu vật. Mẹ hay “khoe” về tôi với người quen dù là chuyện xưa lắc xưa lơ hay chỉ là những món quà thi thoảng tôi gửi tặng bà.

Thú thật, tôi hiếm khi nhớ nhà. Công việc bận rộn, những chuyến đi, các mối quan hệ xã hội gần như ngốn hết thời gian của tôi. Chỉ đôi khi bị đè nặng bởi những áp lực vô hình, nằm một mình trong căn phòng trọ nhỏ, tôi mới nhớ đến hình ảnh mẹ đứng ở bậu cửa nhìn ra khi tôi trở lại thành phố sau chuyến thăm nhà ngắn ngủi. Ánh mắt của mẹ đau đáu, có phần mong mỏi dù bà chưa bao giờ hỏi khi nào tôi sẽ lại quay về. Những khi ấy, tôi luôn lảng tránh ánh mắt của mẹ nhằm chạy trốn sự áy náy của chính mình.

Tôi nhớ mẹ luôn giành việc rửa chén bát sau mỗi bữa ăn và từ rất lâu bà không còn mắng khi tôi làm sai hay lười biếng nằm ườn suốt ngày như thuở trước. Lắm lúc tôi nghĩ, sự khách sáo của mẹ là biểu hiện cho sợi dây liên kết ruột rà giữa tôi và mẹ có đôi phần lỏng lẻo đi, giống như trong những lần tôi vụt đến vụt đi chóng vánh, nhà chẳng khác gì căn phòng trọ chứ không phải một nơi chốn để về.

Nhưng trong những ngày cả nước ứng phó với dịch bệnh, tôi bỗng nghĩ về mẹ nhiều hơn. Đôi lần gọi cho mẹ xong, vâng dạ khi nghe mẹ dặn dò đủ chuyện, tôi bật khóc ngon lành chẳng vì lý do gì. Tôi không lý giải được nỗi nhớ của mình, có lẽ vì tôi cô đơn quá trong những ngày giãn cách, hoặc có lẽ tôi đã chớm già để biết trân quý những gì mình đang sở hữu nhưng lại vô tâm lướt qua.

Tôi từng nghĩ trưởng thành là khi có thể đủ mạnh mẽ tách khỏi vòng tay gia đình, tự đứng trên đôi chân của mình. Nhưng bây giờ tôi lại hoài nghi, có khi nào trưởng thành thật sự là quyết định trở về nhà sau những chuyến lãng du? Tôi vẫn nghĩ mình cần cố gắng nhiều hơn để làm mẹ tự hào. Nhưng tôi bất chợt nhận ra, để làm mẹ tự hào, chỉ cần tôi sống tử tế, với mẹ, đó đã là chuyện đáng hãnh diện. Điều khó hơn là càng nghĩ về việc khiến mẹ tự hào, tôi lại quên đi cách làm bạn với mẹ. Tôi đã chọn quăng mình vào vòng xoáy bận rộn, đua chen và khát khao xê dịch, thay vì ngồi cạnh mẹ, xoa dịu sự cô đơn của bà.

Một chiều thành phố đằm mình trong mưa, tôi nhớ mẹ… Tôi bỗng thèm được cùng mẹ ăn một bữa cơm chiều chỉ có dĩa trứng chiên và rau lang luộc chấm tương. Tôi thèm được ôm mẹ ngủ, tâm sự với mẹ đủ chuyện trên trời dưới đất như ngày nào thuở vẫn còn thơ…

THANH LAM

;
;
.
.
.
.
.