Phim Ấn Độ có cơ hội "chạm tay" tới giải Oscar

.

Những bộ phim nước ngoài được quay tại Ấn Độ như Gandhi và Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) từng đoạt giải Oscar, nhưng Ấn Độ chưa có bộ phim hay phim tài liệu nào giành giải thưởng danh giá này. Tuy nhiên, Writing with Fire (tạm dịch: Viết với lửa) đang đứng trước cơ hội giúp Ấn Độ đoạt giải Oscar lần đầu tiên khi được đề cử tại hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất.

Các nữ nhà báo Ấn Độ dùng điện thoại để ghi hình phỏng vấn một người dân nghèo. Ảnh: Idfa.nl
Các nữ nhà báo Ấn Độ dùng điện thoại để ghi hình phỏng vấn một người dân nghèo. Ảnh: Idfa.nl

Đây là bộ phim tài liệu của vợ chồng Sushmit Ghosh và Rintu Thomas, kể về câu chuyện của các nhà báo điều hành tờ Khabar Lahariya (tức Làn sóng tin tức) - được viết, đọc và điều hành bởi những phụ nữ thuộc đẳng cấp thấp (gọi là Dalit). Bộ phim được bấm máy vào năm 2016, cũng là năm các phóng viên báo Khabar Lahariya thực hiện chuyển đổi số nhờ sự hỗ trợ của điện thoại thông minh.

Vượt qua rào cản xã hội, các nữ nhà báo của tờ Khabar Lahariya đã mạnh dạn phơi bày những câu chuyện xoay quanh vấn nạn từ trộm bò đến bạo lực tình dục và tham nhũng. Những ghi chép của họ đã trở thành chất liệu chính trong bộ phim và được giới chuyên môn đánh giá cao. Họ nhận được sự tôn trọng của cộng đồng khi dũng cảm vượt mọi khó khăn và sự phản đối của cả người thân để đưa ra ánh sáng những câu chuyện mà các hãng truyền thông lớn ở nước này thường phớt lờ.

Trước đó, vào cuối tháng 1 năm nay, bộ phim đã giành được Giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan phim Sundance ở Mỹ. Phát biểu trước Lễ trao giải Oscar, đạo diễn phim Rintu Thomas nhấn mạnh: “Writing with Fire là một thước phim truyền cảm hứng mạnh mẽ. Đó là câu chuyện về những người phụ nữ thắp lên hy vọng”.

Để có được thành quả này, nhóm nữ nhà báo đã chuyển đổi từ cách làm báo cũ sang sản xuất theo hướng kỹ thuật số. Họ cũng không ngần ngại tìm gặp những cảnh sát đã bị sa thải, thậm chí chạm trán với các đối tượng xấu có thế lực tại địa phương. Trong Writing with Fire, phóng viên Geeta Devi đã tới Banda, một thị trấn ven sông cách Taj Mahal vài giờ lái xe, để phỏng vấn một phụ nữ nghèo bị chồng bỏ rơi. Khi biết cô đang có mặt ở thị trấn này, nhiều người đã tiếp cận và đề nghị cô đưa tin về hoàn cảnh của họ, như sự thờ ơ của chính quyền địa phương dẫn tới tình trạng thiếu nước sạch và mất vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, một số người dân khác chia sẻ về việc họ là nạn nhân của bạo lực và quấy rối tình dục. Mặc dù sự phân biệt đối xử đối với người Dalit đã chính thức bị xóa bỏ cách đây rất lâu, nhưng trên thực tế họ vẫn bị cấm đến đền thờ hoặc tới nhà của người ở tầng lớp cao hơn trong xã hội, vẫn là nạn nhân của tình trạng bạo lực.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 dự kiến diễn ra ngày 27-3 tại Los Angeles (Mỹ) với 23 hạng mục giải thưởng như Phim truyện xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên xuất sắc nhất... Dù là nước sản xuất phim nhiều nhất thế giới nhưng đến nay Ấn Độ vẫn chưa có bộ phim hay phim tài liệu nào do người Ấn làm đạo diễn nhận được giải Oscar.

Do đó, việc Writing with Fire có cơ hội “chạm tay” tới giải thưởng danh giá này là niềm động viên, khích lệ lớn cho những người làm nghệ thuật thứ bảy tại nước này. Trong khi đó, tờ New York Times còn nhận định: “Bộ phim tạo ra động lực cho những người đấu tranh cho nền dân chủ vào thời điểm mà các quy tắc dân chủ đang bị đe dọa trên toàn thế giới”.

TÂM NHƯ (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.