Đà Nẵng cuối tuần

Nhớ chuyện sông Nam Ô xưa

13:47, 13/03/2022 (GMT+7)

Sông Nam Ô tồn tại từ lâu đời chạy theo hướng nam bắc làm thành chiếc đai “hậu ủng” êm mát cho ngôi làng cùng tên hướng mặt ra biển.

Xưa từng có một cảng sông sầm uất bên sông Nam Ô. Ảnh: Đ.D
Xưa từng có một cảng sông sầm uất bên sông Nam Ô. Ảnh: Đ.D

Sông Nam Ô được cấp nước bởi sông lớn Cu Đê ở phía bắc trước khi chảy ra cửa biển Vũng Thùng. Sông giữ nước tưới tắm cánh đồng Xuân Thiều suốt bao đời cho vụ mùa nào cũng bội thu, no đủ. Đố mà biết ngọn nguồn phát nguyên của sông này khi ở đầu sông phía nam có những con đập được hình thành để giữ nước cho lúa tốt tươi nên ai đó đã gọi là “nhánh sông cụt ngọn”.

Hồi xưa, khi Nam Ô chưa cải danh xã hiệu, sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán Triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, tr.362) đã chép trong mục Sông Cu Đê: “... đến đây có nước sông Hoa Ổ (tên Nam Ô trước đây - ĐNCT) chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê”. Tiếp đến thời Tự Đức thứ 16 (1864), cụ Tú tài Trần Nhật Tĩnh, người xã Quan Nam (nay là thôn Quan Nam, xã Hòa Liên) soạn cuốn Hòa Vang huyện chí gọi là “sông Hóa Ổ như ngậm dòng nước biếc” khi mô tả về phong cảnh làng Nam Ô và khen “thật là thắng cảnh của đất Hòa Vang vậy”.

Con sông từ xa xưa đã “ngậm dòng nước biếc” để đất làng Nam Ô có chỗ tựa lưng làm nên phong cảnh hữu tình cho câu ca dao truyền mãi “Nam Ô không ở là quê/ Sông sau biển trước núi kề một bên”. Ở đây, “quê” là tính từ, chỉ sự mộc mạc, quê mùa; cả câu lục ý nói chỉ những ai “nhà quê” mới không chọn Nam

Ô làm nơi sinh sống!

Ngày xưa, bên bờ tây là Cấm Giá, một rừng cây bần, cây giá ngập mặn nguyên sinh, trải dài theo hướng nam bắc, đến cửa sông Cu Đê ngoặt về tây cộng sinh với rừng ô rô kéo lên đến bến đò làng Thủy Tú… Cấm Giá mọc toàn cây giá, cây bần, cắm rễ xuống đất sình xăm xắp nước, hàng nghìn cây ken dày oằn gốc tạo hình thế rồi vươn mình lên khoe cành khoe lá xanh um dưới ánh mặt trời, để mỗi chiều mời gọi cả nghìn cánh cò về chấp chới cánh trắng lợp cả rừng cây, gọi nhau náo động khi hoàng hôn in màu đỏ rực xuống mặt sông, ở đó hiện lên hình ảnh những người phụ nữ còn khom mình cần mẫn đi nhủi cá bống trong chiều muộn.

Cấm Giá không những là cảnh đẹp u huyền bí ẩn để tuổi thơ của những thế hệ người dân nơi đây một thời luôn ước ao khám phá, mà còn là bức bình phong quý giá chắn gió độc cho đất làng Nam Ô theo quan niệm phong thủy của các cụ.

Ngày xưa, bên bờ đông sông Nam Ô có bến đò nhộn nhịp, có cảng sông, bến chợ buôn bán sầm uất thu hút nông lâm sản của cư dân các làng đầu nguồn sông Cu Đê, cả người Cơ tu ở các bản Tà Lang, Giàn Bí (nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cũng xuôi dòng về đây họp chợ bán buôn.

Các cụ kể, khi cầu Nam Ô chưa bắc qua làm hẹp cửa sông Cu Đê, những đôi mành cơm (loại mành để đánh bắt cá cơm, cá nục và các loài cá đi nổi) của ngư dân Xóm Quán chở đầy ắp cá tôm về đậu nơi bến sông này. Thuyền buôn các lái (từ cổ chỉ những người lái ghe thuyền chuyên chở hàng hóa buôn bán bằng đường thủy - ĐNCT) từ các tỉnh cũng đưa ghe bầu vào đậu dày ở cửa sông, chuyển các sản vật từ miền trong ra cung cấp cho nghề làm mắm ở đây như: muối Đề Gi, kiệu hũ sành Bàu Trúc... Tất cả làm chợ Hóa Ổ cận giang một thời đan xen, hòa âm góp tiếng biết bao giọng nói các vùng miền. Thật là cảnh rộn rịp tổng hòa nét văn hóa, sản vật của con người một thời tụ hội nơi làng mạc lâu đời làm nghề biển khá trù phú, biểu hiện ở các kiến trúc cổ xưa là những nhà có dạng nửa tây nửa ta, còn lưu dấu ở bờ đông sông này mà các cụ bảo ngày xưa chiều chiều đi dạo ở đây thường liên tưởng đang dạo bên bờ sông Hoài phố cổ Hội An.

Sông Nam Ô có nhiều tôm cá, là lựa chọn hàng đầu của người sành ăn thủy sản. Những giống thủy sản nước lợ được sản sinh và nuôi dưỡng bởi các phiêu sinh vật dưới gốc rừng ngập mặn Cấm Giá ở bên bờ tây từng bao đời nuôi sống nhiều gia đình bủa lưới giăng câu trên khúc sông này. Đêm đêm, những chiếc rớ ngao của các ông chài thỉnh thoảng cựa mình kẽo kẹt, những ánh đèn soi cá tôm lặng lẽ, những âm thanh của bạn lưới gõ hằng đêm vang vọng trên sông đuổi cá vào lưới, vẫn nhịp đều trong ký ức tuổi thơ nhiều người.

Ngày nay, bên bờ tây là dự án khu đô thị mới đang xây dựng, sông Nam Ô chẳng thể nào gọi là sông nữa. Dù sông vẫn đang êm đềm góp nước vào dòng Cu Đê đổ ra biển Vũng Thùng nhưng đôi bờ đã khép mình hẹp lại thành một con kênh có màu nước không còn xanh biếc như xưa, cá tôm cũng đã di tản để nhường sông nước cho dự án được quảng bá là khu đô thị mới có địa trạch phong thủy thượng thừa. Nay mai, khi dự án ấy thành hình, không biết mặt sông có còn đủ rộng để soi hết bóng những kiến trúc sắc màu nguy nga tráng lệ “bên tê sông” ấy không?!

Chiếc cầu mang tên Gami Thủy Tú đã được bắc qua sông, từ bến chợ Nam Ô phía bờ đông - nơi bến đò xưa từng là cảng sông Nam Ô thời cổ. Biết sao được, lâu nay chuyện đổi thay của một vùng đất bao giờ cũng phải có một cái giá nhất định. Có điều, những người còn nặng nợ với buồn vui cảnh vật quê mình thỉnh thoảng đứng trên cầu nhìn đôi bờ mà nhớ... chuyện sông xưa!

ĐẶNG DÙNG

.