Đà Nẵng cuối tuần

Gia đình và cộng đồng là điểm tựa

07:02, 13/03/2022 (GMT+7)

Ai cũng muốn con cái khỏe mạnh, trưởng thành. Vậy nhưng, nhiều đứa trẻ không may bị bệnh tật, dị tật, khiếm khuyết, phát triển không bình thường khiến cha mẹ không khỏi xót xa. Nhiều gia đình đã dành tất cả thời gian, tiền bạc để chữa bệnh cho con với mong muốn con được hòa nhập cộng đồng.

Người khuyết tật đang làm việc tại cơ sở may công nghiệp người khuyết tật trực thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố. (Ảnh do cơ sở cung cấp)
Người khuyết tật đang làm việc tại cơ sở may công nghiệp người khuyết tật trực thuộc Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố. (Ảnh do cơ sở cung cấp)

Nhiều người thường cho rằng, hòa nhập nghĩa là người khuyết tật phải vượt qua những rào cản. Tuy nhiên, thực tế những rào cản đôi khi đến từ chính những người thân trong gia đình. Vì vậy, sự cố gắng chỉ từ phía những người khuyết tật là chưa đủ mà bất kỳ ai trong cộng đồng, nhất là gia đình, cần tự xóa bỏ rào cản trong suy nghĩ, hành động và dành cho người khuyết tật nhiều sự quan tâm hơn nữa.

“Mong muốn con được nghe,được hiểu và được nói”

K.N và K.A (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) không may bị câm điếc bẩm sinh. Mặc dù phát hiện con có những biểu hiện không bình thường từ năm lên 2 tuổi như con không quay lại khi người khác gọi tên, không giật mình khi có tiếng động lớn, không bi bô những tiếng quen thuộc như trẻ cùng lứa tuổi, nhưng gia đình K.N, K.A vẫn nghĩ con chậm nói. Mãi đến khi đưa hai con đi khám thính lực, gia đình mới biết con bị câm điếc bẩm sinh.

Chị X.Đ (mẹ hai cháu K.N và K.A) rơm rớm nước mắt kể: “Hai con bị câm điếc bẩm sinh do trong thời gian mang thai tôi bị cúm rubella mà không phát hiện ra. Rồi những năm tháng đưa con đi khi khắp nơi chữa trị nhưng không hiệu quả, vợ chồng tôi quyết định đưa con về và xin vào học trường chuyên biệt dành cho người câm điếc. Đến nay, K.N và K.A 18 tuổi, được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố nhận vào học nghề và làm việc nên gia đình cũng an tâm hơn”.

Thời điểm sinh K.N, K.A, chị X.Đ làm phụ hồ, chồng làm công nhân, cuộc sống hết sức vất vả. Nhưng vì thương con, chị X.Đ không quản ngại xa xôi, vay mượn tiền bạc để đưa hai con đi chữa trị. Kể về thời điểm đi cùng con, chị X.Đ nghẹn ngào: “Tôi còn nhớ những lần đưa con đi khám là những lần ba mẹ con thuê nhà trọ, có khi một tuần, có khi gần cả tháng. Hy vọng tình yêu thương của gia đình sẽ khỏa lấp phần nào thiệt thòi của con”.

Chị N.T.T (quận Sơn Trà) có hoàn cảnh tương tự chị X.Đ. Gặp chúng tôi tại một phòng khám khiếm thính ở quận Hải Châu, chị N.T.T bày tỏ: “Lần đầu tiên khi cầm tờ giấy kết quả trên tay rằng con mình bị điếc, tôi bàng hoàng, không tin vào mắt mình, vừa thương cho số phận con, vừa thương cho gia đình. Nhưng rồi gạt đi tất cả những lo lắng, vượt qua những phút giây yếu đuối ban đầu, tôi bắt đầu tìm hiểu những trung tâm trợ thính uy tín với mong muốn con được nghe, được hiểu và được nói”.

Sau nhiều lần phẫu thuật, cuối cùng con chị N.T.T đã có thể nghe, tiếp nhận được âm thanh. “Đây là niềm vui lớn lao cho cả gia đình. Dẫu biết con phải đeo thiết bị cả đời, nhưng được nghe, được nói đã là hạnh phúc”, chị N.T.T bộc bạch.

Đồng cảm và sẻ chia

Mất đi một cánh tay nhưng với nỗ lực không ngừng, chị Trịnh Thị Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tâm Ánh Minh (đơn vị quản lý cơ sở may công nghiệp người khuyết tật trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố) trở thành người “tàn mà không phế”. Không những giúp đỡ nhiều người khuyết tật có việc làm, vươn lên trong cuộc sống mà chị Ngân còn là tấm gương sáng vươn lên cho nhiều người khuyết tật khác trong cộng đồng.

Chị Ngân bị khuyết tật vào năm 1971. Thời gian đó, chị mặc cảm, tự ti, không muốn đến trường nhưng được bố mẹ động viên, chị đi học trở lại và học hết bậc THPT. Sau nhiều lần xin việc không được, chị Ngân về nhà phụ mẹ tráng mì, tranh thủ học thêm tiếng Anh và học may để may gia công bao bì bỏ thêm cho các chợ, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Năm 2010, chị Ngân tham gia Hội Người khuyết tật quận Thanh Khê. Gặp nhiều hoàn cảnh như mình nên chị càng nỗ lực kết nối nhiều người khuyết tật khác vào hội. Năm 2012, chị Ngân được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố đào tạo về vi tính. Chị Ngân bày tỏ: “Tham gia hội, tôi mới thấu hiểu hơn về những hoàn cảnh như mình và luôn trăn trở phải làm nhiều việc để giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn. Nhiều năm liền tôi tình nguyện đứng ra kết nối, giới thiệu người khuyết tật vào học các lớp may và vi tính trong hội”.

Từ khi nhận nhiệm vụ là Phó Giám đốc Công ty TNHH Tâm Ánh Minh, chị Ngân càng có cơ hội giúp nhiều người khuyết tật có việc làm. Chị Ngân còn tham gia vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học bổng cho trẻ mồ côi, mổ mắt cho người già khó khăn… “Các em ở đây hầu hết là người câm điếc, thiểu năng trí tuệ, nhưng các em biết chữ. Vì vậy, nếu các em muốn nói điều gì mà diễn tả chưa được thì sẽ viết ra giấy gửi cho tôi. Về công việc thì khá đơn giản, ban đầu các em được học các bước căn bản như cách sử dụng máy may, cách làm cho chỉ không bị đứt, may được đường thẳng, đường cong… Sau đó, nhiều em tiến bộ được cử đi đào tạo và về làm ở phân xưởng may của công ty để các em phát huy năng lực”.

N.K và N.A cũng được cơ sở may của Công ty TNHH Tâm Ánh Minh nhận vào làm. Đó là niềm hạnh phúc đối với chị X.Đ và gia đình. Từ những mũi kim chỉ chệch choạc ban đầu, nay các em đã may khéo léo, thành thạo hơn.

Để việc làm cho người khuyết tật không đứt đoạn, chị Ngân không ngừng nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với các công ty, trường học trên địa bàn ký kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy thu nhập không cao nhưng với những người khuyết tật, công việc giúp họ thêm tự tin và hòa nhập với cộng đồng. Chị Ngân bộc bạch: “Cũng là người khuyết tật nên tôi rất thấu hiểu các em. Lúc đầu, các em đến làm việc nhưng thích đến thì đến, thích nghỉ thì nghỉ, có khi đến trễ, có khi về sớm... Nhưng vì thương các em, muốn các em có công việc ổn định nên tôi đã kiên trì đề nghị gia đình các em nỗ lực động viên, thuyết phục. Dần dần tôi và các em hiểu nhau hơn, yêu thương nhau như một gia đình”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Cả nước hiện có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Tại Đà Nẵng, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố cho biết, năm 2021, với việc duy trì cơ sở sản xuất may dành cho người khuyết tật, đơn vị đã giải quyết việc làm cho 25 lao động là người khuyết tật, tạo thu nhập từ 1,5 triện đến 3 triệu đồng/tháng/người. Cũng trong năm 2021, Hội Từ thiện và Bảo vệ Quyền trẻ em thành phố vận động được 159 xe lăn với kinh phí hơn 400 triệu đồng trao cho người khuyết tật, trẻ em bại não… nhằm chung tay hỗ trợ người khuyết tật vượt khó vươn lên. 

THANH TÌNH

.