Đà Nẵng cuối tuần
Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Đà Nẵng triển khai nhiều chính sách nhân văn dành cho người khuyết tật (NKT) như tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp y tế, phục hồi chức năng và tiếp cận các công trình giao thông, công trình xây dựng…, giúp NTK tự tin hòa nhập cộng đồng.
Ông Lê Văn Ch. được Trường Đại học Duy Tân hỗ trợ xe lăn năm 2019. Ảnh: TIỂU YẾN |
Để cụ thể hóa các chính sách, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư, tạo môi trường thuận lợi cho NKT sinh sống và ổn định kinh tế hộ gia đình.
Dành tặng dụng cụ hỗ trợ
Đôi chân khuyết tật từ nhỏ khiến cuộc sống của ông Lê Văn Ch. (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, lao động. Hằng ngày, ông phải di chuyển trên chiếc xe lăn qua các tuyến đường gần nhà bán vé số. Theo ông Ch., đây là công việc phù hợp với sức khỏe, giúp ông kiếm được ít thu nhập trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, tuổi thọ chiếc xe lăn không cao, chỉ vài ba năm sử dụng là ọp ẹp, mất an toàn khi di chuyển. Có thời gian, xe hư, không có tiền sắm mới, ông đành dừng công việc bán vé số. Biết được hoàn cảnh này, năm 2019, Trường Đại học Duy Tân tặng ông Ch. chiếc xe lăn chạy bằng điện. “Từ ngày có xe lăn mới, việc di chuyển của tôi diễn ra dễ hơn và đến nay xe vẫn chạy tốt”, ông Ch. nói.
Từ năm 2019 đến nay, Trường Đại học Duy Tân tặng hàng chục chiếc xe lăn điện cho NKT thành phố nhằm động viên, khích lệ những người dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Th.S Đặng Ngọc Trung, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Ý tưởng sản xuất đầu kéo xe lăn cho người khuyết tật” - Trường Đại học Duy Tân cho biết, sản phẩm đã được đưa vào sử dụng rộng rãi 3 năm nay. Trước khi sản xuất dòng xe này, anh cùng nhóm sinh viên tiến hành các bước khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của NKT. “Qua kết quả khảo sát, chúng tôi đã thiết kế cơ chế lắp ghép đơn giản, tiện dụng, chắc chắn và có thể nâng, hạ tùy chiều cao, cân nặng của NKT”, anh Trung cho hay.
Sau 5 năm sử dụng đôi chân giả do Hội Khuyết tật thành phố Đà Nẵng hỗ trợ, chị Trần Thị Tâm H. (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) nói mình như được sống cuộc đời khác. Chị H. kể, tai nạn bom mìn năm 12 tuổi khiến chị vĩnh viễn mất đi đôi chân, bản thân tự ti, mặc cảm. Sau khi lấy chồng cũng là NKT, cuộc sống của gia đình chị H. dựa hoàn toàn vào nghề gia công hàng mã cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo chị H., từ khi được hỗ trợ lắp chân giả, việc di chuyển và giao hàng diễn ra thuận lợi, nhờ đó, chị tự tin nhận thêm đơn hàng mới, cho mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. “Trước đây, muốn đi đâu tôi đều phải nhờ người thân, bạn bè chở đi, nay có chân giả nên việc đi lại có thể chủ động, nhất là tự tin hơn khi qua lại, giao lưu với bà con hàng xóm”, chị H. tâm sự.
Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT thành phố Đà Nẵng cho biết, khoảng 5 năm nay, Hội NKT thành phố phối hợp cùng Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế lắp dụng cụ hỗ trợ như chân, tay giả, giày tất chỉnh hình, nẹp cho hàng trăm NKT trên địa bàn. “Hiện vẫn còn khá nhiều NKT có nhu cầu lắp ghép các công cụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi hy vọng những chính sách nhân văn dành cho NKT của thành phố sẽ được các cấp, ngành triển khai nghiêm túc để NKT sớm ổn định cuộc sống”, ông Nghiêm mong mỏi.
Triển khai nhiều chính sách nhân văn
Theo kế hoạch trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu 100% gia đình có NKT thuộc hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà cấp 4 xuống cấp, hư hỏng nặng được hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở; 1.500 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, sinh kế phù hợp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NKT; 100% NKT có nhu cầu được vay vốn với lãi suất theo quy định; 90% tỷ lệ trẻ em khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục hòa nhập hoặc chuyên biệt…
Đặc biệt, thành phố sẽ hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, thông tin báo cáo; nâng cao năng lực các tổ chức hội NKT; tăng cường trợ giúp NKT tiếp cận các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí như đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện trợ giúp để NKT tham gia các hoạt động, tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ cho NKT, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia các điểm vui chơi, giải trí và du lịch, thư viện thành phố bảo đảm không gian đọc, tiện ích chuyên dụng phục vụ NKT có nhu cầu.
Về trợ giúp y tế, đến năm 2030 sẽ có 100% tỷ lệ trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 900 trẻ em, NKT được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp; rà soát, thành lập phòng, tổ công tác xã hội tại Trung tâm Y tế quận, huyện và các bệnh viện để tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề cho các đối tượng yếu thế, trong đó có NKT.
Để giúp NKT dễ dàng di chuyển, thành phố đặt ra mục tiêu 100% tỷ lệ công trình xây mới là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, nhà ga, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với NKT và 50% tỷ lệ công trình cũ cải tạo lại bảo đảm lối lên - xuống cho NKT; 100% NKT tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định...
Ông Trương Công Nghiêm khẳng định Đà Nẵng là một trong số ít thành phố quyết liệt thực hiện các chính sách nhân văn dành cho NKT. Trong đó, điển hình phải kể đến việc thiết kế lối đi riêng dành cho NKT tại khu vực công cộng hay khu vực tiếp dân của cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Theo ông Nghiêm, những năm qua, Hội Khuyết tật đã tham mưu UBND thành phố đầu tư xây dựng hơn 300 lối lên - xuống tại 35 tuyến đường các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và tại khu vực tổ 1 cửa các cơ quan, đơn vị nhằm giúp NKT dễ dàng di chuyển, làm thủ tục, giấy tờ khi cần thiết.
Ở góc độ cá nhân, ông Nghiêm cho biết, đôi chân khiếm khuyết khiến việc di chuyển của ông dựa hoàn toàn vào xe lăn. “Tôi đánh giá việc tạo lối lên - xuống cho NKT là một trong những chính sách nhân văn nhất mà thành phố Đà Nẵng dành tặng cho chúng tôi. Có lối lên - xuống, chúng tôi có thể tự tin ra khỏi nhà, hòa nhập cộng đồng hay di chuyển đến những địa điểm cần thiết. Tuy nhiên, hiện cũng có khá nhiều lối lên - xuống độ dốc cao, gây khó khăn và nguy hiểm cho NKT khi di chuyển”, ông Nghiêm chia sẻ.
Gắn bó với công tác chăm lo đời sống NKT nhiều năm qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Đà Nẵng mong muốn thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi các chính sách, pháp luật về NKT, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực, phân công, phân nhiệm rõ ràng nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; đồng thời, thực hiện đúng kế hoạch 2 năm 1 lần kiểm tra, đánh giá tình hình thực thi các chính sách, pháp luật dành cho NKT tại các địa phương, đơn vị. Theo ông Long, hiện nay NKT thiếu thốn nhiều thứ nhưng điều cần nhất vẫn là có công ăn việc làm để tự nuôi sống bản thân, và những nghề ấy phải thật đơn giản, phù hợp với các dạng khuyết tật khác nhau.
"Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có hàng ngàn người khuyết tật thể nhẹ mong muốn được cấp thẻ bảo hiểm y tế nhằm giảm bớt gánh nặng khám chữa bệnh, cũng như được tiếp cận các gói ưu đãi từ chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật mà thành phố đang triển khai”
Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng
|
TIỂU YẾN