Đà Nẵng cuối tuần
Thấy gì "Bên cửa sổ"?
Khi những cơn gió mải miết đuổi mùa, những tia nắng lên màu trên những tán cây, tôi chọn cho mình một góc tĩnh lặng nhìn ra xanh trong để đọc, để cảm và suy tư về tập thơ Bên cửa sổ (NXB Hội Nhà văn) vừa phát hành vào đầu xuân 2022 - tập thơ thứ tư của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm trên hành trình sáng tạo.
Bên cửa sổ được chăm chút khá kỹ, bìa cán cứng với lớp áo sang trọng, bên trong điểm xuyết các phụ bản tranh vẽ đặc sắc của các họa sĩ tên tuổi. Nhưng đừng lầm tưởng những điều này làm nên “sức nặng” cho tập thơ. Nguyễn Nho Khiêm không cần những “phấn son” đó, mà chính ngay con chữ, chỉ có con chữ mới đủ quyền năng cấp “căn cước” cho nhà thơ và chính nó đã xếp chỗ cho anh trên thi đàn.
Với Bên cửa sổ, tác giả thổi vào thi tập chất giọng truyền thống nhưng không cũ kỹ, vẫn rất gợi, rất cuốn hút người trẻ bởi chấm phá nhiều mảng màu các thể thơ đương đại và luôn ẩn chứa sự độc đáo mang “hơi thở” Nguyễn Nho Khiêm. Trong đó, anh để lại dấu ấn rõ nét với thể lục bát để gửi gắm những chiêm nghiệm sau hành trình “thiên lý” gắn bó máu thịt với thơ: Lòng tôi tĩnh, lắng, vọng, vang/ Mặt hồ soi thấu không gian thiên hà (Cảm xúc ở hồ Xanh); Vội qua ngoái lại tỏ lời/ Rằng em cổ tích trong tôi từ rày… (Thăm làng cổ Đường Lâm).
Lục bát là một thể thơ khó, gần như người Việt nào cũng biết và thuộc ít nhất dăm câu Kiều vì nó gần gũi như lời ru của bà và của mẹ, như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Bởi thế, để viết lục bát hay là rất khó. Nguyễn Nho Khiêm chắc chắn biết rõ điều này nhưng anh vẫn chọn dấn thân, chứng tỏ anh là người nghiêm túc trong sáng tác.
Thơ Nguyễn Nho Khiêm thường đi từ ngoại cảnh, lấy ngoại cảnh làm nền để nhịp nhàng chuyển ý thắm đượm nhân sinh. Cái tài tình của anh là chủ ý sắp đặt, chỉ để một vài câu thơ nào đó trong bài sáng bừng lên, ý thơ thẳm sâu: Chiều qua tắm biển trong mây/ Hỏi ngàn năm trước vẫn bay miết trời?/ Rằng bay là cuộc rong chơi/ Khi tan thành nước là đời tái sinh (Bài thơ cuối năm).
Hẳn là từ những khung cửa sổ, thi sĩ mở ra những địa danh làm nên hồn cốt của “thành phố đầu biển cuối sông”. Giọng thơ thủ thỉ như chính Nguyễn Nho Khiêm đang say sưa kể chuyện pha lẫn chút tự hào về những địa danh nơi anh ghé chân.
Và việc tức cảnh sinh tình, cái tình rút ruột dành cho thơ của anh luôn hồn nhiên mà dung dị, gần gũi: Năm ngọn núi bên bờ biển xanh/ Kim mộc thủy hỏa thổ/ Những bậc đá ngàn năm hồn phố (Thăm Ngũ Hành Sơn); núi Sơn Trà gió mặn/ dáng phố, dáng rừng bóng nước lồng nhau […] Những ngày nhớ em tôi về nằm với Sơn Trà/ nghe mùa đi qua trong tiếng chim xuyên kẽ lá/ tiếng chim quen, tiếng chim lạ/ một bầu trời chung (Ngồi cùng bầy chim trên bán đảo Sơn Trà).
Hầu như bài thơ nào của Nguyễn Nho Khiêm cũng có một vài câu đúc kết rất đắt, không phải là triết lý cao siêu thường thấy trong những “bài giảng” mà chính là sự từng trải thấm đẫm vị đời, thăng trầm sương gió cuộc người, mà nên. Do vậy, thông điệp gửi gắm trong thơ anh khiến người đọc giật mình tự nhủ: À, thì ra là thế, lâu nay nó vẫn ở quanh đây mà ta chưa khai ngộ được: Với Hà Nội là hương là ánh mắt/ Mỗi nhớ thương là một mối tình đầu (Nhớ Hà Nội); Ta với trời xanh chừng nhập lại/ một khối nguyên sinh vũ trụ này (Mù Cang Chải); ước gì tôi trồng được sen/ trong vũng lầy nhân thế (Sen).
Nếu bạn đọc hữu duyên cầm trên tay thi tập Bên cửa sổ, hãy để những câu thơ của thi sĩ đánh động trái tim mình, và độ chạm, độ rung, độ vang của con chữ là câu trả lời chính xác nhất về giá trị của tập thơ.
Thơ có thể khắc họa dung mạo thi nhân, tôi phần nào tin thế. Vì vậy, khi đọc Bên cửa sổ, tôi hình dung Nguyễn Nho Khiêm hiền lành, dung dị. Rồi đến lúc trò chuyện cùng anh, tôi càng vỡ lẽ, mặc dù sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng ngót nghét 30 năm nhưng trong anh vẫn phảng phất nét mộc mạc của tuổi thơ đồng quê xứ Quảng. Cả trong thơ lẫn ngoài đời, anh luôn đề cao các giá trị truyền thống về gia đình, xã hội, sự thủy chung…
LÊ HẢI KỲ