Đà Nẵng cuối tuần

Xu hướng "thải độc kỹ thuật số" phổ biến ở Nhật Bản

14:15, 12/03/2022 (GMT+7)

Thải độc kỹ thuật số (digital detox) là giải pháp thải độc cho cơ thể bằng việc ngừng sử dụng các thiết bị công nghệ trong một khoảng thời gian nhất định. Xu hướng đang ngày càng phổ biến ở Nhật Bản.

Một hội thảo về “thải độc kỹ thuật số” diễn ra ở tỉnh Kagawa (Nhật Bản) tháng 1-2022. Ảnh: Kyodo
Một hội thảo về “thải độc kỹ thuật số” diễn ra ở tỉnh Kagawa (Nhật Bản) tháng 1-2022. Ảnh: Kyodo

Trong thời đại mà thiết bị kỹ thuật số trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, ngày càng nhiều người tìm đến giải pháp “thải độc kỹ thuật số”. Theo đó, họ có thể ngừng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh (smartphone), tivi, máy tính, máy tính bảng, để tìm sự bình yên trong tâm trí, tập trung các tương tác thực và tận hưởng cuộc sống thực tế, thay vì có mặt thường xuyên trên mạng xã hội và không rời smartphone.

Con người kiểm soát các thiết bị

Chị Sachiko Sato (nhân viên văn phòng, 46 tuổi, sống tại Tokyo) cho biết, chị rất lo lắng về cậu con trai đang học bậc THPT lúc nào cũng dán mắt vào những thiết bị như điện thoại, máy tính vì phải học trực tuyến. Song, khi quan sát xem con trai dành bao nhiêu thời gian cho các thiết bị, chị Sato nhận ra chính mình cũng phụ thuộc smartphone như thế nào.

Sato kể, lúc đó, chị quyết định dùng giải pháp “thải độc kỹ thuật số”. Chị thực hành “thải độc” bằng cách cất điện thoại vào tủ và chạy bộ. Ban đầu, Sato luôn cảm thấy lo lắng. Trong một tiếng đồng hồ, chị nghĩ ra bao tình huống như có các cuộc gọi nhỡ hoặc nếu bị trật chân thì không có điện thoại để thông báo nhờ người trợ giúp. Tuy nhiên, khi quyết tâm “cai nghiện”, Sato cảm thấy thực sự thoải mái. Dần dần chị không mang điện thoại lên giường khi đi ngủ hoặc không vừa ăn vừa lướt điện thoại. “Tôi đang “thải độc” dần”, Sato nói.

Theo một nghiên cứu của Công ty Cross Marketing với sự tham gia của 1.000 người Nhật Bản, gần 50% nói rằng họ biết rõ mình phụ thuộc smartphone quá nhiều. Các chuyên gia giải thích, việc cắt giảm tần suất sử dụng các thiết bị kỹ thuật số giúp mọi người có cuộc sống lành mạnh hơn, với các lợi ích từ ngủ ngon giấc hơn đến tăng khả năng tập trung. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, vấn đề là không để các thiết bị kiểm soát con người mà là bản thân con người kiểm soát các thiết bị.

Dành thời gian để nghỉ ngơi

Ông Kazuya Mori (người lao động tự do, 58 tuổi, sống tại Tokyo) kể rằng, ông bắt đầu tự hỏi về cuộc sống của mình khi cả ngày ngồi trước màn hình vi tính để làm việc và lướt smartphone trong giờ nghỉ. “Như thể điện thoại và máy tính lúc nào cũng bật”, ông Mori chia sẻ. Song, khi đi bộ và không mang theo điện thoại, ông Mori nhận ra sự giao mùa của đất trời. Lúc đó, ông mới cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống xung quanh và hiểu rằng điện thoại chỉ là một phương tiện.

Yuto Itoyama (27 tuổi, ở tỉnh Yamaguchi, phía tây Nhật Bản) viết những chữ lớn màu đỏ trên chồng hồ sơ của mình: “Tôi tắt điện thoại sau 21 giờ”. Yuto đã “cai nghiện kỹ thuật số” từ 4 năm trước cho hay, anh ít vào mạng xã hội Instagram xem ảnh của bạn bè nên anh có những cuộc trò chuyện sinh động hơn khi trực tiếp hỏi thăm họ.

Shodai Morishita (29 tuổi), Giám đốc tổ chức Digital Detox Japan có trụ sở ở Tokyo, chuyên tổ chức các cuộc hội thảo mời mọi người tham gia “cai nghiện kỹ thuật số” và chia sẻ kinh nghiệm, cho rằng xu hướng này về bản chất không phủ nhận vai trò của thiết bị kỹ thuật số. “Chúng tôi muốn phương thức này trở thành chất xúc tác để mọi người nghĩ lại về sự phụ thuộc vào các thiết bị điện tử. Điều quan trọng nhất vẫn là cần dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn”, anh Shodai nói.

Hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội đặt ra thách thức rằng, “một xã hội không liên hệ” làm tăng nguy cơ sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số, dẫn đến các vấn đề về tâm thần như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng… Vì vậy, “giải độc kỹ thuật số” được cho là biện pháp cần thiết để rời các thiết bị điện tử và tập trung vào cuộc sống “ngoại tuyến”.

Tháng 2-2022, tờ Daily Mail (Anh) dẫn nghiên cứu được tiến hành ở 24 quốc gia và công bố trên tạp chí Computers in Human Behavior cho biết, Trung Quốc, Saudi Arabia và Malaysia có tỷ lệ “nghiện” smartphone cao nhất. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Brazil và Hàn Quốc. Trong khi đó, Đức và Pháp có tỷ lệ “nghiện” smartphone thấp nhất thế giới.

KHÁNH LINH (theo Japan Times, Kyodo, Daily Mail)

.