Đà Nẵng cuối tuần
Để mang thai khỏe mạnh
Thiên chức làm mẹ vừa mang đến cho người phụ nữ cơ hội được cảm nhận một hài nhi nhỏ bé dần hình thành, lớn lên, vừa nếm trải những vất vả, đau đớn lúc chuyển dạ và hạnh phúc khi nghe con cất tiếng khóc chào đời.
Bác sĩ CK1 Trần Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tư vấn các loại vắc-xin cần tiêm cho phụ nữ chuẩn bị mang thai. Ảnh: THANH TÌNH |
Hành trang “9 tháng 10 ngày”
Làm mẹ là thiên chức cao quý của phụ nữ song hành trình ấy cũng áp lực, gian nan. Do đó, để em bé ra đời, phát triển một cách tốt nhất, nhiều cặp vợ chồng đã lên kế hoạch chu đáo ngay từ thời điểm có ý định sinh con. Vợ chồng chị Đặng Thu Thảo (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) lên kế hoạch sinh con sau 1 năm kết hôn. Chị Thảo chia sẻ: “Cuộc sống hiện đại, mỗi cặp vợ chồng chỉ chọn sinh 1-2 con, vì vậy mình cứ chuẩn bị chu đáo mọi việc với mong muốn đón con chào đời khỏe mạnh, phát triển bình thường; nếu trong quá trình mang thai, sinh nở có gì bất trắc thì cũng không ân hận vì đã làm hết sức”.
Với suy nghĩ đó, vợ chồng chị Thảo lần lượt thực hiện các phần việc đã đặt ra như kiểm tra sức khỏe, khám phụ khoa trước khi mang thai. Lúc rãnh rỗi chị lên mạng tìm hiểu các thông tin về quá trình mang thai, sinh con để tích lũy kiến thức. Ngoài ra, chị Thảo chích ngừa các loại vắc-xin cần thiết cho phụ nữ trước mang thai; tìm hiểu kỹ về dinh dưỡng, thức ăn, vitamin cho bà bầu. Không những thế, chị Thảo còn mua các tài liệu về đọc để theo dõi sự phát triển của con theo từng giai đoạn, các dấu hiệu chuyển dạ, lợi ích của sữa mẹ...
Nhờ vậy, sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, chị Thảo đã sinh được một em bé kháu khỉnh, nặng 3,5kg. “Tôi may mắn vì trong hành trình mang thai có sự quan tâm, động viên của chồng và người thân. Khi biết vợ lên kế hoạch mang thai, chồng tôi rất đồng tình và cùng đi khám sức khỏe, đưa vợ đi khám thai, thậm chí dành thời gian tham gia các lớp học tiền sản để nghe bác sĩ tư vấn về những thay đổi tâm lý phụ nữ mang thai, cách chăm sóc trẻ sơ sinh… Nhờ đó, tôi đã trải qua một thai kỳ hạnh phúc", chị Thảo bộc bạch.
Không được suôn sẻ như chị Thảo vì 4 tháng đầu mang thai chị Nguyễn Như Ý (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) phải “vật lộn” với những cơn ốm nghén, ăn vào nôn ra. Đã thế, chị Ý còn đau lưng nghiêm trọng, sức khỏe giảm sút, song nhờ những nỗ lực của bản thân, chị đã “vượt cạn” thành công với em bé ra đời nặng 3,2kg.
Chị Ý kể: “Những ngày mang thai là chuỗi ngày tôi và con cùng cố gắng. Có những lúc tôi đau lưng muốn ngã khụy, đôi bàn tay, đôi chân tê bì không nhấc lên nổi nhưng vì muốn có một thai kỳ ổn định, muốn sinh con khỏe mạnh, tôi tham gia các lớp yoga dành cho bà bầu để cải thiện tình trạng trên".
Chuẩn bị tốt nhất có thể
Mang thai, sinh con là một hành trình gian nan, vất vả. Trong suốt 9 tháng 10 ngày đó, cơ thể người mẹ phải chịu nhiều thay đổi, thậm chí có người còn gặp sự cố nguy hiểm đến tính mạng. Ths.Bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Quỳnh, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, sức khỏe và thể trạng của người mẹ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, bởi vậy, trước khi có kế hoạch mang thai, mỗi cặp vợ chồng cần xem xét và chuẩn bị kỹ lưỡng các vấn đề liên quan.
Theo bác sĩ Quỳnh, để mang thai khỏe mạnh, trước khi có con các cặp vợ chồng nên đến bệnh viện kiểm tra tiền sử bệnh lý, khám phụ khoa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và làm các xét nghiệm cơ bản cũng như tư vấn về lối sống, các chế độ ăn uống phù hợp, luyện tập thể dục đều đặn để có sức khỏe sinh sản tốt nhất.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo các thai phụ nên khám thai định kỳ, ít nhất 3 lần trong suốt quá trình mang thai. Đặc biệt không bỏ qua các cột mốc khám thai quan trọng như giai đoạn 11- 13 tuần (đo độ mờ da gáy, làm xét nghiệm Double test đánh giá nguy cơ Down và một số bệnh do bất thường nhiễm sắc thể); giai đoạn 20-24 tuần (siêu âm khảo sát hình thái giải phẫu của thai nhi, có thể phát hiện được các khiếm khuyết lớn ở não, cột sống, mặt, tim, bụng và các chi); giai đoạn 24-28 tuần (tầm soát đái tháo đường thai kỳ); giai đoạn thai 30-32 tuần (khảo sát sự phát triển của thai, ngôi, bánh nhau, nước ối...).
Ngoài ra, khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động kém hơn bình thường khiến bà bầu có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Theo các bác sĩ sản khoa, trong các bệnh bà bầu mắc phải có một số bệnh chỉ gây ra những triệu chứng bệnh lý thông thường, song không ít bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc trong khi sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí đe dọa sảy thai, sinh non hoặc trẻ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ CK1 Huỳnh Minh Nhật, khoa Phụ Nội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khuyến cáo nếu gặp những biểu hiện bất thường, bà bầu nên đến bệnh viện để được tư vấn, điều trị kịp thời. Cùng với đó, người mẹ cần tập thói quen sống lành mạnh, giữ tinh thần vui vẻ, chuẩn bị các điều kiện kinh tế để chào đón con yêu chào đời.
Ngoài những chuẩn bị về mặt tâm lý, sinh lý, các bác sĩ cũng khuyến cáo, trước khi có ý định mang thai, người mẹ cần tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ mẹ bầu khỏi những nguy hiểm không đáng có. Bác sĩ CK1 Trần Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, ngày càng có nhiều phụ nữ trước khi mang thai chủ động tìm đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn, tiêm ngừa. “Nếu không tiêm ngừa vắc-xin, trong quá trình mang thai (nhất là 3 tháng đầu thai kỳ) người mẹ mắc bệnh có thể lây nhiễm sang con, thậm chí gây ra sự cố, để lại các dị tật. Việc tiêm phòng trước khi mang thai hiện được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo. Theo đó, 4 loại vắc-xin cần thiết nhất mà người chuẩn bị mang thai cần tiêm là quai bị - sởi - rubella, thủy đậu, viêm gan B và cúm, ngoài ra, hiện nay có thêm vắc-xin phòng Covid-19”, bác sĩ Ngọc cho hay.
THANH TÌNH