Ngõ quê

.

Dài thật dài. Nhỏ thật nhỏ. Ngõ quê hiện ra trong chiều sương tháng mười thương nhớ bằng những nét vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Tôi vẫn bắt gặp hàng xoan già bố trồng đang mùa rụng lá. Tôi vẫn bắt gặp chút bụi bặm bám đầy trên mấy tàu lá chuối rủ bóng ven đường. Một chiều lang thang ngõ nhỏ thấy bóng hình xưa, lòng nao nao khó tả…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong những tháng năm trôi dạt với đời, tôi đã băng qua hàng trăm con ngõ như vậy. Mỗi nơi, mỗi kiểu, những dải đường bê-tông ngoằn ngoèo, quanh co vắt tít từ trên đồi cao vòng qua vườn chè rồi nối xuống cổng đơn vị. Hay thất thần đứng trông một góc trà đá, bàn cờ đầu những ngõ nhỏ hẹp dài, sâu hun hút nơi thị thành đông đúc. Nhưng chẳng chỗ nào làm khuây khỏa hết mong nhớ nẻo quê nhà. Như cái dằm mắc ở trong tim, cố mãi cũng không dứt ra được, cứ nhức nhối triền miên, đau dai dẳng sớm chiều.

Mà con người nhiều khi hay thật đó. Sống dưới nhà cao, cửa rộng. Nằm trong chăn ấm, đệm êm. Tôi lại thèm cái hồi chuồn chuồn bay lượn lờ khắp ngõ. Cổng vào vẫn là con đường đất dấp dính sình lầy lúc trời mưa. Hai bên đường, ông nội trồng hàng rào chè mạn, rồi cả dâm bụt mướt xanh đỏ au chùm hoa nở. Tre mọc thành bụi. Lau sậy um tùm. Chiều chiều, nắng đổ vàng trong ngõ, một lũ nhóc chạy long nhong nô đùa ầm ĩ. Đám trai rủ nhau chơi bắn bi, đào lò kẻ dây lấm lem đất bẩn, đen hết chân tay xong chạy sang dở đò chít lên quần áo mấy đứa con gái đang bày đồ hàng dọa tụi nó khóc thét. Rồi kiểu gì chẳng kết thúc bằng những trận đòn nảy lửa, rượt đuổi vòng quanh. Thế mà nào đâu có chừa, trưa chang chang nắng lại trốn nhà đi chơi.

Đầu trần. Chân đất. Tôi bước khẽ khàng ra khỏi sân, òa vào ngõ trong niềm hồ hởi sổ lồng. Từ nhà này sang nhà khác, những ngõ dài xanh mướt cây cối không hiểu sao lại thành địa bàn tụ tập của tụi trẻ. Mùa hè lẫn mùa đông, khi chơi cướp quân đóng trại giữa hai đầu con ngõ, khi nhặt củi xoan đốt làm pháo đất nung, khi tập xe đạp ngã chổng queo giữ bụi cây…

Dường như không lúc nào ngõ được yên tĩnh. Suốt một thời trẻ dại nghịch ngợm của chúng tôi, ngõ lặng im chịu trận. Bảo sao bây giờ tôi chả thèm quay quắt một khoảnh khắc thả mình trong hình dung ngày cũ, hòa về với kỷ niệm xưa yêu dấu, về với ngõ của năm tháng thiếu thời xa vắng. Những đêm mất ngủ tôi lại nằm trên giường thao thức, mắt nhìn vào khoảng không tối đen thấy miên man vô định. Chẳng biết đời tôi sẽ trôi đi đâu? Làm xa nhà, đôi lúc thèm thì cứ thèm, mà thèm xong thì nhịn.

Ba trăm cây số. Một quãng đường đủ dài để khiến người ta e ngại đi lại đường sá xa xôi hay thèm quay quắt nhưng chỉ đau đáu nhịn trong lòng một chút. Và rồi những buồn phiền mệt mỏi sau chuỗi ngày ngóng quê thấp thỏm. Nỗi đau thắt thẻo. Nỗi nhớ miên man. Cái cơn thèm cồn cào da diết. Tất cả chúng tích lũy từng ngày để trong một giây phút tôi thất thần trước ngõ quê bây giờ thì ùa về nghe thổn thức thương nhớ.

Ờ thì! Ngõ xưa mộc mạc, dung dị. Có đường đất sình lầy. Có hàng rào xanh mướt. Rặng tre già cong cong vắt vẻo chẻ đôi giữa hai nhà hàng xóm. Người đứng bên này ngó sang bên kia thấy gần ơi là gần. Chui qua rào là tới. Chẳng vòng vèo tìm cổng. Tụi trẻ chạy chơi lăng xăng khắp ngõ. Chiều tàn, nắng nhuộm loang tím hết tầng mây tôi dong trâu về chuồng.

Giờ đây nhìn lại đi đâu mất rồi...?

Một dải bê-tông uốn lượn nối từ đường vào nhà. Những bức tường cao vẽ nhằng, vẽ nhịt với bao hình thù sặc sỡ. Trời mưa không thấy lầy. Bữa gặp nắng chẳng va phải gió bụi. Nhà cao vút, sơn xanh vàng rực rỡ. Xe lượn đầy đường. Tiếng rồ ga inh ỏi tới đêm vẫn chưa tắt hẳn. Ngõ lặng im nay cũng ồn ã. Như cô gái quê mùa học đòi trang điểm. Bỏ những duyên trời cha sinh mẹ đẻ. Bỏ những nét ngài tạo hóa ban cho. Cô gái sành điệu diện thời trang bắt mắt. Ngõ bê-tông sạch sẽ hơn xưa.  

Mẹ nói quê mình nay giàu đẹp lắm! Nhưng trong hồn của cái đứa ôm nỗi đau xa quê thì sao dưng lạ quá. Nhà vẫn là nhà. Ngõ vẫn dài rộng thế. Nhìn cứ lạ lạ. Nhìn cứ xa xa. Ôi những hình dung cũ, giờ đây nhìn lại đi đâu mất rồi?

Riêng tôi đứng thất thần trước ngõ, ôm câu hỏi, gió thổi buồn vu vơ…

LÊ NGỌC

;
;
.
.
.
.
.