Đà Nẵng cuối tuần
Thương hoài tiếng ru của ngoại
Ai không lớn lên từ những lời ru êm đềm bên cánh võng? Lời ru nuôi lớn tâm hồn mỗi con người. Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết: “bà ru mẹ… mẹ ru con”. Riêng tôi, tôi lớn lên từ lời ru của ngoại, bên lũy tre làng xõa tóc soi mình xuống dòng sông quê êm đềm đang tìm về phía biển.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Giữa trưa hè, dưới những tán cây xanh lá rười rượi mát, bà mắc chiếc võng lưới cho tôi nằm. Bà ngồi một bên. Một tay đưa nhịp võng đều, một tay phe phẩy chiếc quạt nan. Tiếng ru theo từng đợt gió phả vào lòng tôi mát rượi. Lơ mơ, tôi thấy dáng bà gầy so và mái tóc hoa cau phất phơ theo làn gió. Nửa tỉnh, nửa mê, tôi bước giữa đôi bờ hư thực. Bà tôi, hay một bà tiên trong giấc mơ, tôi không thể nào khẳng định. Dáng bà khuất sau giấc mơ trưa êm đềm.
Cứ thế, mỗi buổi trưa tôi đều được tắm mình trong tiếng ru của bà. Ở đó, có tiếng ve dắng dỏi thi nhau cao giọng. Vài tiếng chim chuyền cành làm xao động vòm cây xanh lá. Lời ru cùng tiếng chim, tiếng ve tạo thành một dàn hợp xướng có một không hai. Nhưng tiếng ru của bà không lẫn với tiếng ve, tiếng chim. Những thanh âm ồn ã ấy chỉ làm nền cho lời ru êm ả của bà. Những lời hát ngọt như hương mía, êm như suối nguồn: “Ầu ơ…Đa Đa đậu nhánh đa đa…a…a/(chớ) Chồng gần không lấy em lấy chồng xa/Một mai cha yếu mẹ già/Chén cơm, đôi đũa…ơ… hờ… bộ kỷ trà ai…dâng… âng… ng”. Rồi cứ tiếp nối, những tiếng ru hời gối đầu lên nhau. Còn tôi thì gối đầu lên lời ru. Hai mắt lim dim, tôi thấy trong lời ru cũng in hằn những vết chân chim, của bà, của mẹ.
Thấm thoắt thoi đưa, chớp mắt tôi đã rời xa lời ru từ thuở nào, chẳng nhớ. Lâu lắm rồi. Guồng quay của điện thoại, máy tính, ti-vi đã cuốn tôi theo. Tôi quên mất những tiếng ru êm đềm bên cánh võng. Những lời ru chở đầy triết lý nhân sinh sâu sắc. Mà bây giờ ngẫm lại, tôi mới thấy nhà thơ Nguyễn Duy nói đúng: “ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Tôi đã quên lời ru, và cũng không buồn để tâm đến những giá trị của nó. Mãi cho đến hôm nay, khi vô tình hạnh ngộ cố nhân. Tôi sung sướng, nhưng rất đỗi ngậm ngùi. Nghe bà cụ hàng xóm ru cháu, tôi bỗng thương những ngón tay gầy guộc của ngoại. Nhớ về những cơn mơ thời nhỏ dại mà những tiếng “ầu ơ…” đã thắp lên. Những ký ức về bà bỗng chốc hiện về. Tôi lật từng trang, từng trang một… Nhưng tiếc thay, ký ức của một đứa trẻ thơ không thể vẽ rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt bà nó. Tôi chỉ biết thở dài tiếc nuối. Bởi bây giờ, bà đã cưỡi hạc về nơi xa. Tôi đứng trông ra mảnh vườn xưa. Bóng cây vẫn dang tay ôm tôi trọn vào lòng. Giữa mùa lửa hạ, ve còn gọi hè nức nở. Con chim nào chuyền xao động tàn cây. Trong lòng tôi bỗng rưng rức. Khi lục lại những mảng màu ký ức, tôi ước mình như đứa trẻ nhà bên.
Cơn gió ban trưa nhắc nhớ tôi về chiếc quạt nan. Mà sao lòng nghe như đốt lửa. Tôi trông ra bốn bề vườn xưa sao trống trải. Hàng cây như cũng nhớ tiếng bà. Hè thường gợi nhiều hoài niệm. Với tôi, khi cơn gió nam đốt thiêu da thịt, tôi lại bùi ngùi nhớ thương những lời ru dịu ngọt. Nhà bên vẫn khắc khoải tiếng ru giữa trưa hè rát bỏng: “Ầu… ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh…”. Tôi bỗng thấy lòng hoang hoải, bời bời nhớ thuở ấu thơ. Chiếc cầu tre nối liền hai xóm nghèo, nối trẻ thơ với cơn mơ đằm dịu. Nhưng có bao giờ chiếc cầu tre ấy nối tôi về lại với ngày xưa…
NGUYỄN NHẬT THANH