Học Bác từ những việc nhỏ

.

Họ là những con người khác nhau, làm công việc khác nhau nhưng đều nỗ lực đóng góp thầm lặng vì cộng đồng. Những tấm gương bình dị ấy là nhân tố góp phần đưa Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống.

Anh Lê Đức Tuấn chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: P. MINH
Anh Lê Đức Tuấn chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: P. MINH

1. Cách đây hơn 50 năm, khi mới gần 2 tuổi, anh Lê Đức Tuấn (thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã mồ côi cha. Cha anh - liệt sĩ Lê Thiện Đợi, người làng Bồ Bản, cán bộ Kinh tài, hy sinh trong một lần đi công tác. Ký ức về người cha trong anh Tuấn chỉ qua những lời kể của mẹ. Dẫu vậy, sự can trường, tính quyết đoán, lòng yêu nước từ cha vẫn luôn chảy trong huyết mạch của anh. Ngày ấy, sự vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần khiến cậu bé Tuấn càng thấm thía giá trị của cuộc sống, biết trân trọng những gì mình đang có.

Năm 1988, Lê Đức Tuấn được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện đi hợp tác lao động. Hết hạn lao động, anh trở về và bắt tay tạo dựng cơ nghiệp trên mảnh đất quê nhà. Từ nghề lái xe đến xây dựng, việc gì anh cũng làm. Thấy anh tận tâm, có trách nhiệm với công việc, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều. Dẫu vậy, trong anh vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ người cha đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong. Dù cuộc sống chưa dư dả, căn nhà đang ở khá giản đơn nhưng anh vẫn dồn hết số tiền tiết kiệm được, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hòa Phong sửa chữa, làm mới một số hạng mục công trình nghĩa trang và đúc Đại hồng chuông với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Hình ảnh người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi cũ sờn, chậm rãi từng bước đến các phần mộ Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong, khi thì vuốt nhẹ tấm bia đá, lúc lại dựng chiếc bình hoa bị gió làm ngã đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Sáng sáng, anh tranh thủ đi sớm, nhổ những cây cỏ dại xung quanh để làm đẹp cho các ngôi mộ của cha và đồng đội. Không những thế, anh còn đóng góp cùng chính quyền địa phương chỉnh trang Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phú, Hòa Nhơn… với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Năm 2021, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Lê Đức Tuấn tự nguyện đăng ký tham gia trực chốt kiểm soát dịch, có mặt 24/24 giờ để cùng các thành viên hướng dẫn người dân đi lại, khai báo y tế, kiểm soát người từ nơi khác ra vào địa phương. Trong 20 ngày cả thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng, nhận thấy vùng rau quả của bà con thôn Bồ Bản có nguy cơ mất trắng vì không thể tiêu thụ được trong khi nhiều khu dân cư lại rơi vào cảnh thiếu rau xanh, anh Tuấn tự bỏ tiền túi thu mua rau rồi cùng các thành viên trong tổ Covid-19 cộng đồng đẩy xe đến từng nhà phân phát miễn phí cho bà con. Với anh Tuấn, niềm vui mỗi ngày là làm được việc gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng.

“Thời gian qua, anh Lê Đức Tuấn đã tham gia nhiệt tình trong công tác xã hội, ủng hộ nguồn kinh phí không nhỏ để tôn tạo các nghĩa trang, hỗ trợ người nghèo. Hành động của anh rất đáng quý và không phải ai cũng làm được, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đáng để mọi người học tập”, ông Tán Văn Đặng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết.

2. Hơn 4 năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Phan Thị Minh Nguyệt, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước đều đến động viên, giúp đỡ gia đình bà Võ Thị Trưng (65 tuổi) ở cùng thôn. Bà Trưng và chồng bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm nay. Đứa con trai - trụ cột duy nhất của ông bà là anh Nguyễn Văn Hiếu (30 tuổi) - cũng bị bệnh phổi phải nằm viện điều trị nhiều tháng liền.

Nhìn cách chị Nguyệt chăm sóc ông bà, nhiều người lầm tưởng chị là con gái ruột. Từ chuyện quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, thậm chí tắm rửa cho bà đều do chị đảm nhận. Có món gì ngon chị cũng mang đến cho ông bà. Dù vất vả, bận rộn, chị vẫn luôn tươi cười và ân cần: “Bà có đau lắm không?”, “Ông ăn món này nhé”…

Chị Nguyệt còn tìm thêm việc nhẹ nhàng để anh Hiếu làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi cha mẹ già. Hằng ngày, anh Hiếu đi cắt cây ngũ sắc rồi mang về nhà chặt nhỏ, phơi khô, sau đó chị đến nhà thu gom rồi mang đi bán hộ anh. Gia đình bà Trưng được Chi hội Phụ nữ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước hỗ trợ 300.000 đồng và 30kg gạo hằng tháng.

Để có kinh phí giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bất hạnh trong thôn, chị Nguyệt vận động hội viên đến tận nhà người dân thu gom chai lọ, bao bì rồi phân loại mang đi bán; đồng thời tận dụng máy cày trong nhà kêu gọi hội viên góp công canh tác những thửa đất bỏ hoang để trồng xen canh các loại cây rau màu. Những thửa đất trồng ngô xanh tốt được các chị chăm sóc dự kiến thu về hàng chục triệu đồng và nguồn kinh phí này sẽ được dùng để giúp đỡ người nghèo.

Ông Hà Mận, Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước cho biết: “Chị Nguyệt có tấm lòng nhân hậu. Chị là Chi hội trưởng Phụ nữ nhiệt tình với công tác hội, đã giúp nhiều trường hợp chị em phụ nữ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hành động của chị dù nhỏ nhưng thể hiện tình thương yêu giữa người với người như lời Bác Hồ dạy”.

Chị Nguyệt, anh Tuấn cũng như rất nhiều cá nhân khác đang lặng thầm cống hiến cho cộng đồng bằng những việc làm của mình, thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần đưa việc học theo Bác trở thành việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với họ, yêu thương cho đi mà không mong nhận lại để cuộc sống không chỉ được đo bằng thời gian, năm tháng mà còn bằng độ sâu thẳm của tấm lòng.

P. MINH
;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích