Sang Đức từ năm 12 tuổi, chị Hạnh Nguyễn-Schwanke cảm thấy mình may mắn khi có quãng thời gian tuổi thơ được sống ở Việt Nam. Nhờ những ngày thơ ấu đầy kỷ niệm, chị muốn làm những cuốn sách đại diện cho tiếng nói, hình ảnh, câu chuyện của người gốc Việt tại Đức.
Chị Hạnh Nguyễn-Schwanke (trái) và chị Thái Ngọc Bảo Trâm, Giám đốc điều hành Horami, người đồng sáng lập học viện Horami. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chị Hạnh Nguyễn-Schwanke trở thành người sáng lập Nhà xuất bản (NXB) song ngữ Đức - Việt đầu tiên tại Đức có tên Horami (ra đời vào ngày 1-6-2014) với mục tiêu dùng ngôn ngữ làm cầu nối văn hóa, gìn giữ các giá trị nguồn cội, giúp cộng đồng người gốc Việt kết nối, tăng sự đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau.
Tự hào truyền thống gia đình
Với chị Hạnh, cơ duyên với sách bắt nguồn từ những ngày chị chờ từng lá thư của bố khi ông đang là nghiên cứu sinh tại CHLB Đức. “Những câu chuyện bố kể qua thư thật sinh động, khiến tôi tò mò về miền đất bố đang ở, công việc nghiên cứu bố đang làm, và mọi thứ. Bố giúp tôi hiểu và vô cùng yêu quý, tự hào về nguồn cội của mình”, chị nhớ lại.
Đó là những năm tháng cả nhà phải tạm sống xa nhau vì công việc của bố. Còn sau này, khi cả gia đình đoàn tụ, chị vẫn luôn được bố khuyến khích, động viên tham gia những công việc giúp kết nối nhiều hơn với quê nhà. Trong quyết định thành lập NXB Horami, chị Hạnh hẳn có sự thôi thúc không nhỏ từ bố. Horami giờ đây kiên trì phát triển dòng sách trẻ em và thiếu nhi song ngữ Đức - Việt với những câu chuyện về các thế hệ người nhập cư từ Việt Nam, và nhân vật chính trong sách là các em đại diện cho thế hệ thứ 2, thứ 3 của cộng đồng ấy.
Kết nối, đồng cảm và yêu thương
Khi có con đầu lòng và bắt đầu dạy tiếng Việt cho con, chị Hạnh mới biết hóa ra tìm được một cuốn sách tiếng Việt ở Đức cho trẻ em thật khó khăn. Nếu không kể những cuốn mua từ Việt Nam, thị trường sách tại Đức hầu như không có cuốn nào dành cho người Việt, ngay cả sách song ngữ.
Với những cuốn sách ít có đó, chị băn khoăn vì nếu đặt vào tâm thế một độc giả người Việt, chị không thấy có mình trong đó. Những truyện sách kể là của người da trắng hay một sắc dân nào khác, chứ không phải người da vàng hay người châu Á. Rồi mẫu hình gia đình trong các câu chuyện đó dường như chưa nói hết được sự đa dạng thực tế của đời sống xã hội. “Tôi muốn làm sao để mỗi đứa trẻ gốc Việt sinh ra ở đây tìm được một cuốn sách có mình là nhân vật trong đó. Chúng sẽ tự tin hơn khi thấy bên cạnh những gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ trong sách, còn có những gia đình dù không đủ cả hai nhưng vẫn tròn đầy hạnh phúc”, chị Hạnh chia sẻ.
Horami ra đời, trước hết dành cho trẻ em nhưng giờ thì dự án vươn rộng hơn, hướng tới cả đối tượng độc giả người lớn. Song, chị Hạnh vẫn muốn các sản phẩm văn hóa của Horami sẽ phục vụ trước hết cho nhóm cộng đồng người Việt, nhất là những người yếu thế.
Một trong những cuốn đầu tiên Horami làm và được đón nhận nhiệt tình là Từ điển thế giới quanh em bằng tranh mà chị Hạnh là người lên ý tưởng, chọn từ vựng và tranh minh họa cho sách với chủ đề đời thường trong cuộc sống ở Việt Nam và Đức để so sánh. Hiểu được những khó khăn do rào cản ngôn ngữ của các gia đình trẻ trong nhiều tình huống hội nhập, đặc biệt chăm sóc sức khỏe cho con, Horami đã thực hiện cuốn Cẩm nang và các từ vựng y tế. Sách giúp người đọc nắm các từ vựng mô tả những vấn đề liên quan việc khám, chữa bệnh, theo đó những người chưa thạo tiếng Đức có thể mô tả rõ ràng và chính xác hơn tình trạng của họ hay người thân với bác sĩ.
Horami đặt mục tiêu thực hiện khoảng 4 cuốn sách song ngữ Đức - Việt trong một năm, đồng thời kiên trì sứ mệnh không chỉ giúp các thế hệ trẻ duy trì vốn tiếng Việt, mà còn trở thành cầu nối giới thiệu, quảng bá văn chương Việt Nam tới châu Âu và ngược lại.
TRẦN ĐẮC LUÂN