Mòn một tiếng rao

.

Chim dạo này về nhiều, khoảng sân nhỏ nghe rộn ràng quá đỗi. Tiếng ríu rít của bầy chim như khiến cây cối trổ thêm lá biếc, gió tươi lành hơn, và con người cũng thêm dễ chịu. Mảnh sân rực sức sống trong nắng, ấm áp lạ lùng. Đang ăn bún, ba dừng đũa, ngó ra nhìn lũ sẻ tranh nhau mổ gạo, nở nụ cười sảng khoái hô: Nghe chim kêu hay như hát. Tính ba vậy, mê mấy thứ chân phương, càng giản dị, càng tự nhiên thì ba càng thích. Như tiếng rao, gu của ba là những tiếng rao mộc của người bán rong, lanh lảnh giọng vang mà không có máy móc nào thu phát hay hỗ trợ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tiếng rao kiểu ba ưa hồi trước có thiếu gì. Hẻm dẫn vô nhà tôi cũng nhỏ, nhưng không thiếu những xe hàng bán buôn ghé vô kiếm chút khách. Xe bánh mì, xe tàu hủ sữa đậu nành, xe chuối chiên khoai chiên, xe rau củ các loại… Nhiều khi chẳng cần đi chợ, cứ chờ tiếng rao hàng cất lên, bước nhanh ra mua là đủ đồ cho mấy bữa cơm ngon lành nóng hổi. Buồn miệng thèm ăn vặt thì muốn chọn gì cứ canh tiếng rao mà chọn.

Tôi nghĩ tiếng rao đã trở thành một phần của con hẻm. Nghe giọng rao biết người: tiếng miền Trung cao cao là của chị Tư bán bánh bột lọc, bé bán bánh mì giọng mỏng và thanh, cô bán thịt cá lúc nào cũng tươi rói giọng, bà Năm bán rau giọng ấm mùi dầu gió… Họ cũng đi khung giờ riêng, buổi nào người nấy. Hễ nghe tiếng bánh mì nóng giòn, tôi biết mẹ sắp sửa hối ba chở đi chợ lựa ít đồ vườn. Nghe tiếng ai tàu hủ nóng hông, biết giờ ngủ trưa đã tới. Chiều chiều mát, tiếng bánh ít, bánh tét báo hiệu con nắng sắp tắt, ra đá banh còn gì đã bằng. Tiếng rao như tiếng đồng hồ báo giờ, như bốn mùa của năm, như những ngày trong tuần, luân phiên và đều đặn. Tưởng tượng một ngày kia tiếng rao biến mất, hẳn con hẻm cũng rũ rượi và buồn bã như gốc cây thiếu nước.

Vậy mà những tiếng rao ấy dần mất thật. Những giọng rao của người thay bằng máy móc. Có người tự thu tiếng mình, có người mua băng có sẵn mấy câu rao, cứ vậy mà treo loa sau xe bật dài dài trong hành trình rong ruổi khắp phố. Những câu rao đều như chặt, in hệt đúc một khuôn, cùng âm sắc, cùng thời gian, cùng độ lớn, đều đều phát ra từ máy thu thanh. Mỗi lần nghe tiếng máy rao, ba tôi thở dài. Còn tôi, chỉ khi không thể phân biệt hai xe cá viên chiên dùng chung tiếng rao mua ngoài chợ, tôi mới thấm thía buồn.

Có lẽ vì vậy mà con hẻm ủ dột hơn, mùa mưa càng về sau càng thất thường, dày và xám xịt. Không còn tiếng người thật, giọng thật gọi nhắc, những ngôi nhà xa cách nhau hơn, im ỉm cửa. Lũ chúng tôi cũng lớn dần, học hành nặng hơn, cũng đánh rơi mất cuộc chơi vui đùa với nhau. Chúng tôi đánh rơi cả sự ngóng trông một xe hàng nào đó...

Cũng may còn sót vài tiếng rao thật sự. Lạ lùng là, ba tôi, trước không ưa mà giờ đã đổi. Bởi, những tiếng rao ấy rất khó nghe. Chẳng hạn, “ai bánh bò bánh tiêu không” bị đẩy cao và xé vỡ thành “ái bén bó bén tí han”, tôi nghe hoài mà vẫn không hiểu người bán bán thứ gì. Vậy mà vui, bởi chính những tiếng rao đặc biệt đó khiến người ta tò mò, khiến người ta chạy ra coi, để chạm mặt nhau và được dịp ngỡ ngàng chào hàng xóm mấy câu. Và tiếng rao lạ ấy đánh dấu điều riêng biệt, khiến người ta dấy lên mong muốn giữ gìn.

Ba tôi thương những tiếng rao chi lạ. Nghe giọng rao mộc, mình biết người bán bữa nay vui hay buồn, mạnh khỏe ra sao. Thời trước, nhiều nhà ra mua đồ còn tặng người bán mớ gừng tươi, hủ tắc ngâm để về uống cho đỡ cảm, khi nhận ra tiếng rao bữa nay sao khàn và đục quá chừng. Có lần, cô Hiên bán bánh cam rao yếu xìu rồi tắt ngang, mọi người nghi nghi ra coi mới thấy cô xỉu ngang kịp đưa đi bệnh viện.

Con người vẫn tìm cách thương nhau. Vẫn hỏi han để biết bác bán rau đã già, không còn rao nổi, thôi cứ nghe thấy tiếng máy quen thì ra ủng hộ. Khoảng cách một tiếng rao dẫu lớn, nhưng nếu có lòng, người ta vẫn lấp bằng điều khác được. Miễn là có lòng. Ai cũng phải sống tiếp mà!

PHÁT DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.