Chiếc áo vua ban "Vân phụng tiên y" ở miền núi Quảng Trị

.

“Vân phụng tiên y” chỉ được trao lại cho thành viên nội thân. Khi người cha mất, người con trưởng được kế vị trưởng làng cùng với chiếc áo này.

Thầy Nguyễn Mai Trọng trong một lớp ngoại khóa về chiếc áo “Vân phụng tiên y”. Ảnh: TÂN HƯỚNG
Thầy Nguyễn Mai Trọng trong một lớp ngoại khóa về chiếc áo “Vân phụng tiên y”. Ảnh: TÂN HƯỚNG

Ngôi nhà sàn của bà Ăm Thí (85 tuổi) trên đỉnh Trường Sơn thuộc thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đang cất giữ một “báu vật” của dòng họ A Xớp được triều đình nhà Nguyễn ban tặng, đó là chiếc áo “Vân phụng tiên y”.

Chiếc áo này là sự ghi nhận của nhà vua với cả dòng họ, người đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều anh dũng chiến đấu, chống giặc ở miền biên viễn. Những năm 30 của thế kỷ trước, khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, người A Xớp đã giết quan Tây, sau đó lui vào rừng sâu Quảng Trị để lẩn trốn. Thực dân Pháp tìm đến bản tàn sát nhiều người của họ tộc, đốt nhà… Dòng họ A Xớp đã đứng dậy kiên cường, bảo vệ biên ải đến ngày hôm nay.

Chiếc áo “Vân phụng tiên y” được đặt trang trọng trong tủ kính ở nhà sàn. “Vân phụng tiên y” được hiểu đơn giản là loại áo choàng có ba thân: hai thân trước và một thân sau, mỗi thân dài 120cm, rộng 64cm. Cổ áo tròn, ống tay áo rộng, được may thủ công bằng hai lớp vải, bên trong là lớp vải màu nâu, bên ngoài là lớp vải lụa màu xanh da trời, trên áo có hình chim phụng ẩn trong mây cùng với hàng chục dải lụa đai ngũ sắc.

Thạc sĩ cổ học Lê Đức Thọ - nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho biết, “Vân phụng tiên y” được vua Nguyễn ban thưởng cho một số tri châu ở miền núi Quảng Trị. Việc tặng chiếc áo này thể hiện chính sách “Nhu viễn” - chính sách cai trị mềm dẻo đối với người thiểu số miền biên viễn, được nhà Nguyễn dùng để khuyến khích các tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện cho chính những người này thuận lợi trong việc thu thuế.

“Vân phụng tiên y” chỉ được trao lại cho thành viên nội thân. Khi người cha mất, người con trưởng được kế vị trưởng làng cùng với chiếc áo này.

Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa), người đã tìm cách bảo quản “Vân phụng tiên y” kể, khi nhậm chức Hiệu trưởng, thầy tình cờ phát hiện trang phục này trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã A Xing (nay là xã Lìa) thời kỳ 1930-2010, trong đó nêu: “Trong thời kỳ đánh đuổi thực dân, có một dòng họ được vua ban Vân phụng tiên y”.

“Nghe cái tên hay và lạ, tôi quyết tâm tìm đến nơi cất giữ chiếc áo này. Khi biết tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa - nơi mình đang công tác có một “báu vật”, tôi quyết định tham khảo các chuyên gia, xin ý kiến chính quyền để đưa “Vân phụng tiên y” vào tủ kính, bắt đèn, điện để trang phục này được bảo quản lâu hơn”, thầy Trọng nói.

Thầy Trọng cho biết thêm, chiếc áo được thêu bằng tay với kỹ thuật hoàn hảo. Từ việc phối màu đến thực hiện các chủ đề, nội dung gắn kết trên áo được làm rất công phu. Theo thời gian, phần vải bên ngoài đã mục và rách nhiều chỗ.

Cũng theo thầy Trọng, “Vân phụng tiên y” không chỉ được xem là “quan phục” khi các “Thổ Tri Châu” vào triều cống ở triều đình, mà còn là “lễ phục” không thể thiếu trong việc cúng tế thần linh và mặc để chỉ huy cộng đồng chống ngoại xâm. Người được mặc chiếc áo này có quyền uy rất lớn trong việc cố kết cộng đồng và giải quyết những công việc trọng đại.

Định kỳ 2 tháng một lần, các học sinh Trường Tiểu học và THCS A Xing được học ngoại khóa về chiếc áo “Vân phụng tiên y” tại ngôi nhà sàn của bà Ăm Thí. Thầy Trọng nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động ngoại khóa, các em hiểu lịch sử của quê hương. Tất cả học sinh trước khi ra trường đều đến đây để lắng nghe những công lao to lớn của thế hệ trước, lấy đó làm động lực cho chính bản thân để học tập tốt”.

TÂN HƯỚNG
;
;
.
.
.
.
.