Đừng đổ lỗi cho nhau

.

Vụ xô xát tại Trường Quốc tế American Academy ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường. Mặc dù điều này diễn ra nhiều nơi và chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu chúng ta có thể ngăn chặn bạo lực học đường không?

Xưa nay, khi trẻ dùng “nắm đấm” để giải quyết các vấn đề, việc làm đầu tiên của nhà trường là mời phụ huynh đôi bên lên làm việc. Sau nhiều lần họp lên họp xuống, phụ huynh ý kiến qua lại, thậm chí tranh cãi dữ dội để xem ai đúng ai sai, những học sinh gây ra bạo lực sẽ bị xử lý kỷ luật. Nặng thì buộc thôi học, nhẹ thì cảnh cáo toàn trường và những di chứng tinh thần sau cuộc ẩu đả ấy đối với nạn nhân sẽ còn âm ỉ mãi không thôi.

Bản thân tôi, nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, tham gia nhiều tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa về việc ngăn chặn bạo lực học đường và giáo dục học sinh tránh các hành vi bạo lực ở học đường, nhận thấy, các hoạt động này có thời lượng rất ngắn, thường chỉ ở khung 1 tiết chào cờ hay sinh hoạt lớp, và cũng chỉ được tổ chức một lần trong mỗi năm học như bao chủ đề khác. Kết thúc buổi ngoại khóa, mỗi em được phát một tờ “Cam kết không tham gia các hoạt động bạo lực học đường” và mang về cho phụ huynh ký tên. Với cách làm nặng tính hình thức như vậy thì “bạo lực học đường” không những không hạn chế mà ngày càng tăng về số lượng vụ việc cũng như tính chất côn đồ, hung hãn.

Trước vấn nạn diễn ra, nhiều phụ huynh lo lắng con đến trường bị bạn bè bắt nạt, nên cho con học võ để tự vệ, thậm chí còn khuyến khích con trẻ... đánh trả.

Mấy chục năm làm công tác giảng dạy, không ít lần tôi là thành viên hội đồng kỷ luật học sinh đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là sau cuộc ẩu đả, hầu như cả học sinh gây bạo lực và nạn nhân đều rất hối lỗi. Riêng các bậc phụ huynh vẫn tranh luận không thôi. Thậm chí nhiều người còn đổ lỗi cho nhà trường đã quản lý không tốt, để cho học sinh đánh nhau: “Chúng tôi gửi con, em mình đến trường để học tập, rèn luyện. Không biết các thầy cô lúc ấy ở đâu mà để bọn trẻ đánh nhau sứt đầu mẻ trán mới phát hiện. Giờ kỷ luật, ghi học bạ như thế này thì tương lai con tôi sẽ bị ảnh hưởng…”.

Trở lại việc ký cam kết, đối với nhiều phụ huynh, nếu không đi kèm với việc uốn nắn, giáo dục trẻ hằng ngày thì hậu quả là “xôi hỏng, bỏng không”. Đừng vì lý do bận bịu mưu sinh mà phó thác mọi sự cho thầy, cô giáo. Một đứa trẻ lớn lên không đơn giản bằng cơm ăn nước uống hay sử dụng những phương tiện đắt tiền mà cần có sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình phải luôn gắn kết với nhà trường, nắm rõ thông tin về việc học và rèn luyện của con trẻ. Mối quan hệ này càng gắn kết sẽ tạo hành lang an toàn cho trẻ đến trường.

Nhà trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà cần đặc biệt chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy các em biết phòng tránh bạo lực; đây là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng ngôi trường. Bởi lẽ, một ngôi trường tốt không bao giờ tồn tại những học sinh suốt ngày gây gổ, đánh nhau. Thế nên, bên cạnh việc hướng dẫn trẻ cách giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau thì việc làm sao để đứa trẻ đó nhận ra lỗi của mình mới là điều quan trọng.

Một vấn đề khác cũng cần đặt ra là trẻ sẽ làm gì khi thấy bạn bè hoặc bản thân bị bạo lực học đường. Thiết nghĩ, cần phải có một “đường dây nóng” trong nhà trường để học sinh kịp thời báo thông tin, vụ việc đã, đang và sắp xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy, giáo viên chủ nhiệm thường là người mà trẻ nghĩ tới đầu tiên, sau đó mới đến phụ huynh. Vì vậy, thầy cô giáo và các bậc cha mẹ phải là chỗ dựa tinh thần, là chiếc “phao cứu sinh” cho trẻ lúc nguy cấp nhất.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.