Nhớ những ngày chạy lúa

.

Đang giữa bữa ăn, bỗng dưng mẹ đưa mắt ngó nghiêng ra ngoài rồi dừng đũa, đặt bát cơm xuống mâm rồi vội chạy ra sân. Áng chừng chân còn chưa bước xuống bậc tam cấp, giọng mẹ đã khẩn thiết: “Trời sắp mưa rồi, cả nhà nhanh nhanh ra chạy lúa”. Chẳng cần chờ mẹ nói thêm, cả nhà đồng loạt thả đũa vội vàng chạy ra sân. Bây giờ, trời vẫn đang còn nắng chang chang nhưng phía xa xa bóng mây đã đen kịt, gió cũng bắt đầu mang theo hơi lành lạnh. Mẹ vừa chạy lúa, vừa nói lẩm bẩm: “Chắc chắn trời này sẽ mưa”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Công cuộc chạy lúa lúc này diễn ra khẩn trương, mỗi người một việc: Ba cầm cào chuyên dụng đẩy lúa về một góc, mẹ chạy vào kho lấy bao bì đựng lúa, còn hai chị em dùng chổi quét, vun những hạt lúa đang rơi vãi. Vừa làm, ba vừa hô hào, thúc giục, mẹ thì luôn miệng nói “nhanh lên” cho hiệu suất công việc cao hơn. Chạy lúa lúc chưa ăn cơm đã thấy cực, lúc có cơm vào bụng rồi lại càng cực hơn. Ai cũng vác một bụng no cành làm việc nên bụng đau tức anh ách. Hai chị em tôi không dám than phiền vì thấy ba mẹ quá vất vả, chỉ biết cố gắng chịu đựng làm cho xong việc trước khi mưa ập đến.

Lúc chạy lúa, chị Hai tôi đùa rằng, giá như nhà mình có thêm ít nhân khẩu nữa thì đỡ mệt biết nhường nào. Mẹ nhìn sang với vẻ mặt “nghiêm nghị” rằng, nuôi hai đứa bây đã quá vất vả rồi, làm sao mà có thể sinh thêm người. Việc chạy lúa không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tôi nhớ có những lúc dù dốc hết công sức nhưng vẫn không thể nhanh hơn những cơn mưa. Cả nhà chỉ kịp thu dọn được một nửa sân, còn một nửa sân bị mưa ngấm ướt nhẹp. Lúa ngấm nước, màu sẽ kém hẳn, gạo xát ra khi nấu cơm ăn cũng không ngon bằng, nếu mang bán đi thì giá thành lại thấp. Chưa kể nếu ngày hôm sau không có nắng thì xác định lúa có thể mọc mầm hoặc mốc thối. Số lúa đó chỉ có thể mang xát cho gia súc, gia cầm ăn.

Lúc mưa ập đến nhanh quá, cả nhà dính nước mưa ướt nhẹp. Mưa to không thể cứu vãn được, mẹ đành vô lại hiên nhà. Lúc ở hiên, mắt mẹ hết nhìn mưa lại nhìn xuống chỗ lúa chìm trong biển nước, mắt mẹ ầng ậng nước chực rơi. Sau mỗi lần như thế, tôi cảm tưởng mặt mẹ càng thêm nhiều nếp nhăn hơn. Hai chị em không biết làm gì, chỉ biết cầu khấn mưa nhanh ngừng rơi. Trở lại mâm cơm đang dở dang, nguội ngắt trong nhà, dường như chẳng ai muốn đụng tới nữa hoặc ăn qua loa rồi đứng dậy. Trời hửng nắng, đợi sân khô khén, mẹ lại lụi cụi dàn chỗ lúa bị ướt ra phơi. Mẹ vừa dàn lúa, tay vừa mân mê những hạt lúa ướt sũng, phân vân không biết khi khô mang bán thương lái có ép giá không. Và hơn hết mẹ lo khoản học phí của hai chị em đều trông chờ vào vụ lúa. Vậy mà…

Có những lần chạy lúa nhà mình xong, hàng xóm láng giềng lại sang chạy giúp nhau, mỗi người xúm lại một tay, rổn rang tiếng nói cười. Tình làng nghĩa xóm bền chặt hơn cũng nhờ những lần chạy lúa. Nhìn những nụ cười tươi rói khi hạt lúa cuối cùng vừa cho vào nhà thì mưa ập đến mới thấy niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của những người nông dân tảo tần. Lớn lên nhớ về mùa gặt, nhớ về lúc chạy lúa, tôi lại nhớ tới những người hàng xóm thân thương và dễ mến của mình.

Tôi xa quê gần hai mươi năm, xa những mùa gặt lúa ắp đầy sân, xa những lần chạy lúa bở hơi tai vất vả, người nhễ nhại mồ hôi. Và như một dòng hồi ức tuyệt đẹp, cứ mỗi lần nhìn, nhớ mùa gặt, lòng tôi lại gợn lên những thước phim của ngày xưa. Hình ảnh cả gia đình thả bữa ăn ra sân chạy lúa khiến tôi rưng rưng và cũng chộn rộn với niềm hạnh phúc ngọt ngào bất tận…

ĐÀO THANH TÙNG

;
;
.
.
.
.
.