Lễ hội duy nhất Việt Nam hai lần lỡ hẹn

.

Phong Nam không đơn thuần là làng quê Việt mang vẻ đẹp hòa quyện giữa đời sống dân dã với nét văn hóa, văn minh, mà còn là nơi duy nhất ở Đà Nẵng có đình thờ Thần Nông gắn liền với lễ hội (còn gọi là lễ rước) Mục đồng độc đáo và duy nhất cả nước. Thế nhưng, vì nhiều lý do, sau đôi lần tổ chức, lễ hội Mục đồng này đã nhiều lần lỡ hẹn...

Đám rước Mục đồng rồng rắn đi qua đường làng. Ảnh: V.T.L
Đám rước Mục đồng rồng rắn đi qua đường làng. Ảnh: V.T.L

Mỗi lần ghé lại làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), tôi thấy lòng mình nhẹ tênh bởi cảnh vật, con người nơi đây và tự hỏi vì sao nằm cạnh thành phố, nhưng Phong Nam vẫn giữ được nét xưa thuần Việt. Những nếp nhà cổ rêu phong trầm mặc giữa khu vườn cây trái. Một vài cây duối (một loại cây dại mọc hoang) xù xì cao quá đầu người, dễ chừng đã trăm năm tuổi đứng đầu ngõ như một chứng nhân của thời gian đi qua chốn này.

Từng nghe cụ Ngô Tấn Nhã (dân làng gọi thân mật là cụ Tư Nhã), một “lão làng” của Phong Nam nói về những câu ca xưa mà trong đó, “Ai về Phong Lệ thì về/ Phong Lệ có nghề bán hến, chọi trâu” là một trong những câu gợi lên nét riêng của ngôi làng cổ nằm kẹp giữa quốc lộ 1A và tuyến đường ĐH 605. Hỏi, vì sao Phong Lệ thành Phong Nam, cụ Nhã trả lời: “Thế gian thiếu chi chuyện vật đổi sao dời, bãi biển hóa nương dâu. Phong Lệ biến thành Phong Nam cũng không lạ”.

Nghe những gì cụ kể, có thể hình dung Phong Lệ xa xưa là một làng rộng lớn nằm hai bên một con lạch nhỏ quanh năm xanh trong con nước, có thể bắc cầu tre và mùa nước cạn dễ dàng lội qua được. Về sau, do lượng nước từ thượng nguồn tuôn về ngày một lớn làm mực nước dâng cao, con lạch phình to, biến thành sông mang tên Cẩm Lệ, còn được gọi là sông Cầu Đỏ theo tên cây cầu bắc qua sông được sơn màu đỏ dưới thời Pháp thuộc.

Thế là làng Phong Lệ cách trở sông nước mặc nhiên được chia làm hai xóm, phía hữu ngạn gọi là Phong Nam (cách gọi tắt của Phong Lệ Nam) nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang; phía tả ngạn gọi là Phong Bắc (Phong Lệ Bắc), nay thuộc hai phường Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Tuy cách trở đò giang nhưng cư dân cả hai xóm vẫn chung một cội nguồn tiên tổ, mỗi xuân thu nhị kỳ hằng năm đều tề tựu về đình Phong Lệ (còn gọi là đình Thần Nông) trên đất Phong Nam để cúng tế.

Nếu Phong Bắc giờ đã là phố thị thì Phong Nam vẫn còn “giữ nguyên quê mùa” như thuở nào. Người dân Phong Nam lâu nay chỉ biết ẩn mình sau lũy tre làng, bỗng dưng được khách nước ngoài đến thăm và cảm nhận được những giá trị vô hình của làng quê mình. Đó là đầu những năm 90 thế kỷ trước, theo lời ông Ngô Văn Nghĩa, nguyên Bí thư chi bộ thôn Phong Nam, nguyên trưởng làng Phong Lệ (bao gồm cả thôn Phong Nam và khu vực Phong Bắc bên kia sông Cẩm Lệ). Khi Công ty Đông Á chi nhánh Đà Nẵng lần đầu đưa 180 khách du lịch từ tàu Seaborn Spirit lên thăm làng cổ Phong Nam thì ông đang giữ chức thư ký làng, phụ trách đối ngoại. Một năm sau, tàu Queen Elizabeth 2 cập bến Đà Nẵng với 1.600 khách thì gần một nửa được công ty đưa về tham quan Phong Nam.

Từ đó, làng cổ Phong Nam được du khách gần xa biết tới và dần “phủ sóng” các website về du lịch. Đây không chỉ là làng quê Việt mang vẻ đẹp hòa quyện giữa đời sống dân dã với nét văn hóa, văn minh, mà còn là nơi duy nhất ở Đà Nẵng có đình thờ Thần Nông gắn liền với lễ hội Mục đồng độc đáo và duy nhất cả nước, được tổ chức vào đầu tháng Tư âm lịch theo lệ ba năm một lần, in đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp. Vào ngày lễ hội, trẻ chăn trâu được ăn mặc đẹp, cưỡi những con trâu khỏe, sừng cong vút đi từ cánh đồng, dạo quanh làng trong tiếng reo hò đầy phấn khích của dân chúng trước khi vào đình lễ tạ Thần Nông, vị thần đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Năm 2007, lần đầu tiên sau hơn 70 năm vắng bóng, Lễ hội Mục đồng được bà con 17 họ tộc làng Phong Lệ, kẻ góp công người góp của khôi phục với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng. 3 năm sau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) Đà Nẵng phối hợp với làng Phong Lệ tổ chức lễ hội lần thứ hai.

Theo lệ 3 năm của người xưa thì năm 2013 là phiên lễ hội lần thứ ba, tuy nhiên các đơn vị tài trợ không còn “mặn mà” nên lễ hội đã không diễn ra. Năm 2014, theo lời ông Nghĩa, không cam lòng để cho lệ xưa rơi vào quên lãng, bà con trong làng đã hè nhau tổ chức lễ hội lần thứ ba, nói theo dân gian là “làm trầm trà” thôi, để “giữ lửa” cho lễ hội. Từ đó đến nay, đã qua hai lần “3 năm lệ làng” mà con đường từ cồn Thần (nơi rước bài vị Thần Nông) về đến đình Thần Nông vẫn thiếu vắng đoàn rước rồng rắn qua làng với cờ xí, trống chiêng các loại. Và, lễ hội duy nhất trên cả nước giữa làng quê yên ả ấy vẫn ngày đêm mong chờ những bàn tay, tấm lòng yêu thương “nhóm lửa”...

    VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.