Đà Nẵng cuối tuần

Nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí

07:51, 19/06/2022 (GMT+7)

Trong môi trường truyền thông hiện nay, tin giả lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt khiến người đọc khó phân biệt thực hư, tạo ra không ít thách thức cho nhà báo. Vì vậy, báo chí cần tiên phong trong việc làm chủ dòng chảy thông tin trên “không gian ảo”, dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội.

Sau khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 thứ 17 và các ca sau đó, chủ tài khoản trang facebook mang tên Nguyễn Sin tung tin: “Đã có người đầu tiên ở Việt Nam tử vong vì Covid-19”. Chỉ sau khoảng một giờ, thông tin thất thiệt này trên trang facebook Nguyễn Sin đã có hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ…

Từ thời điểm Covid-19 bùng phát, hầu hết các tỉnh, thành đều đã có nhiều chủ tài khoản mạng xã hội bị xử phạt hành chính vì đưa tin giả, nhưng tin giả vẫn phát tán.

Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ dùng cây đinh hương đến uống nước tiểu và phân bò. Giữa tháng 2-2020, khoảng 200 tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ đã tổ chức sự kiện uống nước tiểu bò ở thủ đô New Delhi vì tin rằng nó có thể chữa được Covid-19. Tại Pháp, thời điểm đó, Bộ Y tế nước này đăng tuyên bố bác bỏ thông tin trên mạng rằng “cocaine có thể chữa Covid-19”.

Lúc Covid-19 mới bùng phát, thông tin giả về dịch bệnh này tràn ngập trên mọi nền tảng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube… Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres cảnh báo chúng ta đang sống trong “một đại dịch của thông tin sai lệch”, và nhấn mạnh “kẻ thù của chúng ta còn là sự gia tăng đang tiếp diễn của thông tin thất thiệt”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, có một “infodemic” (viết tắt của “information pandemic”, tức “đại dịch thông tin”) và ông gọi tin giả là “căn bệnh thứ hai” tồn tại cùng Covid-19.

Kiểm chứng nguồn tin

Với mạng xã hội, mỗi chủ tài khoản có thể là một nhà báo, nhà xuất bản tin tức. Mặc dù những tin tức này được truyền tải rất đơn giản nhưng đáp ứng tiêu chí nhanh, thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thông tin thời sự của bạn đọc. Mạng xã hội không chỉ giúp người làm báo phát hiện nhiều tin nóng, tin hay, khơi gợi nhiều đề tài tốt, mà còn là kênh lan tỏa những tác phẩm báo chí đến độc giả.

Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều thành lập trang Facebook, YouTube riêng để tiếp cận công chúng. Thậm chí, với đặc thù sản xuất nhiều chương trình, các đài truyền hình còn sở hữu nhiều trang mạng xã hội, mỗi chương trình là một tài khoản mạng xã hội khác nhau.

Vấn đề đặt ra là thao tác chia sẻ một thông tin trên mạng xã hội chỉ mất vài giây, nhưng phát tán tin giả, tin chưa kiểm chứng gây hậu quả khôn lường.

Đồ họa: MAI ANH
Đồ họa: MAI ANH

Có thể kiểm chứng thông tin bằng nhiều cách. Với tin giả, người đăng mặc sức thêu dệt, khêu gợi tính tò mò, hiếu kỳ nên thường thu hút lượng người tiếp cận rất lớn. Vì vậy, người đọc cần đặt câu hỏi: Có tin như vậy ư? Liệu đây có phải là sự thật không?... Nếu là tài khoản Facebook, hãy kiểm tra timeline (chuỗi thời gian), xem khuynh hướng đưa tin của họ.

Kiểm tra bạn bè và các bình luận bên dưới sẽ thấy được họ có đáng tin hay không. Nếu là trang web thì sử dụng Google kiểm tra thông tin xem các trang web uy tín có đưa thông tin đó không, hoặc nhắn tin, gọi điện thoại hỏi những người có liên quan mà mình biết. Với những thông tin ở dạng câu nói được chèn vào ảnh người nổi tiếng thì có thể kiểm tra thông tin bằng cách tìm trên Google, nếu tìm không ra đoạn văn bản được chèn vào ảnh cùng hình ảnh trong văn bản gốc thì mặc định là tin giả. Tuy nhiên, kể cả khi tìm kiếm ra thì vẫn phải kiểm tra tiếp đường dẫn có đăng câu nói đó.

Tháng 6-2021, LHQ phát động chiến dịch mang tên “Pause” (Hãy tạm dừng) nhằm chống phát tán thông tin sai lệch trên mạng, đặc biệt tin liên quan Covid-19, thông qua việc thúc đẩy thay đổi hành vi của người sử dụng mạng. Chiến dịch kêu gọi những người sử dụng các nền tảng số hóa dừng lại để suy nghĩ về thông tin mà họ định chia sẻ trước khi đăng tải lên mạng.

Tháng 7-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi Facebook nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống tin giả về vắc-xin ngừa Covid-19.

Trách nhiệm của báo chí

Việc ngăn chặn tin giả, tin xấu, độc cũng có trách nhiệm của báo chí chính thống. Báo chí ngoài việc đăng tải thông tin, phát hiện, cảnh báo tin giả, còn cần có hệ thống kiểm duyệt, kiểm chứng để đưa thông tin chính thống, khách quan, chân thực, tạo niềm tin cho công chúng.

Theo cuốn Báo chí, “Tin giả” và Tin xuyên tạc (UNESCO, 2018), truyền thông tin tức cần di chuyển gần hơn đến các tiêu chuẩn và đạo đức chuyên môn, tránh xuất bản thông tin không được kiểm chứng và giữ một khoảng cách với thông tin có thể gây hứng thú với một bộ phận công chúng nhưng không đem lại lợi ích công.

Tất cả các tổ chức tin tức và các nhà báo nên tránh lan truyền tin xuyên tạc và tin sai một cách bất cẩn, dễ dãi. Các nhà báo phải làm tốt hơn nữa và “nhắm đúng” ngay từ đầu, hoặc sẽ để mất khả năng xây dựng một nền truyền thông đáng tin cậy cho xã hội.

Nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy, nếu việc bóc trần tin giả không được thực hiện một cách đúng đắn - hoặc khi độc giả chỉ đọc tiêu đề bài báo, dòng tweet trên Twitter hay status (dòng trạng thái) trên Facebook mà không đọc phần giải thích đầy đủ, thì bộ não của con người nhiều khả năng sẽ nhớ những thông tin sai. Sự tương đồng và lặp đi lặp lại có ý nghĩa quan trọng trong việc chúng ta ghi nhớ thông tin gì và như thế nào. Vì thế, khi nhiều lần nhìn thấy thông tin sai hoặc các thuyết âm mưu trên mạng, rồi lại thấy nhiều tờ báo lớn đề cập với những lý giải tại sao nó không đúng, thì bộ não bắt đầu giằng xé. Nói vậy không có nghĩa là các tòa soạn không nên bóc trần tin sai, mà nên thận trọng về cách làm.

Chúng ta cần rút ra bài học từ những ví dụ về đòi hỏi phải đối phó nghiêm túc với thông tin sai lệch. Các tòa soạn cần phải hợp tác với nhau để đẩy ra những thông điệp nhất quán xung quanh những thông tin sai trái. Cần viết những tiêu đề có trách nhiệm chứ đừng sử dụng thủ thuật SEO (Search Engine Optimization - tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) mà hậu quả là càng tăng thêm sức mạnh cho tin đồn.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng có hai mô thức cơ bản trong phản ứng chính sách đối với tin giả - phương thức phản ứng mềm và phản ứng cứng. Cách phản ứng mềm là dùng hệ pháp luật truyền thống, hệ thống khuyến khích và các giải pháp kỹ thuật để chống lại tin giả. Các cách thức này ít ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; tạo điều kiện cho tranh luận xã hội; nắm bắt được phản ứng của xã hội đối với chính sách của Nhà nước dễ dàng, chính xác hơn. Tuy nhiên, cách thức này có sự khó khăn, tốn kém trong việc chống lại tin giả trong những bối cảnh cụ thể.

Cách phản ứng cứng là ban hành luật chuyên ngành để chống lại tin giả; coi trọng sự can dự của Nhà nước trong việc chống tin giả. Cách thức này tạo tính răn đe đối với hành vi đưa tin giả cao hơn. Nếu bộ máy quyền lực công liêm chính, hiệu năng việc chống tin giả sẽ có hiệu quả cao. Tuy nhiên, sự lạm quyền cách thức cứng có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; tranh luận xã hội có thể khó khăn hơn.

Thực tế, việc bảo đảm an ninh mạng đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Hiện có khoảng 140 quốc gia đã ban hành những đạo luật, quy định hoặc có những biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường an ninh mạng.

Bên cạnh Luật An ninh mạng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Theo đó, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, bịa đặt sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Về hình sự, những người tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, gây hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể là các tội: tội vu khống (điều 156); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điều 331).

ĐỨC HOÀNG

.