Sáng tác từ những chân dung cuộc sống

.

Gương mặt bán dạo (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021) là tuyển tập 25 truyện ngắn của tác giả Trần Minh Hợp viết về những người lao động nghèo vội vã trên đường mưu sinh với những đêm ngủ không ngon giấc, mang nhiều tâm trạng, nhưng vẫn nỗ lực tìm kiếm sự yên ổn.

Ngay trong lời tựa cuốn sách, tác giả Trần Minh Hợp bộc bạch về hành trình sáng tác: “Có khi những ý tưởng đến quá đỗi chân thật, phá vỡ sự tưởng tượng. Những chân dung cuộc sống đã dành tặng cho tôi những ý tưởng tâm đắc”. Những chân dung cuộc sống mà anh nói có lẽ là người nghèo bởi những nhân vật của anh - người nghèo - chiếm hầu hết trong tập truyện ngắn này. Họ là những nhân vật có nhiều tâm trạng, có nhiều tình tiết đặc biệt và tất nhiên có cả bi kịch. Gương mặt của họ, mái tóc của họ, bàn tay của họ, đôi chân của họ, bộ quần áo của họ… đều mang những câu chuyện. Nhưng vượt lên trên hết, họ vẫn nỗ lực tìm kiếm sự yên ổn.

Gương mặt bán dạo cũng là gương mặt của vạn người vội vã trên đường tìm miếng cơm. Gương mặt như con robot mải miết làm lụng, sống đời cằn cỗi, không biết đời mình được cười một chục cái chưa. Hình dung những gương mặt đã thấy cuộc đời đầy những khác biệt rõ rệt giữa con người với con người. Cũng dễ hiểu tại sao những người lao động vất vả lo toan mỗi ngày với gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đó ngủ không ngon giấc, tại sao họ sợ một ngày mới lại đến, tại sao họ không tin vào chuyện học hành của con cái, tại sao niềm hy vọng của họ rất dễ gãy đổ… Những gương mặt tràn đầy nỗi lo, ẩn sâu bên trong là sự chộn rộn chuyện đời, toan tính thiệt hơn... Và dường như sự thay đổi tiêu cực của một người thì cũng có nguyên nhân từ cái nghèo.

Trong mỗi truyện ngắn, tác giả khai thác không thiếu những tình huống “buồn” nhưng không lê thê, thảm thiết. Giọng văn xuyên suốt tập truyện  này ngắn gọn, nhanh, nhưng đủ thấm thía và lay động.

Trong tập truyện còn có những truyện ngắn đặc biệt, được tác giả lấy cảm hứng sáng tác từ câu chuyện về những người tị nạn ở các nước. Sau rốt, chỉ có thứ mùi quê hương hồn cốt luôn theo suốt trong lòng người, như thứ dũng khí để họ dám đi đến nơi cùng trời cuối đất và chẳng có một tiếc nuối nào. Bởi lẽ, ai cũng cần quê hương, trong mỗi ước nguyện cuộc đời là được trở về quê hương.

Dấu ấn sáng tạo trong Gương mặt bán dạo thể hiện ở việc tác giả sáng tạo bối cảnh trong bối cảnh. Tác giả sáng tạo cuộc thi viết “Tôi tiết kiệm”; hay chương trình truyền hình thực tế ghi hình cảnh người nghèo với kịch bản nằm ngoài kịch bản, khiến người đọc cảm giác ngỡ ngàng; hay chung kết cuộc thi truyền hình Gương Mặt Bán Dạo thể hiện tài năng bán dạo vượt trội...

Những ý tưởng sáng tạo giàu cảm xúc của Trần Minh Hợp đã tạo nên ý nghĩa cho cuốn sách này. Sáng tạo không xa vời. Sáng tạo từ chất liệu với những chân dung cuộc sống, mà chất liệu từ cuộc sống thì luôn sống động và dễ khơi dậy cảm xúc cũng như lòng trắc ẩn...

TRẦN DUY THÀNH

;
;
.
.
.
.
.