VĂN HÓA TIÊU DÙNG

Kết nối hàng Việt đến tay người tiêu dùng

.

Với mục tiêu ổn định thị trường, hỗ trợ mặt hàng sản xuất trong nước phát triển, thành phố có nhiều chương trình, chính sách đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

Sản phẩm trầm hương Phúc Linh là một trong những sản phẩm Đà Nẵng được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: T.Y
Sản phẩm trầm hương Phúc Linh là một trong những sản phẩm Đà Nẵng được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: T.Y

Trong đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

Tăng cơ hội tiếp cận khách hàng

Xuất hiện tại sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, các sản phẩm làm từ tinh chất thảo mộc thiên nhiên của Công ty TNHH sản xuất TM & DV Central Việt Nam (viết tắt Công ty Central - phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) được nhiều đại biểu đánh giá cao. Chị Lương Thị Anh Thư, người sáng lập Công ty Central cho hay, đây là cơ hội tốt để chị quảng bá sản phẩm sau thời gian đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoàn thiện mẫu mã.

Theo chị Thư, các sản phẩm của Central được tạo ra từ các tinh chất lá thảo mộc như lá trầu, lá ổi, lá tràm, thân cây sả, vỏ quế, củ gừng, cỏ sữa, cỏ mần trầu kết hợp với dầu cám gạo, dầu dừa, dầu oliu, dầu mè…, bảo đảm các tiêu chí sạch, an toàn, lành tính, thơm tự nhiên và phù hợp làn da nhạy cảm.

Để tìm kiếm sự hỗ trợ, năm 2021, chị Thư tham gia hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức và đoạt giải Nhất với ý tưởng “Tinh chất làm sạch từ thảo mộc thiên nhiên”. Bên cạnh yếu tố chất lượng, đa tính năng, sản phẩm làm từ thảo mộc thiên nhiên của Central được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ mẫu mã đa dạng, đẹp mắt. Sau hội thi này, xà bông, nến thơm Central trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng, tham dự nhiều cuộc triển lãm, trưng bày trong và ngoài thành phố.

“Từ đầu năm đến nay, Central tham dự một số triển lãm hàng Việt, trong đó đáng chú ý là có mặt trong Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022; trưng bày sản phẩm tiêu biểu các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Hàn Quốc (diễn ra tại tỉnh Bình Định tháng 5-2022). Chúng tôi xem đây là cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tìm thị trường xuất khẩu cũng như đẩy mạnh quy mô sản xuất trong thời gian tới”, chị Thư chia sẻ.

Central là một trong hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP Đà Nẵng có mặt tại Routes Asia 2022. Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, trong các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, sản phẩm - dịch vụ đặc trưng của Đà Nẵng là một trong những yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư. Do đó, trong khuôn khổ diễn đàn Routes Asia 2022, thành phố tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP, đồng thời chọn sản phẩm OCOP làm quà tặng lưu niệm cho đại diện các hãng hàng không tham dự diễn đàn.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Mặt trận các cấp triển khai sâu rộng tại địa bàn dân cư. Đơn cử, tại quận Hải Châu, trong hai tháng 4 và 5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức 2 phiên chợ tôn vinh hàng Việt tại Công viên vườn tượng APEC, với sự tham gia của 48 đơn vị, hơn 150 sản phẩm hàng Việt, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP trong và ngoài thành phố. Ngoài ra, Mặt trận các phường Thạch Thang, Thuận Phước, Hòa Thuận Tây, Nam Dương cũng tổ chức các phiên chợ hàng Việt, giới thiệu 47 gian hàng cùng hàng trăm mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, lưu niệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương.

Bà Trần Thị Cúc Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu cho biết, các phiên chợ hàng Việt giúp người dân địa phương và du khách tiếp cận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp địa phương sản xuất, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, cũng như phong phú hình thức vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong khi đó, Mặt trận quận Thanh Khê đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp Hội Doanh nghiệp quận tổ chức Tuần lễ hàng Việt tại Công viên 29-3 cũng như thực hiện quyền giám sát, phát hiện kịp thời hành vi gian lận thương mại.

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp Ủy ban MTTQ các phường, siêu thị tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu hàng Việt. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Mặt trận các cấp lần lượt tổ chức các phiên chợ hàng Việt, như Phiên chợ Tết Nhâm Dần (phường Vĩnh Trung), Ngày hội biên phòng toàn dân gắn với phiên chợ hàng thủ công mỹ nghệ, nông, hải sản (các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông), giao lưu sản phẩm hàng Việt (phường Hòa Khê), phiên chợ hàng Việt (phường An Khê)… Có thể nói, các phiên chợ hàng Việt được tổ chức chu đáo với mục tiêu mang lại nguồn hàng chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê khẳng định.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá

Để hàng Việt đến tay người tiêu dùng, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm cố định như sân bay, nhà ga, bến tàu, trạm dừng chân, điểm du lịch, Trung tâm Hội chợ triển lãm, Trung tâm Hành chính thành phố; đồng thời, khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đặc sản tổ chức điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại khu vực đông dân cư, chợ lớn; định kỳ tổ chức các chương trình triển lãm sản phẩm Đà Nẵng theo chủ đề/ngành hàng tại Trung tâm Thể thao, Nhà văn hóa, Công viên vườn tượng APEC, Công viên Biển Đông, khu vực công cộng tập trung đông du khách…

Đây là những nội dung chính được phổ biến tại Quyết định số 1232/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, Đà Nẵng sẽ tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm Đà Nẵng lồng ghép tại hội chợ, triển lãm do thành phố tổ chức hoặc tại các tỉnh, thành trong và ngoài nước; định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, các chương trình giao thương theo nhóm, ngành hàng (sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...) giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh, thành, dự kiến 2-3 đợt/năm. Đặc biệt, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tuyến trên các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử…

Để làm được điều này, thành phố giao Sở Công Thương, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát nhu cầu doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh (thiết kế logo, bao bì, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, máy móc thiết bị...); thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về sản phẩm, trong đó tập trung vào các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm điện tử viễn thông, sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề...

“Thành phố sẽ rà soát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như khả năng xuất khẩu, khả năng cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác, hệ thống kênh phân phối để lựa chọn doanh nghiệp, sản phẩm phù hợp tham gia các chương trình, hội chợ thương mại lớn”, ông Sơn cho hay.

Đón đầu xu thế này, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Châu Thông - chuyên sản xuất sản phẩm từ trầm hương, mong muốn đơn vị được thành phố tạo điều kiện tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm. “Hiện nay, tất cả sản phẩm của công ty được rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Adayroi, Lazada, Tiki, Shopee… Tuy nhiên, để kích cầu thị trường mua sắm, giải phóng hàng tồn kho sau 2 năm ảnh hưởng Covid-19, chúng tôi hy vọng đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ công tác quảng bá, thông tin kịp thời các sự kiện, chương trình hội chợ sẽ diễn ra để doanh nghiệp đăng ký tham gia, giới thiệu sản phẩm”, bà Liên kỳ vọng.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.