VĂN HÓA TIÊU DÙNG

Thích ứng trước xu hướng tiêu dùng mới

.

Thời gian qua, do ảnh hưởng Covid-19, người tiêu dùng trên địa bàn Đà Nẵng đã quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt khi đi chợ hoặc mua hàng trực tuyến (online). Đặc biệt, Đà Nẵng là đô thị có ngành công nghệ thông tin phát triển. Đây là tiền đề để hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển.

Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng dần thay đổi phương thức thanh toán khi mua sắm. Ảnh: L.H
Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng dần thay đổi phương thức thanh toán khi mua sắm. Ảnh: L.H

Cùng với hệ thống siêu thị ngày một lớn mạnh, trên địa bàn Đà Nẵng còn có 4 chợ loại 1 với khoảng 5.000 hộ kinh doanh và nhiều chợ loại 2, 3 thuộc cấp quận, huyện, phường, xã. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn người mua bán nên việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đa dạng hóa các hình thức bán hàng

Để giúp người dân tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, thành phố đã đẩy mạnh triển khai mô hình “Chợ 4.0” tại chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa. Với mô hình này, tiểu thương và khách hàng có thể mua, bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã VietQR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhất là trong năm 2021, các chợ bị ảnh hưởng rất nặng nề, do người tiêu dùng ngại đến chợ truyền thống nên sức mua bán giảm mạnh. Đa số người tiêu dùng trẻ chủ yếu mua sắm qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Để đáp ứng nhu cầu thực tế này, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng “Chợ 4.0”, qua đó vận động các hộ kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các hình thức bán hàng, nhất là bán hàng online, tham gia sàn thương mại điện tử…

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng ban quản lý (BQL) chợ Cồn cho biết, với hơn 1.700 hộ kinh doanh cố định tại chợ Cồn nên hoạt động mua bán ở chợ rất sôi động. Để thuận lợi cho việc kinh doanh, BQL chợ hướng dẫn tiểu thương chuyển đổi hình thức bán hàng qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng chợ 4.0, bán hàng qua sàn thương mại điện tử và chuyển khoản. Tiểu thương đăng ký các mặt hàng qua sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch sẽ được giới thiệu sản phẩm và trung chuyển qua Viettel Post khi mua hàng.

“Hiện BQL chợ đã giới thiệu thí điểm vài chục hộ kinh doanh đăng ký bán hàng qua sàn thương mại điện tử, sau đó nhân rộng ra các hộ kinh doanh khác trong chợ. Khó khăn hiện nay khi triển khai bán hàng không dùng tiền mặt là hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp. Tiểu thương sử dụng điện thoại để thanh toán nhưng không có sóng wifi. BQL chợ đang phối hợp với Viettel 3 để đưa hệ thống wifi phục vụ cho cả người mua lẫn người bán. Đặc biệt, đối với mô hình “Chợ 4.0”, chúng tôi tạo app cho bà con chuyển tiền, tạo mã QR để hiển thị thông tin hộ kinh doanh và sản phẩm khi thực hiện giao dịch”, ông Nguyễn Đắc Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, mỗi ngày chợ Hàn có khoảng 6.000 - 10.000 khách đến tham quan và mua sắm nên việc thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện cho cả tiểu thương lẫn du khách. “Hiện chợ Hàn có 800 hộ kinh doanh với các mặt hàng phục vụ du lịch như lưu niệm, thực phẩm, may đo, hải sản… Trong thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, chợ Hàn đã triển khai thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt, bán hàng chuyển khoản.

Đối với mô hình “Chợ 4.0”, BQL chợ Hàn phối hợp với Viettel làm trang web giới thiệu hàng hóa và bán hàng trên các trang thương mại điện tử của thành phố, Lazada, trang mạng xã hội của các công ty”, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng BQL chợ Hàn cũng cho biết.

Hiện nay, Viettel Đà Nẵng đã xây dựng các điểm nạp/rút tiền trong chợ và xung quanh chợ; đồng thời trang bị mã VietQR cho hơn 1.000 tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử tại tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp/rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.

Đến năm 2025, ít nhất 50% dân số mua sắm trực tuyến

Thời gian qua, một số ứng dụng dịch vụ số cũng được thành phố đẩy mạnh triển khai và được người dân đón nhận như cổng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính, sàn thương mại điện tử Đà Nẵng và triển khai thí điểm thẻ du lịch thông minh dành cho du khách.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đặt mục tiêu đến hết năm 2025 tối thiểu 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử. Doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp - khách hàng) chiếm ít nhất 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.

Hạ tầng công nghệ thông tin thành phố đang phát triển mạnh, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quá trình chuyển đổi số. Thành phố có gần 100% hộ gia đình có kết nối Internet, 2,15 triệu tài khoản mạng xã hội và 200.000 tài khoản công dân điện tử. Trên địa bàn thành phố, mạng 3G, 4G đã phủ sóng 100% và triển khai mạng 5G từ cuối năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân so với tỷ lệ toàn quốc là 0,5 doanh nghiệp/1.000 dân.

Tại hội thảo Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Đà Nẵng diễn ra vào ngày 10-5, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Đà Nẵng là đô thị có ngành công nghệ thông tin khá phát triển. Đây là yếu tố tiền đề để hoạt động công nghệ tài chính, công nghệ số trong lĩnh vực tài chính phát triển. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50% dân số tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng như: Xác định các giải pháp cơ bản tạo nền tảng cho chuyển đổi số tại thành phố gồm: chuyển đổi về nhận thức, nâng cao trách nhiệm triển khai; có các cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hơn nữa hạ tầng kỹ thuật số, dữ liệu số, nền tảng số, nguồn nhân lực số; bảo đảm các yếu tố về an toàn, an ninh mạng; triển khai hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Bên cạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thành phố còn triển khai Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trình Chính phủ đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động fintech (viết tắt của từ Financial Technology - công nghệ tài chính). Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng thúc đẩy Đà Nẵng trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính của quốc gia và khu vực.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.