Thành phố nổi có sức chứa 20.000 người ở Maldives

.

Trong đầm phá chỉ cách Male, thủ đô của Cộng hòa Maldives 10 phút đi thuyền, thành phố với sức chứa 20.000 người đang được xây dựng. Đây là dự án hợp tác giữa nhà phát triển bất động sản Docklands ở Hà Lan với chính phủ Maldives nhằm ứng phó mực nước biển dâng.

Thiết kế của thành phố nổi Maldives. Ảnh: CNN
Thiết kế của thành phố nổi Maldives. Ảnh: CNN

Maldives có tổng diện tích chỉ 298km2, là một trong 10 nước nhỏ nhất thế giới. Với 1.190 hòn đảo thấp, Maldives là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nhất thế giới. 80% diện tích đất liền của quốc đảo Nam Á này thấp hơn 1 mét so với mực nước biển. Nếu mực nước biển tăng 1 mét vào cuối thế kỷ 21 thì gần như toàn bộ đất nước sẽ chìm dưới biển.

Với thiết kế giống san hô não, thành phố đang được xây dựng nằm giữa Ấn Độ Dương gồm 5.000 đơn vị nổi như nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu và trường học, với các kênh đào xen kẽ ở giữa. Những đơn vị nổi đầu tiên được công bố trong tháng 6-2022. Cư dân sẽ bắt đầu chuyển tới đây vào đầu năm 2024 và toàn bộ thành phố dự kiến được hoàn thiện vào năm 2027.

Koen Olthuis, nhà sáng lập Waterstudio - công ty kiến trúc thiết kế thành phố nổi, cho biết dự án ở Maldives hướng tới xây dựng thành phố cho 20.000 người dân trong gần 5 năm. Các đơn vị dạng module được xây dựng trong xưởng đóng tàu ở địa phương, sau đó kéo tới thành phố nổi. Sau khi vào vị trí, chúng sẽ được gắn vào trụ bê-tông dưới nước, đóng chặt vào đáy biển bằng cột thép. Những rạn san hô bao quanh thành phố giúp cung cấp hàng rào chắn sóng tự nhiên, ổn định công trình và ngăn cư dân khỏi say sóng. Để hỗ trợ sinh vật biển, những bờ nhân tạo làm từ bọt thủy tinh nối liền với nền móng của thành phố sẽ kích thích san hô mọc.

Các chuyên gia về san hô ở địa phương đánh giá kỹ lưỡng tác động tiềm ẩn tới môi trường của dự án và nhà chức trách đã thông qua thiết kế trước khi bắt đầu thi công.

Mục tiêu của thành phố là tự cung tự cấp như các thành phố trên đất liền. Nguồn điện chủ yếu đến từ năng lượng mặt trời sản xuất tại chỗ. Nước thải sẽ được xử lý và tái sử dụng làm phân hữu cơ cho cây trồng. Để thay thế điều hòa không khí, thành phố sử dụng phương pháp làm mát bằng nước biển sâu, bơm nước lạnh từ biển sâu vào đầm phá, đây cũng là giải pháp góp phần tiết kiệm năng lượng.

HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.