Đà Nẵng cuối tuần
Những tín hiệu lạc quan
Văn học thiếu nhi đang có những tín hiệu khởi sắc, khi cùng với các nhà văn, nhà thơ tên tuổi còn xuất hiện những cây bút trẻ, thậm chí chính các em thiếu nhi viết cho bạn đọc đồng trang lứa với mình.
Một số cuốn sách văn học cho thiếu nhi mới được ấn hành. Ảnh: THƯ HOÀNG |
Lâu nay, nhiều người vẫn băn khoăn rằng văn học cho thiếu nhi đang có khoảng trống. Thế hệ những nhà văn “vang danh” như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Phong Thu… đều đã trở thành người của một thời vang bóng. Nhiều tác phẩm của các ông, dù hay, thậm chí là sách gối đầu giường, nhưng chỉ gắn với thế hệ đi trước.
Đến nay, thiếu nhi đương đại hoặc đã tiếp cận, hoặc phải làm mới hơn thì mới chinh phục được do thẩm mỹ của các em thời nay khác xưa. Trong khi đó, vẫn có những thế hệ tiếp nối, nhưng thế hệ này ít có tác phẩm hấp dẫn. Vì thế, sách văn học ngoại vẫn có phần lấn át sách thiếu nhi.
Chuyển động mạnh mẽ
Những băn khoăn nói trên, xem ra trong mùa hè năm nay đã không còn. Quan sát những chuyển động của văn học trong thiếu nhi thời gian gần đây, có thể nhận thấy nhiều tín hiệu mới, rất đáng chờ đợi và kỳ vọng. Đơn cử, Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn lần thứ ba năm 2022 vừa qua do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản. Trong số này, có tác phẩm của nhà văn chuyên nghiệp, người nước ngoài ở Việt Nam và đáng chú ý là của chính các em ở lứa tuổi thiếu niên.
Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi), vừa học hết lớp 4 Trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội) đã chinh phục hoàn toàn các thành viên giám khảo từ vòng sơ khảo tới vòng chung khảo. Thậm chí, 4 truyện ngắn 4.000 chữ của An Băng đã vượt qua nhiều tác phẩm của một số nhà văn tên tuổi để nhận một trong 5 Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn mùa thứ ba. Bốn giải còn lại được trao cho các tác giả: Quyên Gavoye với 2 tập truyện Biệt đội thám tử và Emma Thảm Họa; Phạm Huy Thông với truyện dài Cơ Bản là cơ bản; Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với tập bản thảo Đu đưa trên ngọn cây bàng; Geralda De Vos (Bỉ) và Sofia Holt (Thụy Điển) với Chiếc dép thất lạc (bản dịch của Kim Ngọc).
Nhìn rộng ra, có thể gặp những tác phẩm văn học của nhiều “tác giả nhí” góp thêm sự sống động của thị trường sách thiếu nhi như Nguyễn Hạnh Phương (13 tuổi) với tập truyện giả tưởng Biệt đội ngôi sao; Cao Việt Quỳnh với bộ Người sao chổi (đã xuất bản tới tập thứ 3); Nguyễn Khang Thịnh (14 tuổi) với Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy…
Hay mới đây, Đặng Hà Linh (12 tuổi), học sinh một trường tại Hà Nội, viết trực tiếp bằng tiếng Anh cuốn tiểu thuyết đầu tay The Strongest Magic of All (tạm dịch: Lựa chọn giữa hai thế giới). Điều bất ngờ là tác phẩm của Hà Linh đã được một nhà xuất bản tại Canada ấn hành cả bản sách in lẫn bản sách điện tử, phát hành toàn cầu.
Sự tiếp nối giữa các thế hệ
Bên cạnh sự tỏa sáng của nhiều tác giả nhí viết cho chính lứa tuổi của mình, văn học thiếu nhi thời gian qua còn có sự tiếp ứng của nhiều tác giả - nhà văn tên tuổi. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn là cái tên bền bỉ và ăn khách vừa xuất bản truyện dài Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng in lần đầu tới 100.000 bản. Kế đó, nhiều tác giả trẻ vẫn lặng lẽ viết cho thiếu nhi. Riêng ở mảng thơ có thể kể đến Nguyễn Phong Việt với Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ, Huỳnh Mai Liên với Biển là trẻ con, mới đây là Hồ Huy Sơn với Những ngọn đèn thơm…
Trở lại ý kiến băn khoăn, liệu có sự đứt gãy giữa các thế hệ viết cho thiếu nhi hay không? Đây cũng là ý kiến được nêu tại tọa đàm “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” do NXB Kim Đồng tổ chức hôm 3-6 ở Hà Nội. Tác giả trẻ Ngô Gia Thiên An cho rằng, không thấy sự đứt gãy thế hệ sáng tác cho thiếu nhi mà đang có sự tiếp nối, làm nên dòng chảy văn học thiếu nhi đổi mới và phong phú hơn.
Ý kiến này hoàn toàn có lý. Bởi lẽ, nếu nhìn hai tuyển tập văn, thơ 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi (do nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn) và 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi (do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn) vừa được NXB Kim Đồng ra mắt, sẽ thấy đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi khá hùng hậu, thế hệ sau góp phần bổ sung cho mảng sách thiếu nhi dày dặn hơn, phong phú hơn so với thế hệ trước.
Chẳng hạn, trong cuốn 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, người đọc có thể nhận ra đội ngũ tác giả hùng hậu như: Khái Hưng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Thiều, Lê Phương Liên, Trần Thiên Hương… cho tới những tác giả trẻ, sung sức hiện nay như: Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thị Thanh Bình, Võ Thu Hương… Trong khi đó, ở cuốn 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi, có thể gặp những tên tuổi: Phạm Hổ, Võ Quảng, Hoàng Minh Chính, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh…; hay những tác giả trẻ như Ngô Gia Thiên An, Đặng Chân Nhân…
Nhìn chung, sau những cái tên đình đám, những thế hệ sau này, người ít người nhiều, đã làm phong phú thêm mảng văn học thiếu nhi. Có thể kể các nhà văn: Lê Phương Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Cao Xuân Sơn… Trẻ hơn thì có Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Thụy Anh, Nguyễn Thị Kim Hòa…; hay gần đây là Lê Quang Trạng, Trương Huỳnh Như Trân, Hoàng Giang, Tuấn Đức…
Tất nhiên, dấu ấn của mỗi tác giả để lại trong địa hạt sách văn học thiếu nhi có sự đậm nhạt khác nhau. Có người một tập sách, có người viết hàng chục tập sách, thậm chí có người chỉ viết một bài thơ, nhưng đó là sự tiếp nối đáng trân trọng. Dù vậy, phải thừa nhận, ngày nay đời sống được nâng cao, thiếu nhi đông đảo hơn, có nhiều đòi hỏi cao hơn. Vì thế, luôn cần thêm những tác phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thiếu niên, nhi đồng. Thậm chí, mảng sách cho trẻ sơ sinh, hay sách đọc trong thai kỳ cũng cần được các nhà văn quan tâm.
THƯ HOÀNG