Đà Nẵng cuối tuần

ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN

Công đoàn với người lao động

13:43, 03/07/2022 (GMT+7)

Một trong những chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động. Điều này thể hiện rõ trong các nội dung Thỏa ước Lao động tập thể hay phối hợp hoạt động giữa các đơn vị liên quan…

Liên đoàn Lao động thành phố và Công ty CP Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, người lao động, tháng 5-2022. Ảnh: H.L
Liên đoàn Lao động thành phố và Công ty CP Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình phúc lợi dành cho đoàn viên, người lao động, tháng 5-2022. Ảnh: H.L

Thỏa ước Lao động tập thể (có thời hạn tối đa 3 năm, sau đó được ký mới với nội dung phù hợp tình hình thực tế) là văn bản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về phúc lợi, điều kiện làm việc. Trong đó nhiều bản thỏa ước có nội dung nâng cao quyền lợi của người lao động như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng, chế độ đối với lao động nữ, chất lượng bữa ăn ca, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, thăm hỏi khi ốm đau hoặc trợ cấp khó khăn đột xuất…

Đơn cử, theo nội dung Thỏa ước Lao động tập thể được ký kết giữa Liên đoàn Lao động thành phố và Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An từ năm 2016, mức lương tối thiểu doanh nghiệp trả cho người lao động chưa qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 3,3% so với mức lương tối thiểu vùng; mức lương tối thiểu cho lao động qua đào tạo, học nghề phải tăng ít nhất 10,3% so với mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải bảo đảm tăng mức phụ cấp ăn giữa ca, chế độ tham quan và các khoản trợ cấp khác cho công nhân, người lao động...

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 75, Bộ luật Lao động 2019, Thỏa ước Lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Trong đó, thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một (hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động) với một bên là một (hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động) nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Bản thân người lao động không thể trực tiếp ký kết Thỏa ước Lao động tập thể với chủ doanh nghiệp mà phải thông qua tổ chức Công đoàn. Do đó, đối với trường hợp đơn vị sử dụng lao động không có tổ chức Công đoàn cơ sở, người lao động có thể yêu cầu Công đoàn cấp trên đại diện đàm phán và ký thỏa ước theo quy định tại Điều 17, Luật Công đoàn 2012 và điểm a, khoản 1, Điều 18, Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 3-2-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Ngoài Thỏa ước Lao động tập thể, Liên đoàn Lao động thành phố tích cực phối hợp Bảo hiểm xã hội (BHXH) các nội dung liên quan đến chính sách bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Cụ thể, trong chương trình công tác phối hợp giai đoạn 2016-2021, hai đơn vị đã tổ chức 77 buổi đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm nhân thọ cho gần 7.000 người lao động; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 141 doanh nghiệp, kịp thời truy thu nợ đọng bảo hiểm…

Giai đoạn 2022-2025, Liên đoàn Lao động và BHXH thành phố tiếp tục phối hợp nghiên cứu nội dung đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Việc làm; đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về các loại bảo hiểm nói chung, trong đó có BHXH, BHYT tự nguyện. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo về BHXH, BHXH tự nguyện…

Tính đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố quản lý 1.737 Công đoàn cơ sở với 107.352 đoàn viên, tạo cơ sở vững chắc trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Bên cạnh những kết quả nổi bật trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, các tổ chức Công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với người sử dụng lao động phát huy tốt dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, khi xảy ra tai nạn lao động, Công đoàn cơ sở có trách nhiệm giúp người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; đồng thời giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hạn chế các vụ tranh chấp lao động tập thể có thể xảy ra.

Có thể nói, việc tham gia sinh hoạt trong các tổ chức Công đoàn giúp người lao động có thêm “tấm khiên” bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Dù vậy, ở khía cạnh nào đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị chưa coi trọng vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn, chưa kể không ít Công đoàn cơ sở ngại va chạm hoặc bị đơn vị sử dụng lao động chi phối nên chưa mạnh dạn đề xuất những kiến nghị, giải pháp liên quan đến lợi ích của người lao động.

HUỲNH LÊ

.