Đà Nẵng cuối tuần

Giới hạn nào cho sự hư cấu trong phim?

14:25, 23/07/2022 (GMT+7)

Bộ phim điện ảnh Em và Trịnh trong những ngày qua đã gây nhiều tranh cãi với một câu chuyện được đặt ra: Giới hạn nào cho những hư cấu nghệ thuật khi làm phim liên quan tới những nhân vật nổi tiếng?

Cảnh trong phim Em và Trịnh.
Cảnh trong phim Em và Trịnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, các đoàn làm phim có quyền khai thác những nhân vật có thật. Và họ có thể dùng các thủ pháp nghệ thuật để kể chuyện, có quyền thêm thắt chi tiết chứ không phải bê nguyên hiện thực.

Trong khi đó, khái niệm “hiện thực” quanh những nhân vật nổi tiếng cũng có thể có quan điểm, góc nhìn khác nhau. Nếu là sự kiện thì chỉ có 1, nhưng những câu chuyện liên quan các nhân vật quanh sự kiện đó thì mỗi người có một ký ức, một cách kể khác nhau…

Ở chiều ngược lại, những nhân vật “bằng xương bằng thịt” có quyền lên tiếng, thậm chí có quyền gửi đơn kiện ra tòa khi các đoàn phim “bịa chuyện” về họ.

Trên thế giới đã xuất hiện xu hướng làm phim về những nhân vật có thật, và cũng thường phải đối diện với các phản ứng trái chiều của dư luận, đặc biệt của chính người trong cuộc. Ông Lương Công Hiếu, đại diện Galaxy EE, nhà sản xuất Em và Trịnh dẫn ra bộ phim The Social Network (Mạng xã hội) sản xuất năm 2010, nói về sự hình thành mạng xã hội Facebook. Phim lấy đúng tên thật và nhiều chi tiết tiểu sử của Mark Zuckerberg. Dù có ý kiến chê The Social Network “bịa ra nhiều thứ” khiến bộ phim hào nhoáng và u ám hơn thực tế nhưng bộ phim vẫn cực kỳ thành công về doanh thu và giành đến 3 giải Oscar, trong đó có giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. “Từ ví dụ này, có thể thấy “giống như thật” không phải là cơ sở để đánh giá chất lượng một bộ phim điện ảnh, kể cả khi phim lấy cảm hứng từ nhân vật, sự kiện có thật”, ông Hiếu lý giải.

Tuy nhiên, một số chuyên gia điện ảnh và luật sư lưu ý, làm phim về nhân vật có thật (còn sống hay đã qua đời) cần bảo đảm không bôi nhọ hay xâm phạm bí mật riêng tư của các nhân vật. Có những giới hạn bởi quyền nhân thân của nhân vật hoặc của những người mà tác phẩm đề cập. Người tạo ra tác phẩm điện ảnh có thể sáng tạo, chỉnh sửa, thêm thắt các tình tiết để tác phẩm hay hơn và hấp dẫn hơn, nhưng việc sáng tạo này không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật có thật mà tác phẩm đề cập.

NSND Nhuệ Giang cho rằng, các nhân vật có thật có quyền lên tiếng về việc không cảm thấy hài lòng trước hình tượng của họ được đưa lên phim. Mỗi người đều khẳng định giữa họ và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có một chút tình cảm yêu đương, mà chỉ là tình bạn trong nghệ thuật. Nhưng khi lên phim, mối quan hệ này được lãng mạn hóa, hay ngôn tình hóa, rất dễ khiến khán giả hiểu lầm.

Dường như muốn xóa tan những hồ nghi của dư luận quanh một số tình tiết trong phim bị xem là “không đúng sự thật”, ông Lương Công Hiếu nhấn mạnh Em và Trịnh là bộ phim lãng mạn, không phải phim tài liệu hay phim tiểu sử. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và ghi rõ trong phim “Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật”, chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không “copy” y nguyên sự thật ngoài đời vào phim”, ông Hiếu cho hay. “Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những góp ý về sự khác biệt trên phim và ngoài đời”, ông Hiếu nói.

THƯ HOÀNG

.