Hương dứa sau vườn

.

“Ở quê khuya nghe tiếng ếch nhái/ Bước ra sân là chạm mặt tuổi thơ/ Ngó phía nào cũng thơm mùi hoa trái/ Con đường mòn quanh co xưa mòn lối bùn lầy” (Ở quê - thơ Nguyễn Kim Huy). Rời chốn thị thành xô bồ, tôi tìm về quê nhà yêu dấu để nghe mùi thơm của muôn loài hoa trái; trong những mùi hương dân dã quen thuộc ấy có hương lá dứa sau vườn nhà. Cụm lá dứa tôi cầm trong tay vẫn xanh non, dù qua bao nhiêu năm lặng lẽ tàn rồi mọc vẫn tỏa ra một mùi hương dịu nhẹ như hương của làng quê một thời, vương vấn mãi không thôi…

Lá dứa là thảo dược giải cảm mạo, đau họng, bệnh gút, chữa đau nhức xương, tiểu đường… Ảnh: thichtrongcay.com.vn
Lá dứa là thảo dược giải cảm mạo, đau họng, bệnh gút, chữa đau nhức xương, tiểu đường… Ảnh: thichtrongcay.com.vn

Khu vườn nhà mẹ quanh năm cây trái sum suê, có gốc ổi trái vàng lủng lẳng cùng những lần trèo té xước tay chảy máu, cây vú sữa tán lá lấp lánh hai màu áo xanh và nâu, trái mít chín tới dậy mùi nơi đầu lưỡi… Trong kho ký ức tuổi thơ tôi về những mùi hương vườn quê, không thể thiếu mùi thơm thanh mát của cụm lá dứa nép mình khiêm tốn bên mé ruộng, dưới tán cây xoài già.

Mới đó đã 40 năm trôi qua. Nhớ ngày ấy, đám lá dứa nhỏ tẹo đã trở thành nơi “cải thiện thu nhập” cho gia đình tôi. Cứ chiều lại, khi cái nắng oi bức vừa dịu, tôi đội nón ra vườn bẻ lá. Trẩy đi những chiếc lá già bé tí và đang héo úa dưới gốc, tôi nhẹ nhàng tách từng cọng dứa, chỉ để lại vài chiếc lá non còn cuộn trong đầu búp. Cây dứa (còn gọi lá nếp, lá cơm nếp, lá dứa thơm…) là loại thân thảo mọc thành từng bụi, có mùi phảng phất hương vị của cốm, gạo nếp. Lá có hình dài và hẹp, thẳng tựa như chiếc kiếm đồ chơi nhựa của trẻ con. Mặt trên lá màu lục thẫm nhẵn bóng, mặt dưới có màu nhạt hơn, gân lá được phủ một lớp lông mịn; cuống lá có màu xanh nhạt và tươi non đến nõn nà.

Nhanh chóng rửa cọng để loại bỏ bụi đất, tôi bó thành từng lọn nhỏ, 12 lọn thì cột thành một bó; loáng một cái đã có hơn chục bó, xếp gọn gàng chờ mai đến chợ sớm, bán xong gửi quang gánh rồi ôm cặp đến trường. Sau một lần hái, những cụm búp non để lại tiếp tục lớn và tụm lại dưới gốc như nan quạt.

Cứ thế, hai tuần sau, tôi tiếp tục thu hoạch để bán cho các chị, các cô làm bánh mứt, hương liệu nấu ăn hay tạo màu cho các món…

Đám lá dứa ấy không phải tự nhiên mà có, chúng mọc từ bàn tay mẹ tôi. Sau một buổi đi gặt về, trên tay mẹ có cả một bó gốc. Mẹ lặng lẽ ra sau mé ruộng nơi có vạt đất ẩm cỏ mọc hoang đầy, chỉ một loáng gốc dứa chi chít lấn dần cái rậm rạp biếng lười của cỏ. Và chỉ mươi hôm, những mầm xanh của đám dứa thay nhau vươn dậy. Mũi tôi hôm nay vẫn còn dậy lên mùi hương của nồi khoai mẹ nấu với lá dứa thơm ngát; mùi nồi xôi cúng rằm mẹ kèm thêm lá dứa; nồi sắn hấp dừa không có lá dứa thì mất đi một hương vị rất riêng. Bao nhiêu năm nay, đám lá vẫn còn đó lặng thầm xanh trong muôn màu xanh cây trái vườn nhà, dù mẹ tôi đã về miền mây trắng.

Hôm nay về quê, thơ thẩn ra vườn nhặt nắm củi đun nồi nước gội đầu, hái chùm bồ kết nướng và cho vào đôi chiếc lá dứa, tôi như nghe cả mùi hương cũ kỹ trên mái tóc dài óng mượt của chị tôi ngày xa xưa ấy. Dù mái tóc của chị em tôi hiện tại gội đủ loại dầu nhưng hương mùi và độ mượt không bao giờ sánh được với nước gội bồ kết pha lá dứa bình dị. Nhắc lại lá dứa, tôi chợt thèm ly sữa đậu nành, chén đậu hũ của người bán dạo, mùi thơm của nước đậu chín, mùi đường thắng với gừng quyện trong mùi lá dứa nghe thân thương một cách lạ lùng.

Lá dứa không chỉ là loại cây tạo hương liệu đặc trưng trong ẩm thực mà còn là loại thảo dược quý giá để giải cảm mạo, đau họng, bệnh gút, chữa đau nhức xương, tiểu đường. Với các bạn trẻ, lá dứa còn là nguyên liệu để làm thạch lá dứa, kem sâm dứa… Trời nắng nóng, cốc thạch có màu xanh trong hay ly kem mát lạnh thoang thoảng mùi hương dìu dịu, vừa thỏa con mắt nhìn, vừa tiêu tan cơn khát khô cháy họng.

Riêng với tôi, những thế hệ lớn lên và trưởng thành trong những năm tháng đói khổ, hương vị lá dứa gợi nỗi nhớ về những món ăn ngày xưa chưa được thỏa. Hiện tại, những món ăn quen thuộc ấy có thể không còn ngon một cách lạ kỳ, nhưng vị mát thanh của lá dứa mãi là hương mùi của làng quê đáng nhớ, hương vị trong lành của đồng đất nuôi lớn tâm hồn tôi. Và trong tôi vẳng lên câu hát mà thường ngày nhẩm thuộc: “Về đây nghe em/ Về đây nghe em/ Về đây mặc áo the, đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ Và về đây nghe lại tiếng nôi/ Thơ ấu khúc hát ban đầu” (Về đây nghe em, nhạc sĩ Trần Quang Lộc).

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.