NGƯỜI XỨ QUẢNG

Tản mạn về tính hiếu thắng của người Quảng

.

1. Người Quảng hay cãi nhưng chắc sẽ… không cãi nếu ai đó khen dân Quảng hiếu học, thậm chí có khi còn phụ họa thêm rằng không hiếu học sao có được Ngũ phụng tề phi - 5 người đỗ cao trong cùng một khoa thi, không hiếu học sao trở thành trung tâm khai dân trí của cả nước với hàng chục nghĩa thục tấp nập người đến lớp trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX? Ngược lại, nếu ai đó chê dân Quảng hiếu sắc, thường được đọc trại thành háo sắc - và dẫn chứng câu ca Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành, nhất định dân Quảng sẽ cãi lại rằng đấy chỉ là vì yêu cái đẹp - các cô gái Huế xinh đẹp thế, đáng yêu thế, bỏ đi sao được!

Hoặc ai đó chê dân Quảng hiếu thắng, thường được đọc trại thành háo thắng, lập tức dân Quảng cũng sẽ cãi lại rằng đấy chẳng qua là khát vọng vươn lên, là ý chí tiến thủ, và nói thêm rằng sở dĩ được thiên hạ vinh danh Quảng Nam hay cãi là bởi người Quảng hiếu thắng, muốn dùng lý lẽ để tranh thắng, tranh hơn trong các cuộc tranh luận không chỉ với thiên hạ mà còn giữa người Quảng với nhau! 

2. Thực ra, háo sắc không đơn thuần là biến âm, đọc trại từ hiếu sắc; háo thắng cũng không đơn thuần là biến âm, đọc trại từ hiếu thắng. Không ai biến âm, đọc trại hiếu học thành háo học cả, bởi hiếu học thực sự là một phẩm chất. Trong khi đó, nếu hiếu sắc và hiếu thắng bị biến âm, đọc trại thành háo sắc và háo thắng với hàm ý xem đấy là thói tật đáng chê trách, thì dẫu người Quảng hay cãi và cãi hay đến mấy cũng khó biện minh nổi. Người háo thắng thường ăn nói hàm hồ, luôn thẳng thừng bài bác ý kiến người khác và/vì cho mình là duy nhất đúng; và người Quảng đã phê phán kiểu độc quyền chân lý như vậy bằng hai chữ “trổ trời” đầy ấn tượng.

Trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn Nam Cao từng mượn lời nhân vật Hộ để chuyển tải thông điệp rất đáng suy ngẫm về cách hiểu thế nào là kẻ mạnh: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Do vậy, háo thắng, “trổ trời” đến mấy cũng khó được xem là kẻ mạnh, khó trở thành người thắng cuộc!

3. Hiếu thắng khác với háo thắng - bởi đúng là háo thắng đáng chê trách, nhưng hiếu thắng thì có thể trở thành một động lực tinh thần thôi thúc dân Quảng quyết không chấp nhận tâm lý thụ động được chăng hay chớ, quyết vươn lên tự khẳng định mình, quyết vượt lên giành vị trí thứ bậc cao hơn so với những người cùng hội cùng thuyền.

Nhờ hiếu thắng mà dân Quảng có động lực để hăng hái thi đua, bởi thi đua không chỉ là phấn đấu sao cho bản thân hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay, mà còn và quan trọng hơn là phấn đấu sao cho có thể vượt trên người khác. Cũng nhờ hiếu thắng mà dân Quảng không cam chịu thất bại và nhất là có khả năng đứng dậy, vượt lên từ thất bại, biến thất bại thành mẹ của thành công…

Có thể nói, người Quảng hiếu thắng nhất là trong chuyện học hành. Chẳng hạn, niềm tự hào về quê hương Ngũ phụng tề phi cũng là một biểu hiện hiếu thắng của người Quảng trên lĩnh vực học tập. Biểu hiện hiếu thắng của người Quảng trên lĩnh vực học tập còn nằm ở câu chuyện Ông Ích Khiêm thi đỗ cử nhân khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên năm Đinh Mùi 1847 niên hiệu Thiệu Trị thứ 7. Đây là một khoa thi Hương rất đặc biệt bởi đích thân vua Thiệu Trị yêu cầu được ngự lãm một số bài thi - điều hiếm khi xảy ra với các khoa thi Hương: “Truyền chỉ cho quan trường đợi sau khi chấm quyển xong, chọn những quyển văn có thể xem được, lấy dăm ba quyển phong kín tiến lãm”.

Và khi vua Thiệu Trị có ý nghi ngờ về kết quả thi của Ông Ích Khiêm - cử nhân 15 tuổi, trẻ nhất trong những người thi đỗ, muốn trực tiếp kiểm định trường hợp này bằng cách triệu đương sự vào cung gặp vua để làm một bài thơ theo chủ đề do vua đưa ra - Thiếu niên đăng khoa cao, Ông Ích Khiêm buộc phải tỏ rõ tính hiếu thắng về trình độ học vấn và thực chất chất lượng học tập của mình, và rốt cuộc vua Thiệu Trị đã công nhận thiếu niên đăng khoa Ông Ích Khiêm.

4. Biểu hiện hiếu thắng của người Quảng trên lĩnh vực học tập cũng còn nằm ở câu chuyện ông Án Nại Nguyễn Hanh khi được cử làm chánh chủ khảo khoa thi Hương tại trường thi Nghệ An. Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy trong sách Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 1998) kể rằng, sĩ tử trường thi Nghệ An biết Nguyễn Hanh chỉ mới đậu giải nguyên - thủ khoa nhưng cũng vẫn là cử nhân “cơm chấm cơm” - chứ không phải tiến sĩ hay phó bảng, liền tỏ ý coi thường rồi kháo nhau “ai chứ ông chánh chủ khảo người Quảng này thì trăm điều cũng chẳng sợ”.

Nguyễn Hanh cũng đã tỏ rõ tính hiếu thắng về trình độ học vấn và thực chất chất lượng học tập của mình bằng cách ra một đề thi hiểm hóc liên quan tới hai chữ “trăm điều” ấy, khiến các học trò xứ Nghệ trong suốt buổi thi đều phải thở dài cắn bút: “Thất thập nhị hiền hà hiền hà đức; nhị thập bát tú hà tú hà tinh” (72 người hiền, ai là hiền, ai là đức; 28 tinh tú, sao nào là tú, sao nào là tinh?).

Không cắn bút sao được khi người ra đề cực kỳ uyên bác đã cố tình kiểm tra kiến thức về nhân vật chí Nho giáo và về thiên văn học cổ đại, và rõ ràng 72 cộng với 28 cũng là vừa đủ một trăm, đúng con số thí sinh ngụ ý coi thường tài học của thầy chánh chủ khảo!

5. Ranh giới giữa hiếu thắng và háo thắng nằm ở chỗ biết hay không biết “thắng” - nói theo phương ngữ Nam Bộ nhằm diễn đạt ý biết hay không biết dừng lại. Người háo thắng không biết dừng lại ở chỗ cần dừng, không biết liệu cơm gắp mắm, không biết tự lượng sức mình, lúc nào cũng ảo tưởng cho mình là nhất, nên rất dễ “mất thắng” - cũng nói theo phương ngữ Nam Bộ, hàm nghĩa sẽ có khả năng phải đối mặt với hiểm nguy. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa từng rút ra bài học đối nhân xử thế: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.

Biết người biết ta tức là phải biết mình là ai trong tương quan với những người chung quanh để không tự ti mà cũng không tự cao tự đại, khinh địch chủ quan cho mình đứng trên thiên hạ, là cái rốn của vũ trụ, một cách háo thắng và háo danh - danh không đi đôi với thực, quên rằng “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”.

Người hiếu thắng vượt lên thiên hạ bằng thực lực tự thân cộng với chí tiến thủ và khát vọng dẫn đầu. Còn người háo thắng chỉ muốn vượt lên thiên hạ bằng ảo tưởng “ngựa non háu đá”, thậm chí mới thấy đỏ đã tưởng chín (nhưng không thực chất). Do vậy, người háo thắng thường phải giở bài… theo chuyện dân gian kiểu thi vẽ rồng - nhúng cả mười ngón vào đĩa mực rồi bôi nguệch ngoạc trên giấy để nói mình cùng lúc vẽ được những mười con “rồng đất” và cho rằng như vậy là đã thắng đối thủ vừa chăm chút vẽ xong một và chỉ một con rồng rất đẹp! Do bản tính thật thà chân chất cố hữu, nhiều người Quảng đã chấp nhận thua thiệt và/vì quyết nói không với các hành vi háo thắng kiểu khôn lỏi này.

TRẦN NGUYÊN HẬU

;
;
.
.
.
.
.