Nhật Bản đang trải qua làn sóng thứ 7 Covid-19 do biến thể phụ BA.5 của Omicron gây ra với số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất thế giới. Chính phủ kêu gọi người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân tuân thủ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Ảnh: EPA, EFE |
Các quan chức y tế Nhật Bản ghi nhận trung bình hơn 203.800 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong vòng 7 ngày, tính đến ngày 8-8. Theo thống kê của trang phân tích dữ liệu Our World in Data, đây là mức cao nhất thế giới, theo sau là Mỹ với trung bình hơn 124.800 ca và Đức với hơn 68.600 ca.
Bảo vệ những người cao tuổi và dễ bị tổn thương
Ngày 10-8, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục với hơn 250.400 ca. Hiện 20/47 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao chưa từng có, đứng đầu là thủ đô Tokyo, tiếp đó là hai tỉnh Osaka và Aichi.
Làn sóng thứ 7 Covid-19 bùng phát mạnh ở Nhật Bản chủ yếu do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan nhanh, gây áp lực lên hệ thống y tế và đe dọa khả năng mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, Nhật Bản chưa bao giờ áp lệnh phong tỏa “cứng”, chỉ kêu gọi người dân tránh đi du lịch và hủy bỏ các hoạt động không thiết yếu.
Với làn sóng thứ 7 này, chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố sẽ không áp đặt bất kỳ quy định hạn chế nào đối với các doanh nghiệp và người dân, nhưng mục tiêu quan trọng là bảo vệ nền kinh tế cũng như những người cao tuổi và dễ bị tổn thương. Điều đó chủ yếu do các đặc điểm của BA.5 - chủng virus đang chiếm ưu thế và một số công cụ (vắc-xin và các loại thuốc khác nhau) cũng có sẵn. Dòng phụ BA.5 dễ lây lan nhưng ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đó. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Nhật Bản khá thấp, trong 100.000 ca mắc thì có khoảng 235 ca tử vong.
BA.5 được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào cuối tháng 5-2022. Theo GS. Tetsuya Mizutani tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo - chuyên gia nghiên cứu về SARS-CoV-2, BA.5 có ít nhất 34 đột biến so với biến thể gốc. Trong số 34 đột biến này, 3 đột biến làm suy yếu tác dụng của vắc-xin, dẫn đến việc các kháng thể do vắc-xin tạo ra gặp khó khăn khi nhận diện các protein gai, làm giảm tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập virus vào cơ thể con người.
Sắp ra mắt loại vắc-xin mới ngừa Covid-19
Một vấn đề mà đất nước hoa anh đào đang đối mặt là tình trạng thiếu nhân viên y tế. Theo đó, chính phủ rút ngắn thời gian tự cách ly những người tiếp xúc gần với các ca mắc Covid-19 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Nếu những người này có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai và thứ ba sau khi tiếp xúc, thời gian cách ly có thể giảm còn 3 ngày.
Hơn nữa, các bộ xét nghiệm cũng được phân phối tại nhà để người dân tự xét nghiệm nếu nghi mắc Covid-19. Chính quyền các địa phương có thể tự ban bố những biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường hợp hệ thống y tế trên địa bàn có nguy cơ quá tải.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nói rằng, chính phủ sẽ tập trung tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, đồng thời mở rộng độ tuổi tiêm mũi thứ tư vắc-xin ngừa Covid-19. Nước này bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ tư hồi cuối tháng 5-2022, nhưng giới hạn ở những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền từ 18-59 tuổi.
Chính phủ Nhật Bản còn dự kiến đưa vào sử dụng loại vắc-xin ngừa Covid-19 mới do hai công ty dược của Mỹ là Pfizer và Moderna phát triển, có hiệu quả trong việc chống lại biến chủng Omicron. Vắc-xin này sẽ ra mắt vào đầu tháng 10.
Các chuyên gia đề nghị xem Covid-19 tương đương cúm mùa Một nhóm gồm 18 chuyên gia y tế và kinh tế vừa kêu gọi chính phủ Nhật Bản đưa Covid-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, nghĩa là ngang với cúm mùa, nhằm giảm gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng. Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được xếp 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp nhóm 1. Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần. Nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Covid-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” ngoài 5 nhóm nói trên.Theo đó, Covid-19 được xem có mức độ nguy hiểm tương đương những bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh nhóm 1. Nếu Covid-19 được xếp vào nhóm 5, chính phủ sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện và phòng khám sẽ không phải báo cáo tất cả ca mắc với trung tâm y tế công cộng. |
KHÁNH LINH (theo Japan Times, AFP, UPI)