Đà Nẵng cuối tuần

Tặng nhau nụ cười

06:25, 18/09/2022 (GMT+7)

Đi chợ mang theo lá - tưởng chỉ có trong mơ, hay ở những miền ký ức tuổi thơ xa ngái, nhưng hoàn toàn có thật.

Chợ lá, nghe tên đã lâu nhưng năm nay tôi mới có dịp tham gia, nhân chuyến đi thăm người thân ở gần đó. Hái một ít lá, tôi dùng thay cho tiền để đến chợ mua hàng.

Dọc đường đi, tôi nhớ về kỷ niệm tuổi thơ của mình. Chúng tôi dùng lá để trao đổi với nhau những món đồ chơi tự làm như đồng hồ từ lá dừa, dây chuyền từ nụ hoa nhài, ống thụt từ cành đu đủ…, cả thức ăn của nhà mang tới như nắm xôi đậu, củ khoai, trái cam hái trong vườn nhà…

Có mấy anh lớn hơn còn cất công đặt lợp bắt cá dưới sông, đi vớt tép, mò cua… rồi nhóm than làm quầy nướng. Món nướng, nghe hấp dẫn vậy chứ tụi trẻ con ở vùng quê sông nước được ăn mỗi ngày nên không hẳn thèm thuồng. Chúng tôi chỉ ham vui là chính.

Những đứa cao nhất nhận nhiệm vụ vào vườn chuối, ngửa cổ chọn những tàu lá chuối to nhất, không bị rách, đốn xuống dựng chòi. Mỗi chòi là một gian hàng với các loại sản phẩm được bày ra. Những dịp “mở chợ” quy mô như vậy, người lớn biết tụi trẻ chơi trong vườn nên yên tâm, chỉ dặn dò cẩn thận củi lửa và coi chừng các em nhỏ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có điều, chợ chẳng có giờ tan, giờ họp. Có những phiên chợ chẳng biết tan hồi nào. Người lớn không thấy con về bèn ra tìm, nhìn bọn trẻ ngủ lăn lóc ngon lành trong chòi, liền đét đít cho tỉnh ngủ rồi ẵm về nhà.

Đến giờ, tiếng cười trong những căn chòi dựng bằng những tàu lá chuối vẫn vang vọng trong tôi, như một phân đoạn thú vị trong bộ phim về cuộc đời.

Vậy mà giờ tôi được “sống lại” với phiên chợ lá ngay ở đời thực. Tôi mang theo ít lá, và đúng như người nhà tôi từng tham gia chia sẻ “bảo đảm đông vui”, không khí ở chợ náo nhiệt với người bán, người mua. Tuy chợ đông nhưng vẻ mặt ai cũng giãn ra với nụ cười thường trực.

Người mua chọn hàng mình cần, rồi trả một chiếc lá cho người bán. Cả hai cùng nói lời cảm ơn và trao cho nhau nụ cười an lành. Tôi cảm giác như mình đang ở trong không gian của những câu chuyện cổ tích.

Tôi chọn gói xôi bắp của một thím ngồi góc trong cùng. Xôi bắp của thím gói sẵn thành từng gói trong lá chuối. Có cả cái muỗng cũng được xếp từ cọng dừa. Thím nói như vậy để đưa cho khách hàng cho nhanh, chứ ra đó mới gói, để người ta chờ lâu tội.

“Ở đây có tặng niềm vui!” - tôi thoáng thấy dòng chữ trên tấm bảng khổ giấy A5, nhưng đã xuôi theo dòng người nên không kịp thấy sản phẩm của quầy đó là gì.

Tôi nhận ra nơi này không chỉ có những loại thức ăn, quà quê mà còn có nguồn năng lượng của sự an lành, của cho đi và nhận lại. Không chọn lựa, không trả giá, không lời qua tiếng lại. Tất cả chỉ có nụ cười và lời chúc tặng nhau. Không gian cổ tích ấy như thứ thần dược để khách hàng và cả người bán hàng tạm quên đi những lo toan trong cuộc sống, tìm về mảnh vườn tuổi thơ trong trẻo, mát lành. Cuộc sống bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng biết bao!

Được biết, chợ lá do bác sĩ Bùi Quốc Thái sáng lập, phiên chợ đầu tiên diễn ra vào năm 2010 ở tỉnh Tây Ninh. Mỗi năm chợ lá được tổ chức duy nhất một ngày. Năm nay, ngoài Tây Ninh, Cà Mau cũng lần đầu tiên tổ chức chợ lá.

Tôi đặc biệt thích thông điệp mà bác sĩ Bùi Quốc Thái gửi đến mọi người thông qua chợ lá: “Tiền chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống, mọi người hãy sống với sự thiện lương, đừng vì tiền mà đánh mất lương tâm”.

Và tôi ấn tượng cả những khuôn mặt rạng rỡ của người bán, người mua. Ở một góc khác, tôi nghe chị bán hàng trò chuyện cùng một phóng viên ghi hình. Tôi nghe lẫn trong tiếng gió, tiếng lá reo, lời chị: “Ở quê mà em, đâu có gì nhiều ngoài nụ cười tặng bà con…”.

Nụ cười thôi, sao mà quý, mà thương quá đỗi!

Cần lắm những giây phút thư thái ấy để thấy cuộc đời vẫn đọng lại thật nhiều điều tươi đẹp, đáng quý trọng!

ÁNH HƯỜNG

.