Đà Nẵng cuối tuần

Phan Châu Trinh với khát vọng canh tân đất nước

14:51, 17/09/2022 (GMT+7)

Phan Châu Trinh sinh ra và lớn lên trong thời cuộc hết sức đặc biệt, khi lịch sử thế giới và Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề của thế kỷ. Đây là thời kỳ chuyển tiếp mang tính bản lề của khúc quanh của lịch sử với rất nhiều biến cố trọng đại, đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới tư tưởng và hoạt động của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Cùng với tư tưởng truyền thống, ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây đã manh nha trong xã hội nho giáo Việt Nam, hình thành những tư tưởng canh tân đất nước.

Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 9-9-2022, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Phan Châu Trinh (9-9-1872 - 9-9-2022). Ảnh: LÊ TRUNG
Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 9-9-2022, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Phan Châu Trinh (9-9-1872 - 9-9-2022). Ảnh: LÊ TRUNG

Tư tưởng dân quyền, dân chủ của Phan Châu Trinh

Để tìm con đường phát triển đất nước, trong dòng chảy của phong trào yêu nước và tư tưởng cải cách, mở cửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đau xót trước cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man người Việt Nam, Phan Châu Trinh đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa - xã hội Việt Nam và nhận thấy sự thua kém về văn hóa - xã hội của Việt Nam so với phương Tây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất nước, bị đô hộ ngày càng khốc kiệt. Từ đó, ông chủ trương: Trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà phải đòi dân quyền, dân chủ với nhiệm vụ cấp bách là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Phan Châu Trinh cho rằng, thực hiện những giải pháp trên có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm “tự lực khai hóa”, vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền. Phan Châu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị hiện hành. Trong thư gửi toàn quyền Bô (Beau) năm 1906, Phan Châu Trinh chỉ trích chính phủ Pháp không lo mở mang khai thác hóa cho dân mà chỉ lo thu thuế nhiều, nên dân đã khổ càng khổ hơn. Ông đề nghị chính quyền thuộc địa Đông Dương nên thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam, cải tổ mọi chính sách cai trị. Bức thư đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước.

Phan Châu Trinh cũng viết bản điều trần về cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908 ở miền Trung Việt Nam gửi Liên minh Nhân quyền. Cũng trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, cho rằng không thể nhìn Việt Nam một cách cô lập mà phải đặt trong mối quan hệ với thế giới, trước nhất là với các nước mạnh và với nước Pháp, cũng như không thể chỉ nhìn hiện tại mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và tìm hiểu xu thế phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lẫn thế.

Phan Châu Trinh hoan nghênh việc Phan Bội Châu đã vận động được thanh niên ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song, ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng bảo hoàng của Phan Bội Châu.

Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh lịch sử mới, Phan Châu Trinh có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ XX về con đường phát triển đất nước. Đặc biệt, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu ôn hòa, bất bạo động. Đây là điểm khác biệt giữa ông và Phan Bội Châu. Phan Châu Trinh xem vấn đề dân chủ còn cấp bách hơn độc lập và tin rằng có thể dùng luật pháp, cách cai trị có quy củ theo kiểu Âu Mỹ để quét sạch những hủ bại của phong kiến.

Ra sức thức tỉnh đồng bào đi theo con đường duy tân

Những sự kiện lịch sử thế giới và nước Pháp diễn ra từ năm 1911-1925 khi Phan Châu Trinh sống và hoạt động ở nước Pháp có tác động mạnh nhất đến tư tưởng và hoạt động của ông.

Tháng 10-1911, chỉ 5 hoặc 6 tháng sau khi Phan Châu Trinh sang Pháp, cuộc cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc) nổ ra, lật đổ chế độ phong kiến đã tồn tại ở đất nước này hàng nghìn năm. Cuộc cách mạng Tân Hợi và thắng lợi của công cuộc Duy tân Nhật Bản đã tác động không nhỏ tới nhận thức của Phan Châu Trinh. Trong rất nhiều bài nói chuyện, diễn thuyết trước kiều bào mình ở Pháp, Phan Châu Trinh thường nêu những ví dụ điển hình của Trung Quốc và Nhật Bản về sự thức tỉnh châu Á. Phan Châu Trinh ra sức thức tỉnh đồng bào đi theo con đường duy tân trên tinh thần tự cường để tiến đến văn minh, dân chủ và tiến bộ, theo kịp bước tiến của thời đại lúc bấy giờ.

Tiếp đến là những hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả của Liên minh Nhân quyền của các nghị sĩ cánh tả và những yếu nhân tiến bộ ở trong Quốc hội Pháp, đấu tranh cho việc thực thi nội dung tiến bộ của Cách mạng Tư sản Pháp 1789; hoạt động mạnh mẽ của Đảng Xã hội Pháp; sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp… Đó còn là hoạt động của nhiều nhà Việt Nam yêu nước trong Hội Những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, như Khánh Ký, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc…; hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa tại Pháp… Tất cả những sự kiện có ý nghĩa này đã góp phần làm thay đổi tầm nhìn, tư tưởng và phương thức đấu tranh của Phan Châu Trinh. Cũng chính qua những hoạt động đó, trong con mắt của người Pháp đương thời, Phan Châu Trinh được đánh giá là đại biểu tiêu biểu nhất cho khuynh hướng dân chủ ở Việt Nam.

Tư tưởng dân quyền, dân chủ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, hay tư tưởng “tam dân” của Phan Châu Trinh là sự kế tục của dòng chảy duy tân, cải cách ở Việt Nam của lớp người đi trước xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX và vượt qua những hạn chế, sự kỳ thị đương thời, đã vươn lên tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, nhằm mục đích giải phóng dân tộc.

Tuy nhiên, đường lối dân chủ, cải cách của Phan Châu Trinh lại dựa vào chính quyền thuộc địa Pháp để tiến hành nên chỉ dừng lại ở tư tưởng, khát vọng vì không có điều kiện thực tế để thực hiện.

Cho đến những năm tháng sống ở Pháp, trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn của mình, Phan Châu Trinh vẫn trung thành quan điểm dựa vào chính quyền thuộc địa Pháp để thực hiện cải cách, dân chủ. Chính Phan Châu Trinh trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18-2-1922 cũng chua chát thừa nhận: “Bấy lâu nay, bọn mình bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao, cái khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Lư Thoa khởi xướng chẳng nhỏ được một giọt nào trên đất Việt Nam”.

Để tìm tòi con đường phát triển đất nước, các phong trào yêu nước ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX nổi bật lên hai xu hướng chính, trong đó một xu hướng mới là xu hướng dân chủ, cải cách do chí sĩ Phan Châu Trinh đứng đầu, lựa chọn một con đường, một hướng đi mới manh nha trong lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng theo ngọn cờ dân chủ tư sản: mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, nhằm làm cho thương gia người Việt giành ưu thế trên chính mảnh đất quê hương mình, lập các đoàn, lập các hội để bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau, đấu tranh đòi thực hành dân chủ hóa xã hội.

Sự phát triển của xu hướng cứu nước theo tư tưởng Phan Châu Trinh về nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, hậu dân sinh chứng tỏ yêu cầu phát triển xã hội đòi hỏi phải tiếp thu những yếu tố tích cực của thế giới; đồng thời phản ánh xã hội Việt Nam chưa xuất hiện những tiền đề cần thiết chín muồi cho một đường lối phát triển đúng đắn, phù hợp.

Ngày nay, sau thắng lợi hoàn toàn của cách mạng dân tộc dân chủ, đất nước ta có Đảng Cộng sản lãnh đạo, có Nhà nước xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, có Mặt trận dân tộc thống nhất và các tổ chức chính trị - xã hội, đó là những tiền đề cần thiết để bảo đảm thực hiện dân chủ. Đó cũng là điều kiện cần thiết để biến khát vọng “khai dân trí, chấn hưng dân khí, hậu dân sinh” được thực thi và thành công trong thực tiễn.

PGS.TS TRƯƠNG MINH DỤC (Học viện Chính trị khu vực III)

.