Thức ăn kỵ thuốc Đông y

.

* Tôi nghe nói trong Đông y có các vị thuốc kiêng kỵ dùng chung với một số thức ăn và ngay cả một số thức ăn cũng kiêng kỵ khi dùng chung với nhau bởi chúng gây ra những tác hại cho sức khỏe. Xin cho biết đó là những trường hợp nào? (Mai Ngọc Trung, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)

Cần chú ý đến sự tương kỵ các loại thức ăn với nhau để tránh nguy hại đến sức khỏe. Ảnh: V.T.L
Cần chú ý đến sự tương kỵ các loại thức ăn với nhau để tránh nguy hại đến sức khỏe. Ảnh: V.T.L

- Trong kho tàng kinh nghiệm dùng thuốc của y học cổ truyền phương Đông, có một mảng tri thức quan trọng nhưng xưa nay ít được chú ý đúng mức: Đó là sự tương kỵ giữa thức ăn và thuốc Đông y. Nếu phạm phải những điều cấm kỵ này, không chỉ làm giảm hoặc mất tác dụng chữa bệnh của thuốc, mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể gây chết người trong khoảnh khắc.

Đúc kết từ các y văn cổ, Đông y sĩ Đặng Ánh Tuyết đã lược thuật một số thức ăn và vị thuốc Đông y tương kỵ qua bài viết “Thức ăn kỵ thuốc trong Đông y” đăng trên đặc san Những cây thuốc quý số 10 (Hội Dược liệu Việt Nam).

Theo đó, không riêng thầy thuốc mà cả bệnh nhân (người dùng thuốc) đều phải nắm rõ nội dung các điều cấm kỵ như sau:

Nhân sâm kỵ cải củ. Mật ong kỵ hành sống và rau hẹ. Hà thủ ô kỵ tất cả các loại huyết, cải củ, hành. Đơn sâm, phục linh, phục thần kỵ dấm và các thức chua. Hoàng liên kỵ thịt heo, nước lạnh. Bạc hà kỵ thịt ba ba. Kinh giới kỵ cá nóc, cá không vảy, thịt lừa, thịt ngựa, cua còng. Cam thảo kỵ thịt heo, rong biển, cải thìa. Uy linh tiên kỵ trà. Lê lô, tỳ ma tử (hạt thầu dầu) kỵ đậu rang. Quả thị kỵ thịt cua. Quy đầu kỵ thịt heo, rau dền. Hoài sơn kỵ miến. Tiên mao, ngưu tất kỵ thịt trâu, bò. Cát cánh kỵ thịt heo. Thương nhĩ tử kỵ thịt heo, thịt ngựa. Bổ cốt chỉ kỵ tiết heo. Ngô thù du kỵ thịt heo, tim heo. Mẫu đơn bì kỵ ngò, tỏi...

Những thức ăn và vị thuốc Đông y đối kỵ lẫn nhau trên đây xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn lâu đời, đã được tiền nhân đúc kết trong kho tàng thư tịch y học cổ truyền. Dù nay chúng ta vẫn chưa biết rõ vì sao chúng kỵ nhau, nếu đồng thời dùng chúng thì sẽ có phản ứng gì xảy ra bên trong, nhưng thiết nghĩ cẩn thận vẫn hơn.

Ngoài ra, cũng theo bài đã dẫn, theo truyền thuyết dân gian lâu đời, nhân dân cũng có nhiều kinh nghiệm về sự tương kỵ các loại thức ăn với nhau. Cụ thể như: Chuối chát (chuối sứ, chuối hột) không được ăn cùng mật đường, nếu ăn có thể ngộ độc chết người. Gan dê không được ăn cùng măng, nếu ăn sẽ hại mắt, bị mù. Thịt ba ba không được ăn cùng rau dền. Bào ngư không được ăn với mộc nhĩ, nếu ăn sẽ sinh bệnh phong, hai chân yếu lả. Hạnh nhân không được ăn dở sống dở chín, nếu ăn sẽ trúng độc thân thể, tím xanh mà chết. Thịt vịt không được ăn cùng thịt ba ba, quả mận, quả dâu. Thịt vịt trời không được ăn cùng mộc nhĩ, đậu xị, hồ đào nhục (thịt quả óc chó). Thịt dê không được ăn với bí đỏ (bí ngô). Đậu phụ không được ăn với dưa chuột. Quả đào, quả hạnh có hai nhân, quả dưa có hai cuống nếu ăn vào đều nguy hại đến sức khỏe.

Lược thuật những kinh nghiệm y học cổ truyền và y học dân gian về các thức ăn và thuốc tương kỵ trên đây chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, mong được bạn đọc và các thầy thuốc y học cổ truyền sưu tầm bổ sung thêm. Ngoài ra, từ những tư liệu đang tồn nghi này, rất mong các nhà khoa học các ngành liên quan cùng thăm dò, khảo sát, nghiên cứu và phổ biến để kết luận rộng rãi trong nhân dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.