Đà Nẵng cuối tuần

Hà Nội của một người và bao người

09:04, 30/10/2022 (GMT+7)

Cuốn tản văn “Lan man nghìn năm phố” do NXB Trẻ ấn hành năm 2022 là cuốn sách tiếp nối dòng cảm xúc viết về Hà Nội của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn. Đỗ Phấn là một họa sĩ, nhưng bút lực của ông khá dồi dào với hàng chục đầu sách đã được xuất bản và để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc, đặc biệt là loạt tác phẩm viết về Hà Nội như: “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Đi chơi bờ hồ”, “Hà Nội, chút bụi trên vai người”, “Hát mãi một mình”…

Những trang viết về Hà Nội của Đỗ Phấn khiến người đọc như thấy mình trôi giữa lòng Hà Nội, tan vào trong mỗi góc phố, hàng cây và chìm trong hương hoa sữa ngan ngát. Những câu chữ dường như thơm tho tựa ngọn gió thu se sắt vừa lùa qua góc phố. “Lan man nghìn năm phố” của Đỗ Phấn đã dẫn dắt người đọc đi khắp nơi, từ một Hà Nội quá vãng giờ chỉ còn trong hoài niệm đến một Hà Nội hôm nay với bao đổi thay chóng mặt. Nhưng đâu đó, người Hà Nội vẫn giữ lại cho mình những nếp cũ từ cách ăn, cách sống, bình dị nhưng tinh tế, thanh lịch đúng chất Hà thành.

Đỗ Phấn là một người yêu Hà Nội, say mê Hà Nội đến tột cùng, hiểu Hà Nội đến từng ngóc ngách. Như ông nói: “Tôi yêu Hà Nội vì đơn giản không còn nơi khác để yêu”. Tình yêu ấy trôi trong từng áng mây bay ngang trời, đọng trong mùi hương hoa sữa chùng chình giữa phố, trong tiếng chuông chùa bảng lãng khói sương. Một góc phố xanh rêu, một bóng cây cũ càng, một mái ngói trầm mặc trong bóng hoàng hôn đỏ rực đều gây những rung cảm mạnh mẽ trong ông, để rồi tất cả cảm xúc ấy theo con chữ đọng lại trong lòng người đọc.

“Lan man nghìn năm phố” gợi lại những ký ức xưa, đó là bóng dáng thấp thoáng của một Hà Nội những năm 60, 70. Khi đó, những cánh đồng xanh ngát bao quanh phố vẫn còn. Trẻ con thành phố còn biết chạy ra đồng bắt cua, bắt cáy. Ruộng đồng giờ đã thành cao ốc, hương lúa rì rào trong gió chỉ còn trong ký ức người già.

Người đọc còn “gặp” cụ Hiến, bác Phái, thầy Hậu… những người họa sĩ góp phần tạo nên hồn cốt Hà Nội. Dưới ngòi bút của Đỗ Phấn, họ hiện ra vừa chân thực, vừa hư ảo, như xa như gần. Phía sau những ánh hào quang rực rỡ, họ cũng có một cuộc đời thật bình dị, mộc mạc và cả những gian truân vất vả trong kiếp nghề, khác xa vẻ lấp lánh của những giá trị nghệ thuật trong hội họa mà họ để lại cho đời sau. Tôi đã gặp một Hà Nội vừa thân quen vừa xa lạ, gặp những người Hà Nội chỉ còn trong ký ức. Chính họ đã góp phần tạo nên dáng hình Hà Nội trong lòng mỗi người.

Qua trang viết của họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn, người đọc sẽ gặp một Hà Nội cầu kỳ trong cách ăn, cách ở. Đến một bát nước chấm cũng có biết bao nhiêu điều phải suy ngẫm. Nó thể hiện cách ăn uống tinh tế của người Hà thành. Người nấu và cả người ăn đều phải là người có cái lưỡi thật sành và vốn hiểu biết thật độc đáo để nhận ra rằng món nước chấm bánh cuốn không phải vắt vào đó một quả quất mà thật ra phải thay bằng vị chua của giấm tỏi. Người hiểu và sành như thế, giờ còn được mấy ai. Đọc “Lan man nghìn năm phố”, mới thấy tác giả là người sành ăn thật sự. Người đọc như được theo chân ông qua từng góc phố và chậm rãi thưởng thức từng món ngon. Có món vẫn còn tỏa hương trên phố, nhưng có món đã chìm trôi vào quá vãng nhớ nhung.

Chính những nhớ nhung khiến Đỗ Phấn luôn hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ, để rồi thi thoảng ông nhận ra “Sống giữa một Hà Nội xô bồ, nhộn nhịp, đôi khi lại thèm quay về cái không khí của một Hà Nội xưa, để được nghe tiếng chuông chùa Trấn Quốc lan man trên sương khói Hồ Tây, được ngắm nhìn những vòm cây ào ạt gió, được ngắm một Hà Nội không người”. Hà Nội đó, chỉ còn xuất hiện trong đôi ba ngày Tết. Khi mà người Hà Nội chẳng còn ai mặn mà ở nhà đón Tết. Họ đóng cửa nhà khi Tết đến và thiên di khắp nẻo. Khi hết Tết trở về, chợt nhận ra “Hà Nội vẫn y nguyên như cũ”.

“Lan man nghìn năm phố” và nhiều cuốn sách nữa của Đỗ Phấn viết về Hà Nội, giúp người đọc hiểu hơn về Hà Nội và yêu Hà Nội hơn rất nhiều.

LÊ HÀ

.