Đà Nẵng cuối tuần

Chụp ảnh qua kính hiển vi

16:46, 29/10/2022 (GMT+7)

Đoạt giải thưởng cuộc thi Nikon Small World - Thế giới nhỏ của Nikon 2022, bức ảnh của Eugenijus Kavaliauskas - nhiếp ảnh gia người Lithuania gây sự chú ý khi chụp cận cảnh khuôn mặt một con kiến dưới kính hiển vi.

Khuôn mặt kiến. Ảnh: Eugenijus Kavaliauskas
Khuôn mặt kiến. Ảnh: Eugenijus Kavaliauskas

Theo đó, Eugenijus Kavaliauskas đã bắt một con kiến, đặt nó dưới kính hiển vi và chụp cận cảnh khuôn mặt bằng máy ảnh Nikon. Bức ảnh siêu cận cảnh về chú kiến gây sự tò mò, hứng thú cho người xem bởi gương mặt quái dị, đôi mắt đỏ sẫm và biểu cảm giống như đang tức giận.

Nhiều người đùa rằng nhìn nó giống một gương mặt bước ra từ bộ phim kinh dị. Thậm chí, cư dân mạng còn ví von chú kiến mang khuôn mặt của “Orc” - sinh vật có hình dáng giống người, bộ dạng méo mó và xấu xí với khuôn mặt lai giữa vượn và lợn cùng những chiếc răng nanh, thường xuất hiện trong tác phẩm “Chúa tể những chiếc nhẫn” của nhà văn, tiểu thuyết gia người Anh John Ronald Reuel Tolkien  (1892-1973).

Dù hình ảnh khuôn mặt chú kiến được người xem chào đón và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội nhưng Kavaliauskas không nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Vinh dự đó thuộc về hai nhiếp ảnh gia Thụy Điển Grigorii Timin và Michel Milinkovitch, những người đã tạo ra hình ảnh huỳnh quang tuyệt đẹp về bàn chân trước của phôi tắc kè khổng lồ Madagascar. Hai tác giả sử dụng độ phóng đại 63x để ghi lại các tĩnh mạch và xương nhỏ của bàn tay. Sau đó, dùng kỹ thuật ghép ảnh ghép hàng trăm hình ảnh lại với nhau để tạo ra hình ảnh cuối cùng về con tắc kè.

Timin cho biết việc chuẩn bị mẫu là một thách thức lớn. Anh phải nhuộm huỳnh quang và làm sạch mô để chụp toàn bộ bàn tay của phôi thai bằng kính hiển vi tiêu điểm. “Bàn tay phôi thai này có chiều dài khoảng 3mm, một mẫu rất lớn cho kính hiển vi có độ phân giải cao. Quá trình quét bao gồm 300 ô, mỗi ô chứa khoảng 250 phần quang học và mất hơn hai ngày thu thập 200 GB dữ liệu”, Timin nói.

Nhờ thái độ làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, tác giả giúp người xem nhìn thấy sự phức tạp của các dây thần kinh có màu lục lam và xương, gân, dây chằng, da và tế bào máu. Timin cho biết: “Hình ảnh cụ thể này rất đẹp và nhiều thông tin, cho cái nhìn tổng quan, sáng tỏ các cấu trúc ở cấp độ tế bào. Cuộc thi Thế giới nhỏ của Nikon là cơ hội tuyệt vời để các tác giả chia sẻ vẻ đẹp của thiên nhiên ở cấp độ vi mô, không chỉ trong cộng đồng khoa học mà còn với công chúng”.

Cuộc thi Nikon Small World - Thế giới nhỏ của Nikon khởi đầu năm 1975, nhằm ghi nhận và tán thưởng những nỗ lực của người tham gia chụp ảnh qua ánh sáng kính hiển vi. Kể từ đó, Thế giới nhỏ trở thành nơi trưng bày hàng đầu của các nhà vi sinh vật học ở nhiều lĩnh vực khoa học. Năm 2022, cuộc thi nhận được 1.300 bài dự thi từ 72 quốc gia trên thế giới. Eric Flem, Giám đốc Truyền thông và CRM, Nikon Instruments cho biết: “Mỗi năm, Nikon Small World nhận hàng trăm hình ảnh chụp dưới hiển vi, thể hiện kỹ thuật và nghệ thuật khoa học mẫu mực. Năm nay cũng không ngoại lệ khi các tác phẩm thể hiện sự giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học, được cộng đồng quan tâm, đón nhận”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

.