Tranh của Mondrian dự kiến thu về hơn 50 triệu đô-la

.

Các đường viền đen đặc trưng trong tác phẩm của họa sĩ Piet Mondrian (Hà Lan) và các ô vuông màu sáng là một trong những hình ảnh nổi bật nhất của nghệ thuật trừu tượng hiện đại. Hiện tại, một trong những bức tranh giá trị nhất của ông đang được Công ty Sotheby’s bán đấu giá và dự kiến sẽ đạt hơn 50 triệu USD.

Tự họa -Tranh sơn dầu của Piet Mondrian.
Tự họa -Tranh sơn dầu của Piet Mondrian.

Bức tranh “Bố cục II”, mang dấu ấn nghệ thuật của Mondrian, sẽ được bán đấu giá tại Sotheby’s chi nhánh châu Âu vào ngày 14-11 tới đây. Tác phẩm nghệ thuật với các ô vuông màu xanh, đỏ, trắng và vàng, đang được nhà đấu giá quảng cáo là “một trong những tác phẩm có giá trị và quan trọng nhất của nghệ sĩ từng được chào bán trên thị trường”.

Thứ năm tuần qua, ông Julian Dawes, chuyên gia hàng đầu Nghệ thuật ấn tượng và hiện đại châu Mỹ tại Sotheby’s cho biết: “Các tác phẩm tinh hoa của Piet Mondrian hiếm khi được bán đấu giá vì nhiều tác phẩm được lưu giữ trong các bộ sưu tập bảo tàng danh giá nhất trên thế giới”. Ông nói thêm: “Cơ hội có được một bức tranh chất lượng như thế này thực sự chỉ có một lần trong một thế kỷ”.

Bức tranh được thực hiện năm 1930. Đây là một trong ba bức duy nhất có hình vuông màu đỏ chủ đạo ở phía trên bên phải. Hai tác phẩm nghệ thuật khác cùng đặc điểm này có kích thước nhỏ hơn và được lưu giữ trong các bộ sưu tập của bảo tàng. “Bức tranh “Bố cục II” đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật hiện đại và là biểu tượng cho sức hấp dẫn lâu dài của thẩm mỹ hiện đại, tạo sự cân bằng về ánh sáng, không gian”, Julian Dawes cho hay.

Piet Mondrian (1872-1944) người gốc Hà Lan, sống và làm việc tại New York (Mỹ). Ông là họa sĩ có đóng góp quan trọng trong sự phát triển nghệ thuật trừu tượng hiện đại và là thành viên chính của phong trào nghệ thuật trừu tượng Hà Lan - được gọi là De Stijl (phong cách). Trong những bức tranh nổi tiếng của mình, Mondrian kết hợp các đường thẳng, góc vuông và các màu cơ bản như đen, trắng, xám. Các tác phẩm có tinh thần tinh khiết, trang trọng thể hiện niềm tin của nghệ sĩ vào một vũ trụ hài hòa. Được biết, Piet Mondrian khởi đầu thời kỳ lập thể ở Paris và bị ảnh hưởng nhiều bởi ý tưởng này. Năm 1911, lần đầu tiên ông nhìn thấy tác phẩm lập thể thời kỳ đầu của các danh họa Pablo Picasso, Georges Braque và ấn tượng đến nổi quyết định chuyển đến định cư ở quận Montparnasse, Pari (Pháp) sinh sống vào đầu năm 1912.

Từ cơ sở này, Mondrian dần điều chỉnh các quy tắc của chủ nghĩa lập thể và tạo dấu ấn cá nhân, bắt đầu từ hai phiên bản still life (tĩnh vật) with Gingerpot, được thực hiện trong hai năm 1911, 1912. Trong phiên bản đầu tiên, các đối tượng được hiển thị dưới dạng hình thức dễ nhận biết từ cuộc sống hằng ngày; lần thứ hai, ông biến đổi những đối tượng tương tự thành những cấu trúc thành phần, đưa Mondrian hướng tới sự trừu tượng hơn bao giờ hết. Thời kỳ lập thể của Mondrian kéo dài từ năm 1912 đến năm 1917. Các tác phẩm của ông về cây cối, kiến ​​trúc trong thời kỳ này là bằng chứng cho thấy ông muốn giảm các hình thức riêng lẻ thành một công thức chung.

Mondrian giữ bên trong ranh giới của chủ nghĩa lập thể bằng cách sử dụng bảng màu hạn chế của chủ nghĩa lập thể gồm đất son, nâu, xám và sơn các khối màu lớn. Ông cũng quan sát sơ đồ bố cục theo trường phái lập thể, trong đó các phân chia hình học được sử dụng để bức tranh hướng về tiêu điểm trung tâm và các góc. Kết quả, Mondrian tạo ra nhiều bức tranh tối giản, giảm thiểu các yếu tố về bố cục, tránh đường cong và điểm nhấn đường chéo, chỉ sử dụng đường thẳng đứng và ngang. Từ năm 1913 trở đi, phong cách của ông bắt đầu phát triển theo hướng trừu tượng hóa toàn bộ.

Oliver Barker, Chủ tịch Sotheby’s chi nhánh châu Âu nói: “Qua tác phẩm của mình, rất ít nghệ sĩ đưa ra một tuyên bố táo bạo như Piet Mondrian - người có phong cách vẽ tranh trừu tượng thực sự kỳ lạ trong lịch sử hội họa. Tác phẩm của ông như một dòng điện phản ánh năng lượng hội họa ở châu Âu thời điểm đó và đến nay vẫn sống động như khi nó được vẽ cách đây gần 100 năm. Đó còn là phong cách hình học độc đáo và cách tiếp cận hiện đại của Mondrian được xem là sự trỗi dậy của nghệ thuật trừu tượng trong những năm 1940 và 1950”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.