Vườn nhà sau bão

.

Lúc bão đi qua cũng là lúc khu vườn bừng sáng nhờ hé ra đâu đó những khoảng trời…

Ở làng tôi, nhà nào cũng có một khu vườn tạp trồng đủ loại cây, nào mít, ổi, nhãn, xoài…, nhiều nhất là cây chuối sứ. Mẹ bảo cây chuối rất lợi kinh tế. Thân chuối sau khi chặt xuống, đem vằm nhỏ sẽ trở thành thức ăn cho vật nuôi trong nhà. Lá chuối khô được dùng làm chất đốt; lá tươi thì để gói gém trà, bánh, vật, dụng hoặc kèm với hoa chuối mang ra chợ bán lấy tiền.

Có nhiều lợi ích nhưng chuối là loại cây vô cùng yếu ớt. Trong cơn bão, chuối thường thương tổn, hư hao đầu tiên. Từng tàu lá dài bị gió đánh tơi như xé lược; thân gập xuống, gãy, đổ bầm dập.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sau mỗi lần bão ghé, mẹ rón rén bước chân ra vườn. Nơi nào cũng là lá, là cành, là cây trái. Ngày thường, mẹ đếm từng tép sả, quả ổi, trái chanh. Vậy mà bây giờ, cành cao đổ đè xuống cây thấp, tất cả nháo nhào, đổ rạp, cài đan nhau thành một tấm thảm gồ ghề.

Ai đó từng nói, cây cũng biết khóc, biết đau, phải chăng điều đó đúng, bởi sau bão, khu vườn tỏa ra mùi hương lạ lắm. Đó không phải là mùi thơm của cỏ cây, hoa trái thường ngày. Như cây nhãn phía đầu hồi nằm trúng ngay hướng gió nên đã gãy ngang, nhựa cây tỏa ra mùi hắc nồng khó chịu. Đám ổi non chưa đủ ngày đủ tháng cũng rơi rớt, dồn đống lại, xực lên mùi đắng ngái, ngây ngây. Một vài quả theo nhau lăn lông lốc, dạt xuống phía bờ ao. Khu vườn lúc này đã bị thương nặng lắm rồi!

Hằng năm, khi bão đến, mùa màng, việc gặt hái đã xong xuôi. Các chân ruộng được nghỉ ngơi, cánh đồng hiu hắt, vắng lặng. Gia đình nào cũng tập trung toàn bộ nhân lực dọn dẹp, chữa lành khu vườn. Người “bác sĩ” cật lực nhất là cha. Cha rảo quanh khu vườn một vòng để nhận định tình hình. Đám cây nào đã bật gốc, tơi tả, cha cho máy cắt trụi hoặc nhổ bỏ. Những cây nào chỉ bị gãy cành, đứt ngọn, cha sẽ dồn tâm sức để “băng bó” những vết thương.

Cha thường kể, việc làm nông bây giờ phụ thuộc rất nhiều vào những nhà cung cấp vật tư nông nghiệp. Phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật, ngay cả giống cũng phải chờ đợi. Ai cũng thích trồng những giống cây ăn quả lai Mỹ, lai Thái… Đâu ai biết rằng, chính những mầm non vươn lên từ gộc cây xù xì, xấu xí nhưng thuần chủng mới là những cá thể có sức chống chịu, thích ứng tốt nhất với môi trường. Như cây bưởi đỏ, cây mít mật và lựu lòng đào được cha nhân giống từ mùa xuân nhiều năm trước, chúng dù đi qua bao mùa sâu bệnh, mưa bão nhưng đến kỳ vẫn đều đặn trổ hoa ngọt, cho trái thơm.

Vườn sau bão xác xơ nhưng cũng đông vui, nhộn nhịp. Góc này đám gà mẹ lục tục đem theo đàn con đi lượm lặt những chú mối, kiến, giun đất sau mưa xong vẫn chưa kịp chui về tổ. Ở góc khác, cô mèo vàng cùng chú chó Vện liên tục đánh hơi, nhì nhằng bám chân mẹ, thỉnh thoảng chú Vện lại sủa vang lên vài tiếng như báo hiệu một vật thể lạ vừa xuất hiện, xâm nhập khu vườn.

Vườn sau bão lạ mà cũng rất quen. Cha nâng lên đặt xuống từng nhánh cành, súc gỗ, mẹ bợ đỡ từng tép sả, trái chanh. Ai cũng xuýt xoa bao công chăm bón. Thế nhưng, mẹ cha cùng bao người dân quê sinh ra trên khúc ruột miền Trung này, mỗi người đâu đó chỉ cho phép bản thân buồn tiếc trong vài phút chốc. Câu cửa miệng của mọi người luôn là: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Tinh thần ấy vừa quật cường, vừa chan chứa lòng biết ơn. Như khu vườn sau bão, nếu biết cách yêu thương và chấp nhận, ta sẽ nhận ra ngoài những vết sẹo thì còn đó rất nhiều chồi xanh vẫn ở lại, đồng hành.

Bão đi qua, khi những cây cao cúi đầu, rạp thân mình xuống, khu vườn chợt bừng sáng. Đâu đó hiện ra những khoảng trời thật đẹp, trong veo.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.