Khởi động lại hành trình yêu thương

.

Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đang tái khởi động sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19. Gần 200 bệnh nhi bị dị tật bộ phận sinh dục ở 3 miền Bắc - Trung - Nam được thăm khám sàng lọc và phẫu thuật tại các Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội). Trong thời gian khoảng 3 tuần, các bác sĩ hàng đầu thế giới về sinh dục, tiết niệu đến từ Ý, Mỹ và Việt Nam sẽ phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục, giúp bệnh nhi có cơ hội trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Hai năm dịch bệnh đã tạo nên những thách thức về kinh tế, sức khỏe và nhân đạo toàn cầu. Hàng trăm hồ sơ thuộc chương trình phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục miễn phí dành cho trẻ em tại Việt Nam khiến chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” buộc phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Để bảo đảm cơ hội được điều trị đối với các bệnh nhi, các bác sĩ phải tổ chức thăm khám trực tuyến qua màn hình nối giữa các bệnh viện Việt Nam với nhiều nơi trên thế giới. Nên khi đoàn chuyên gia của bác sĩ Roberto De Castro và các cộng sự trở lại Việt Nam, nụ cười hy vọng trở lại trên gương mặt những ông bố, bà mẹ có con không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Nhà báo Trần Mai Anh, người sáng lập và điều phối chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” chia sẻ: “Trên hành trình tìm lại nụ cười cho những số phận thiếu may mắn, tôi có không ít mỏi mệt cùng những lần kiệt sức do lịch trình dày đặc hay khoảng cách xa xôi. Song điều khiến chúng tôi bận tâm hơn cả là làm sao để có đủ nguồn lực, đủ kinh phí thăm khám và phẫu thuật cho từng ấy bệnh nhi. Dường như chính nỗi bận tâm ấy đã thôi thúc chúng tôi, Quỹ “Thiện Nhân và những người bạn” nỗ lực hơn, chăm chỉ hơn, để mỗi ngày 24 tiếng không trôi qua một cách vô ích. Thay vào đó, khi mỗi ngày khép lại, chúng tôi có thể tự hào rằng đã có thêm những tia hy vọng cho các em nhỏ ngoài kia”.

Qua theo dõi hàng chục buổi thăm khám của chương trình trong nhiều năm, điều đọng lại là ánh mắt hồn nhiên, vô tư, nụ cười lạc quan, đầy sức sống của các bệnh nhi. Những bạn lớn hơn một chút thì ánh mắt đã có chút tự ti, ngại ngùng. Điểm chung của các em là sự thu mình lại, né tránh nói chuyện với mọi người. Giúp các em thoát ra khỏi vỏ bọc của sự mặc cảm và tự ti để hiểu được bản thân mỗi người đều có những giá trị riêng, không phải là trách nhiệm của riêng các bác sĩ hay những người sáng lập chương trình, mà đó là sự kết nối của cả cộng đồng.

Chị Mai Anh mong kết nối được với các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm để cùng thắp lên hy vọng cho mỗi cuộc đời, mỗi số phận kém may mắn. “Hãy cùng chúng tôi giúp bao hoàn cảnh tiếp nối ước mơ” là lời tâm sự tận đáy lòng của những nhà sáng lập chương trình. Với những người đã dõi theo, đồng hành chương trình hay những người sẽ kết nối trong thời gian tới, nếu có cơ hội tiếp xúc với bố mẹ cậu bé Sơn Bô Xanh đi nhiều viện khác nhau và trải qua khoảng 25 ca phẫu thuật lớn nhỏ để tìm một phép màu hay cậu bé dân tộc Kơ Ho lạc mất giới tính thật của mình dưới ánh mắt vùi dập của mọi người sẽ hiểu giá trị của việc cho đi và nhận lại. Chia sẻ nguồn lực của mình để nhận thấy niềm hạnh phúc bừng sáng ở mỗi cuộc đời từng gặp bất hạnh, hẳn đó là niềm hạnh phúc của sự sẻ chia.

Câu chuyện của hai mẹ con chị Mai Anh và Thiện Nhân giờ đã trở thành câu chuyện của cả cộng đồng. Hàng trăm trường hợp tương tự Thiện Nhân đã được phẫu thuật, có em đã có gia đình riêng, sinh con. Vậy nên có nhiều ông bố, bà mẹ cũng đang hy vọng một phép màu kỳ diệu đến với con mình. Khi các cuộc phẫu thuật được tiếp diễn, mở ra phía trước một hành trình cho những năm tiếp theo.

Hành trình tháng 10-2022 là sự tiếp nối cho những sẻ chia yêu thương, tiếp nối cơ hội cho những em nhỏ kém may mắn. Hành trình yêu thương mà chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” sáng lập đang tiếp tục được đông đảo mọi người đón nhận, để biết rằng có rất nhiều người vẫn đang dõi theo từng bước chân của hành trình này nhằm tạo nên những điều kỳ diệu trên con đường tìm lại sự hoàn thiện cơ thể cho các em.

HIỀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.