Một góc nhìn khác về văn minh đô thị Đà Nẵng

.

Bằng những quyết sách đúng đắn và kịp thời, Đà Nẵng đã khẳng định vị trí của lĩnh vực văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xem đó là một yếu tố quan trọng, không thể tách rời.

Một góc phố Đà Nẵng. Ảnh: BẢO KHÁNH
Một góc phố Đà Nẵng. Ảnh: BẢO KHÁNH

Xây dựng thương hiệu đô thị văn hóa

Các giá trị đô thị văn minh mà Đà Nẵng đạt được là kết quả hành trình sau gần 25 năm chia tách, không ngừng nỗ lực vươn lên. Đảng bộ và chính quyền thành phố rút ra nhiều bài học quý giá trong việc hoạch định phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Với tầm nhìn chiến lược, tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong triển khai thực hiện; có chủ trương, chính sách đúng, hợp lòng dân của nhiều thế hệ lãnh đạo; có sự tin tưởng, đồng thuận của người dân; sự theo dõi, hỗ trợ sát sao của Trung ương; sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng đã đạt được một số thành tựu nổi bật...

Trong một phần tư thế kỷ đó, Đà Nẵng có hơn 10 năm xây dựng và hình thành thương hiệu đô thị văn hóa, văn minh với Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và hiện tại là “Thành phố 4 an”. Đến nay, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra và từ những chính sách đặc biệt đó, đã góp phần định danh Đà Nẵng trên bản đồ phát triển đô thị Việt Nam.

Nếp sống văn hóa, văn minh có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện bộ mặt đô thị. Trên hàng trăm tuyến đường, điểm đến du lịch và danh lam thắng cảnh, thành phố kiểm soát và cấm tình trạng bán hàng rong, đánh giày, ăn xin trá hình. Thành phố xây dựng chính sách, lập tổ phản ứng nhanh, công bố đường dây nóng kết nối từng người dân với chính quyền khi phát hiện khu vực, địa phương xảy ra tình trạng biến tướng lang thang ăn xin, đánh giày hoặc có hành vi “chặt chém” khách du lịch... Với những hành vi này, lực lượng chức năng xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm.

Thực hiện chương trình mục tiêu “Không có người lang thang xin ăn” (trong Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”), từ năm 2015 đến hết năm 2021, thành phố đã tập trung 1.492 lượt đối tượng, trong đó có 419 lượt đối tượng lang thang không nơi cư trú, 365 lượt đối tượng xin ăn, 157 đối tượng xin ăn biến tướng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội...

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, Đà Nẵng có nhiều lợi thế trong phát triển đô thị lõi, đô thị hướng biển với các giá trị riêng, dựa vào những dư địa đang có sẵn và vị trí trung tâm trong con đường di sản miền Trung. Giữa cái cũ và cái mới, có những giá trị khăng khít, không thể tách rời. Đơn cử, nhiều đề án, chương trình về phát triển văn hóa, văn minh đô thị đã được ban hành cùng với cam kết của chính quyền, đơn vị chức năng trong việc “làm sạch” đô thị trước các vấn nạn xã hội, người lang thang ăn xin, chèo kéo bán hàng rong... Việc đồng loạt ra quân và triển khai nghiêm ngặt chương trình an sinh xã hội, trong đó có tiêu chí không có người lang thang ăn xin, đã tạo nên một giá trị khác của thành phố.

Đó là giá trị nhân văn góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền vì dân, an sinh xã hội và đặc biệt là chăm lo đời sống người dân, bảo đảm trật tự đô thị, hạn chế tối đa tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường; loại bỏ và dẹp hẳn tình trạng chèo kéo khách du lịch, lợi dụng trẻ em, người tàn tật để tổ chức hoạt động ăn xin trá hình... Những điều tưởng chừng đơn giản đó, là sự nỗ lực và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân cùng chung tay xây dựng. Hay nói cách khác, người dân đã trở thành vị trí trung tâm trong các chương trình xây dựng, phát triển đô thị Đà Nẵng.

An sinh xã hội bền vững

Kinh tế, văn hóa, xã hội giữ thế chân kiềng trong phát triển đô thị Đà Nẵng. Cụ thể, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ: “Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực thi và nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là các chính sách xã hội giàu tính nhân văn, như Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “Thành phố 4 an” hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng. Triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm 100% đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; quan tâm vấn đề dân cư, dân số với quy mô, kết cấu phù hợp; quy hoạch lại mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn”.

Năm 2021, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND thực hiện mục tiêu Chương trình “Không có người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, đặt ra mục tiêu cụ thể như tăng cường kiểm tra, xử lý; không để xảy ra tình trạng lang thang, xin ăn, xin ăn biến tướng, bảo đảm 100% thông tin phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng được tiếp nhận xử lý kịp thời; 100% người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố được phát hiện đưa về địa phương, gia đình quản lý hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở y tế để chăm sóc, nuôi dưỡng; trên 90% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát gắn áp-phích tuyên truyền và ký cam kết với chính quyền địa phương không để xảy ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong kết hợp với xin ăn tại cơ sở; các cơ sở thờ tự của tôn giáo vận động đạo hữu, tín đồ không cho tiền, hiện vật người lang thang, xin ăn trước và trong khuôn viên cơ sở thờ tự...

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tháng 6-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, yêu cầu thành phố nghiên cứu, bổ sung thêm quan điểm: “Phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch”. Đây cũng là một trong các trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể khẳng định, đầu tư cho văn hóa là đầu tư giá trị nền tảng. Và, giá trị của văn minh đô thị khi được đầu tư, chăm chút kịp thời sẽ góp phần để Đà Nẵng phát triển bền vững.

BẢO KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.